Kể từ lần ra mắt đầu tiên năm 2017, dòng Surface Laptop của Microsoft đã trải qua tổng cộng 6 lần cập nhật nhưng chủ yếu chỉ là thay đổi cấu trúc bộ xử lý và bổ sung một vài yếu tố nhỏ nhặt không đáng kể. Cho đến Surface Laptop 7 mới đây, nó mới thực sự có được những thay đổi mang tính cách mạng và nói một cách công bằng, thì đây mới thực sự là kỷ nguyên mới dành cho laptop chạy Windows.
Chiếc Microsoft Surface Laptop mới nhất này đã hoàn toàn loại bỏ phần cứng Intel và AMD sang một bên và sử dụng chip Qualcomm. Thực tế mà nói đây không phải lần đầu Microsoft làm việc này, vì trước đó Surface Pro 9 5G cũng đã sử dụng chip Arm rồi, nhưng, nó chỉ được xem như một ‘bản nháp’ cho lần ra mắt chính thức này.
Surface Laptop 7 mới sẽ chỉ chạy Snapdragon X Elite của Qualcomm, không có bất kỳ phiên bản Intel hay AMD nào, thậm chí cũng không có thông tin nào về việc hãng có dự định như vậy. Động thái táo bạo này giúp Surface Laptop đạt được hiệu suất mạnh mẽ và thời lượng pin tuyệt vời trong một chiếc laptop mỏng nhẹ, ngoài ra, nó cũng là ấn phẩm đầu tiên Microsoft kết hợp Copilot+ PC để thực hiện các tác vụ AI.
1. Thiết kế Surface Laptop 7: Sang trọng và hiện đại hơn!
Từ hình thức bề ngoài, nhìn chung thì Surface Laptop 7 vẫn giữ nguyên DNA của tất cả các dòng trước đó: thân máy bằng nhôm bóng bẩy trông sang trọng và tạo cảm giác cứng cáp, màu sắc thiên về vẻ ngoài tối giản, không có bất kỳ họa tiết nào ngoài logo Windows sáng bóng ở nắp lưng.
Tuy nhiên, soi xét kỹ hơn thì ta sẽ nhận thấy một vài thay đổi. Đầu tiên, viền màn hình đã được làm nhỏ hơn nhiều so với các mẫu Surface Laptop trước đây, 4 góc bên trong màn hình được bo cong nhẹ trông mềm mại, tự nhiên hơn. Các cạnh trên máy cũng được làm thuôn nhọn hơn trước, khiến chiếc laptop mới này có thông số dày hơn thế hệ tiền nhiệm, nhưng lại cho cảm giác linh hoạt hơn.
Trọng lượng của Surface Laptop 7 13 inch khoảng 1,34kg, nặng hơn một chút so với các đối thủ như Apple Macbook Air 13 M3 và Dell XPS 13, cả hai đều nặng 1,2kg. Về cơ bản thì chênh lệch 100g cũng không quá nhiều, nó vẫn rất nhẹ nhàng để ta mang theo di chuyển hàng ngày mà không cảm thấy bất kỳ gánh nặng nào.
Với màn hình, Microsoft tiếp tục áp dụng tỷ lệ 3:2, nó vuông vắn hơn nhiều so với tỷ lệ 16:9 hay 16:10. Màn hình này về cơ bản sẽ có lợi thế khi ta duyệt web hay đọc tin tức, soạn thảo văn bản vì chiều dọc của nó sẽ dài hơn, hiển thị được nhiều nội dung hơn. Tuy nhiên, bất cập của kích thước bất thường này là nó khó mà vừa vặn với các loại túi đựng laptop 13 inch thông dụng.
Cùng với thiết kế mới là bố cục cổng kết nối mới. Chúng ta có hai cổng USB4 Type-C, một cổng USB-A 3.2 Gen1 và 1 jack cắm tai nghe 3.5mm ở cạnh trái, cổng sạc độc quyền Surface Connect ở bên phải.
2. Bàn phím và trackpad!
Bàn phím của Surface Laptop 7 có bố cục rộng rãi với chiếu nghỉ tay lớn, tạo cảm giác thoải mái khi sử dụng. Các phím bấm có độ nhạy cao và phản hồi tốt, đồng thời cũng cực kỳ yên tĩnh, ngay cả khi ta gõ mạnh ngón tay vào các phím thì cũng không gây ra tiếng ồn quá lớn.
Tuy nhiên, ngôi sao thực sự lần này là touchpad. Nó được làm lớn hơn các thế hệ trước, đồng thời được thiết kế lại thành Haptic touchpad. Khi ta nhấn xuống touchpad, phản hồi xúc giác tạo ra mang đến trải nghiệm sử dụng trực quan và thỏa mãn hơn rất nhiều.
3. Màn hình cảm ứng tần số quét cao
Surface Laptop 7 được trang bị màn hình PixelSense chất lượng cao với chứng nhận Dolby Vision. Model 13,8 inch này có độ phân giải 2304 x 1536 pixel, mật độ điểm ảnh 201 ppi. Điểm nổi bật nhất là màn hình có tần số quét 120Hz, ta có thể tùy chỉnh tần số quét chuyển đổi giữa 60Hz và 120Hz tùy từng nội dung để có độ mượt tốt nhất mà vẫn đảm bảo thời lượng pin.
Hơn nữa, tần số quét cao hơn không chỉ giúp cải thiện trải nghiệm tương tác mà còn làm giảm độ trễ đầu vào tổng thể, đặc biệt là khi sử dụng bút Surface Pen. Nó khiến việc vẽ, ghi chú và sáng tạo trên màn hình cảm ứng thêm tự nhiên và chân thực.
Ngoài ra, màn hình này cũng có độ sáng và độ tương phản ấn tượng. Với độ sáng tối đa 509 nits và tỷ lệ tương phản ở độ sáng 100% là 1370:1, ta có thể dễ dàng sử dụng Surface Laptop 7 ngoài trời mà không gặp khó khăn gì.
Về màu sắc, nó cũng có độ phủ màu rất rộng, 100% sRGB, 85% Adobe RGB và 96% DCI-P3, trong khi đó chỉ số sai màu Delta E cao nhất là 3,09, thấp nhất là 0,54 và trung bình 1,69, màu sắc hiển thị rất gần với màu sắc gốc nên sẽ phục vụ khá tốt cho công việc chỉnh sửa ảnh, render video.
Tuy nhiên, có một điểm trừ nho nhỏ là màn hình này không có lớp phủ chống chói nào, do đó ở môi trường có nhiều ánh sáng nó có thể mang đến một số khó chịu nhất định.
4. Hiệu năng ấn tượng của Surface Laptop 7
Surface Laptop 7 đánh dấu một bước nhảy vọt về hiệu năng nhờ việc chuyển sang kiến trúc ARM với chip Snapdragon X Elite của Qualcomm. Đây là một thay đổi mang tính đột phá so với các thế hệ trước sử dụng chip Intel.
Trước tiên hãy nói về con chip: Snapdragon X Elite có hiệu năng cực kỳ khủng khiếp. Nó được tích hợp công cụ Hexagon NPU AI có sức mạnh tính toán siêu khủng lên tới 45TOP (45 nghìn tỷ phép tính mỗi giây), cao hơn 39TOPS của Ryzen 7 8845H, hoàn toàn có thể đáp ứng nhu cầu của hệ điều hành Windows 11 về sức mạnh tính toán AI. Mặt khác, với sự hỗ trợ của NPU, hiệu suất năng lượng (hiệu suất trên mỗi watt) của Snapdragon X Elite cũng tốt hơn tới 2,6 lần so với Apple M3, và tốt hơn 5,4 lần so với Intel Core Ultra 7.
Song, điều ấn tượng nhất, và có lẽ cũng là điều mà các fan Surface mong mỏi nhất, đó là việc Surface Laptop 7 đã giải quyết vấn đề tương thích ứng dụng x86 một cách xuất sắc. Với việc hỗ trợ công nghệ giả lập x86 tiên tiến gọi là Prism, hiệu năng chạy các ứng dụng x86 truyền thống trên máy gần như tương đương với phiên bản native.
Điểm chuẩn đa luồng của Surface Laptop 7 13,8 inch trong Cinebench R20 đạt 3.820 điểm, nó chậm hơn một số đối thủ chạy x86 native như Lenovo Thinkbook 13x Gen 4 (Ultra 5 125H – 5.117), Asus Zenbook 14 OLED (Ryzen 7 8840HS – 5.387) và Dell XPS 13 (Ultra 7 155H – 4.633). Tuy nhiên thì, đây là kết quả đã được dự đoán trước, bởi Cinebench R20 vốn dĩ không phải ứng dụng Arm native nên bài test trên phần mềm mô phỏng không đánh giá đúng hiệu suất thực của máy, bị giảm khoảng 30%.
Chuyển sang Geekbench 6 tương thích tốt với Arm, mọi thứ đảo chiều khi Surface Laptop 7 thể hiện sức mạnh tiềm năng đáng kinh ngạc với số điểm đa lõi 12.988, nó thậm chí vượt qua mẫu laptop được đánh giá cao hơn là Asus Zenbook 14 OLED (Ultra 7 155H – 12.766 điểm). Ngoài ra, Surface Laptop 7 cũng nhanh gấp đôi so với Surface Pro 9 5G (6.303 điểm) ra mắt năm 2022 chạy chip Microsoft SQ3 (được thiết kế tùy chỉnh dựa trên Snapdragon 8cx). Sự khác biệt này cũng cho thấy những nỗ lực cải thiện hiệu suất của Qualcomm trong những năm qua là không hề uổng phí.
Nhìn chung, trong quá trình sử dụng hàng ngày thì Surface Latop 7 rất nhanh. Tuy nhiên, do khả năng tương thích có hạn cho nên nó có thể gặp nhiều rắc rối hơn so với laptop AMD hay Intel, đặc biệt là khi sử dụng các thiết bị ngoại vi cũ yêu cầu có driver riêng biệt như máy in, máy quét, card âm thanh ngoài…
Hiệu suất xử lý có vẻ tốt, nhưng còn GPU tích hợp thì sao?
Trước đó tại Microsoft Build 2024, Microsoft không tiết lộ quá nhiều về hiệu suất GPU, hãng chỉ mới đăng lên một bức ảnh cho thấy con chip này có thể chơi được Borderlands 3 và Baldur’s Gate 3 mà thôi. Trên thực tế, Microsoft đã tiết lộ rằng chiếc laptop chỉ có thể chơi game trên các dịch vụ đám mây, chứ không phải game 3D.
Và cho đến hiện tại thì kết quả cũng đúng vậy. Do có rất ít trò chơi Arm native cho nên Surface Laptop 7 liên tục gặp sự cố trong quá trình trải nghiệm các tựa game x86 native: một số trò chơi còn không thể khởi chạy (Far Cry 5, Prices of Persia: The Lost Crown, Witcher 3, F1 23, Liên Minh Huyền Thoại, Fornite), chạy được nhưng bị lỗi đồ họa (Shadow of the Tomd Raider, Total War: Pharaohs, Spider-Man), hoặc vào được game nhưng thường xuyên bị treo máy (Cyberpunk 2077).
Nhìn chung, tạm có thể nhận định rằng Surface Laptop 7 không phải là mẫu laptop phù hợp với mục đích chơi game, ngay cả khi nhu cầu đó không quá thường xuyên.
Tuy nhiên, nếu bạn muốn một chiếc laptop để sáng tạo nội dung thì lại khác, Surface Laptop 7 có thể đáp ứng được. Các ứng dụng như Microsoft Office để làm việc văn phòng, GIMP để chỉnh sửa ảnh và Wondershare Filmora chỉnh sửa video hoạt động rất hoàn hảo. Ngoài ra còn có một loạt ứng dụng quen thuộc khác như Notepad++, Adobe Photoshop, Lightroom, DaVinci Resolve 19 đều đã có thể tương thích với Arm (hoặc đang trong giai đoạn thử nghiệm). Cũng trong cuối năm nay, Adobe Premiere Pro, Illustrator, InDesign và After Effects được hứa hẹn là sẽ sớm cập nhật.
5. Tính năng PC Copilot+ AI
Ngoài màn hình và phần cứng mới, thì một trong những yếu tố hấp dẫn nhất của dòng Surface Laptop mới này chính là PC Copilot+ AI. Đây là một thuật ngữ chung dành cho bất kỳ chiếc laptop nào có RAM 16GB, NPU 40 TOPS trở lên, dung lượng lưu trữ ít nhất 256GB. Và chiếc laptop Windows này dư thừa điều kiện để được gọi như vậy.
Hiện nó có 4 công cụ: Windows Studio Effects, Cocreator, Image Creator và Live Caption. Nó còn một công cụ nữa là Recall (ghi lại lịch sử làm việc của máy tính bằng ảnh chụp) nhưng hiện đang gặp vấn đề về bảo mật nên chưa được phát hành chính thức.
Hãy bắt đầu với Windows Studio Effects. Nó là một loạt các hiệu ứng có thể được áp dụng cho webcam và micro và sử dụng AI để nâng cao chất lượng dữ liệu video và âm thanh của bạn bất kể bạn đang sử dụng ứng dụng nào (Teams, Skype, Zoom, Slack, Google Meet hay ứng dụng camera có sẵn trong máy). Một số hiệu ứng của nó khá quen thuộc với chúng ta như làm mờ hậu cảnh, ánh sáng chân dung và bộ lọc làm mịn da, hoặc biến đổi chân dung của bạn thành hoạt họa. Nhìn chung thì tính năng này khá thú vị, và khá hữu dụng đối với những người thường xuyên sử dụng webcam.
Image Creator trong ứng dụng Photos thì cho phép ta tạo ra hình ảnh từ văn bản đầu vào, về cơ bản là nó hoạt động khá ổn. Tuy nhiên thì hình ảnh do AI tạo ra thường thiếu tính chính xác, và thiếu thực tế, không được tốt bằng một số công cụ AI khác, chẳng hạn như Midjourney. Nhưng ưu điểm của nó là miễn phí và ta có thể thoải mái sáng tạo bất cứ thứ gì mình thích.
Hai tính năng AI còn lại, Cocreator trong Paint và Live Caption. Cái trước sử dụng AI để chỉnh sửa hoặc chuyển đổi các bức ảnh hiện có một cách sáng tạo, cho phép ta thay đổi phong cách của bức ảnh theo ý muốn, chẳng hạn ta có thể biến một bức tranh anime thành trường phái ấn tượng. Còn cái sau thì sẽ cung cấp bản dịch thời gian thực cho video, podcast…
6. Thời lượng pin: Hơn một ngày sử dụng!
Pin của Surface Laptop 7 đơn giản là quá nhiều. Microsoft cho biết chiếc laptop Windows này có thể phát video liên tục trong 20 giờ, và con số này hoàn toàn không phải ‘ảo’. Trong thực tế, khi phát video 1080p liên tục thông qua Wi-Fi, thiết bị có thể kéo dài 17 giờ 38 phút, chỉ cần thay đổi một vài thông số là ta hoàn toàn có thể đạt được mức thời gian như hãng tuyên bố.
Và, càng ngạc nhiên hơn nếu bạn biết viên pin của nó thực sự rất khiêm tốn, chỉ có 54Wh. Trong khi đó, các đối thủ của nó như Lenovo Think Book 13x và Asus Zenbook 14 OLED đều có viên pin trên 70Wh.
Để đạt được hiệu suất pin ấn tượng như thế thì công lao lớn nhất là của con chip Snapdragon X Elite với khả năng quản lý tuyệt vời. Ngoài ra, nó còn có một ưu điểm nữa là gần như không tiêu thụ năng lượng khi ở chế độ ngủ, nó chỉ tiêu thụ khoảng 1 đến 2% vào ban đêm mà thôi.
Để sạc, ta có thể sử dụng cục sạc đi kèm để sạc qua cổng Surface Connect từ tính, đồng thời nó cũng nhận sạc qua USB-C nữa. Vậy nên, dù có đi đâu thì ta chỉ cần mang theo một cục sạc nhỏ như sạc điện thoại là được rồi. Rất thoải mái và tiện lợi.
7. Tạm kết
Tổng quan mà nói, Surface Laptop 7 mặc dù còn tồn tại nhiều vấn đề, nhiều mặt hạn chế, nhưng về cơ bản thì nó có thể xem như một thành công mang tính bản lề của Microsoft trong việc biến Arm on Windows (AoW) trở thành một lựa chọn khả thi. Bên cạnh đó, với con chip Snapdragon X Elite, Qualcomm cũng chứng minh rằng bộ xử lý của mình hoàn toàn có thể thay thế được Intel hay AMD. Tuy rằng hiện tại nó vẫn chưa quá phù hợp để chơi game, nhưng hiệu quả trong việc quản lý năng lượng và có hiệu suất cao để sử dụng hàng ngày cũng đã là quá đủ để biến chiếc laptop Surface này trở thành lựa chọn phù hợp cho những người thường xuyên di chuyển hoặc không muốn lo lắng về thời lượng pin.
Về giá bán, Surface Laptop 7 có giá khá khởi điểm khá cao và sẽ thăng tiến dần tùy cấu hình phần cứng. Model 13 inch sẽ có giá từ 35,5 triệu đồng cho tới 85,5 triệu đồng; còn model 15 inch có giá từ 44,5 triệu đồng tới 89,9 triệu đồng.