Đánh giá OPPO R1 - Cái nhìn khác về smartphone của Trung Quốc (Phần 1: Thiết kế)

Chuyển tới nội dung chính trong bài[xem]
Chắc chắn người tiêu dùng sẽ có những nhìn nhận khác hẳn khi sử dụng siêu phẩm smartphone đến từ Trung Quốc Oppo R1

Ưu điểm:

– Thiết kế đẹp, ấn tượng

– Giá thành hấp dẫn

– Hiệu năng ổn định

– Chạy nền tảng Android

Nhược điểm:

– Khả năng sử dụng ngoài trời còn hạn chế

– Hai mặt trước và sau sử dụng kính nên khá trơn trượt

Điểm nhấn đáng chú ý: Màn hình kích thước 5″, độ phân giải 1280 x 720, lõi xử lý quad-core MediaTek, 1GB RAM, 16GB bộ nhớ trong, camera sau 8MP, camera trước 5MP. pin 2410mAh, hỗ trợ 2 SIM.

Khi nói về các nhà sản xuất của Trung Quốc, chắc hẳn bất cứ ai trong số chúng ta cũng có một chút e ngại về chất lượng sản phẩm, dù là gì đi chăng nữa. Thế nhưng trong những năm gần đây, nhất là trong năm 2014, đã có nhiều nhà sản xuất di động ở Trung Quốc gần như đã thay đổi được suy nghĩ này, bằng việc tung ra thị trường những mẫu smartphone có chất lượng cao, và một giá thành hấp dẫn.

Điển hình trong số đó, không thể không nhắc tới chiếc OPPO R1, như là một lời khẳng định của nhà sản xuất OPPO trong việc các nhà sản xuất Trung Quốc hoàn toàn có thể tạo ra những mẫu smarthphone tinh xảo, có chất lượng cao.

Cùng chúng tôi đến với bài đánh giá chi tiết thiết kế và các tính năng của chiếc OPPO R1 bên dưới đây nhé.

Đánh giá về thiết kế

Oppo R1 dual-SIM

Khi nhìn chiếc OPPO R1 lần đầu tiên, chắc hẳn có rất nhiều người đã liên tưởng nó với thiết kế của siêu phẩm iPhone 4S nổi tiếng.

Có thể đánh giá nhà sản xuất OPPO rất nỗ lực trong việc tao ra những nét riêng trên siêu phẩm của mình, thế nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chiếc R1 có khá nhiều nét tương đồng với iPhone 4S của Apple, nhất là ở mặt trước, mặt sau và hai cạnh bên.

Tuy nhiên với một kích thước màn hình lớn hơn nhiều so với đối thủ iPhone (5 inch so với 4 inch), OPPO R1 trông khá ưa nhìn, thanh thoát, đồng thời cũng phù hợp với xu thế smartphone màn hình lớn hiện nay.

Mặt sau và mặt trước của máy đều được ốp kính gương cường lực, do đó chúng ta có thể thấy độ phản chiếu của OPPO R1 là khá cao, ngay cả với bộ vỏ đen. Đây cũng là một trong những lý do mà các bạn gái yêu thích thiết bị này, đó là vì đôi khi chúng ta có thể tận dụng mặt trước và mặt sau của nó như một chiếc gương, khá tốt và hữu dụng. Tuy nhiên nhược điểm của màn hình gương đó là bạn cũng khó có thể sử dụng nó vào những ngày trời nắng gắt do tính phản sáng cao.

OPPO R1 sở hữu những đường nét thiết kế sang trọng khiến nhiều người nhầm lẫn với các dòng smartphone cao cấp của Apple hay Sony

Bên cạnh đó, hai tấm kính gương này cũng khiến cho OPPO R1 khá trơn khi cầm trên tay, và đặc biệt dễ rớt khi bạn rút nó khỏi túi, hoặc cố gắng chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Nếu như định mua một chiếc R1, bạn chắc chắn sẽ phải rất cẩn thận trong quá trình sử dụng, cầm nắm, nhất là khi có mồ hôi tay, nếu như không muốn xảy ra những điều không mong muốn.

Tuy nhiên, chi tiết được đánh giá cao nhất trên OPPO R1 không phải là hai mặt trước và sau, mà lại ở lớp cạnh viền của nó. Lấy ý tưởng từ iPhone 4S, thế nhưng lớp cạnh viền của OPPO R1 tạo cảm giác không quá dày như trên đối thủ của mình, mà ngược lại như làm tôn thêm nét mảnh mai, thuôn dài của nó.

Nhìn chung, lớp viền này cũng giống như trên người tiền nhiệm OPPO N1 với cấu tạo từ nhôm không gỉ sáng bóng, ốp đều và uốn cong ở 4 góc. Tuy nhiên lớp do quá “ham hố” đặt các cổng kết nối và jack tai nghe trên các cạnh bên, do đó lớp viền của OPPO R1 không thực sự tạo được cảm giác liền mạch giống như iPhone 4S, hay thậm chí không được như trên Sony Xperia Z1.

OPPO cũng không ghi lại logo của mình ở mặt trước của chiếc R1, giống như những phiên bản tiền nhiệm, ngoại trừ nút Home cảm ứng chìm – chỉ hiện lên nếu như có tương tác ngón tay lên màn hình. Thay vào đó, logo OPPO được đặt gọn gàng ở mặt sau thiết bị, hơi giống với kiểu mà Sony áp dụng cho các mẫu Xperia của hãng.

Kế bên trên đó là camera sau được đặt khá gọn gàng ở góc trên bên trái, bao quanh ống kính là lớp viền kim loại mà chúng ta vẫn thấy trên các mẫu smartphone tiền nhiệm của OPPO.

Về vị trí các nút cứng, OPPO R1 nhìn chung cũng có một kết cấu khá hợp lý, khi mà nút nguồn được đặt ở phía trên cạnh bên trái, còn nút tăng giảm âm lượng đối xứng ở cạnh phải. Khay chưa hai thẻ thẻ SIM được đặt vừa vặn ở cạnh dưới bên trái. Tuy nhiên do không hỗ trợ thẻ nhớ microSD, nên chắc chắn bạn sẽ không tìm thấy khe cắm quen thuộc này trên chiếc OPPO R1. Ở cạnh dưới tất nhiên là khe cắm sạc micro-USB.

Nhìn lại tổng thể, thiết kế của OPPO R1 khá độc đáo, ưa nhìn, và quan trọng nhất đó là làm toát lên vẻ sang trọng cần thiết của một thiết bị ở phân khúc cao cấp. Rất nhiều người dùng sở hữu smartphone với một phần cứng mạnh mẽ nhưng lại thèm khát vẻ ngoài sang trọng của chiếc OPPO R1, có thể chỉ ra điển hình như Samsung Galaxy S5, hay LG G3 chỉ có lớp vỏ nhựa kém sang.

(Còn tiếp) – Hãy cùng đến với những đáng giá tiếp theo của chúng tôi ở các phần sau nhé!

Nguyễn Nguyễn

Theo TrusterReview

Tin tức về Điện thoại di động