Thiết kế, chất lượng hoàn thiện Redmi SonicBass
Tai nghe Redmi SonicBass có thân nhựa với thiết kế dây đeo cổ, được hoàn thiện với lớp phủ mờ trong khi dây đeo bằng chất liệu silicone. Dây đeo trên cổ là hình tròn, nó nhẹ và gần như không có cảm giác khi đeo. Hai mô-đun hai bên tai nghe cùng sử dụng chất liệu nhựa và có lớp phủ mờ, nhưng thành thật mà nói sự kết hợp này không được ổn cho lắm vì tai nghe rất dễ bám bụi, giảm tính thẩm mỹ của nó đi.
Ở mô-đun bên phải là cổng sạc micro-USB và các nút chỉnh âm lượng. Nút nguồn nằm ở bên mô-đun trái.
Tai nghe là dạng in-ear thiết kế giống kiểu tai nghe đĩa ngày xưa và có nam châm để dính lại với nhau. Đây là dạng thiết kế khá phổ biến hiện nay nhưng có điểm mà Xiaomi làm chưa tốt đó là khi dính hai tai nghe lại với nhau chúng không tự động tắt nhạc. Mặt khác, mặc dù tai nghe có kích thước nhỏ gọn và có 3 kích cỡ nút tai khác nhau nhưng độ fit của nó chưa thực sự tốt, cảm giác có thể rơi ra bất cứ lúc nào.
Hiệu suất của Redmi SonicBass
Để ghép nối với điện thoại, bạn cần nhấn và giữ nút nguồn trên mô-đun trong vài giây. Tai nghe này sử dụng kết nối Bluetooth 5.0 và có driveer 9.2 mm. Xiaomi nói rằng thiết bị này cho tín hiệu ổn định trong bán kính 10 mét nhưng thực tế không giống vậy, tín hiệu có vẻ yếu ngay cả ở phạm vi 5 – 6 mét.
Về chất lượng âm thanh, điểm mạnh của Redmi SonicBass là có giọng hát rõ ràng, nhiều đất diễn và không bị mờ ở âm lượng lớn. Thế nhưng âm trầm hơi có vẻ nặng nề và âm trung nhạt nhòa. Nhìn chung xét ở mức giá khoảng hơn 300.000 đồng ta không mong đợi gì hơn.
Các tính năng chính
Về chức năng, Xiaomi cho biết tai nghe không dây Redmi SonicBass sẽ có tính năng khử ồn môi trường với micro kép. Đừng nhầm lẫn với tính năng chống ồn chủ động nhé, đây chỉ là tính năng khử ồn khi đang gọi điện thoại để có chất lượng cuộc gọi rõ ràng hơn thôi.
Một tính năng khác là tai nghe này có thể liên kết với 2 thiết bị cùng lúc và khả năng chuyển đổi nhanh chóng giữa trạng thái nghe nhạc và gọi điện. Đây không phải tính năng mới nhưng có nó cũng rất hữu ích, nhất là với những ai đang kết nối cùng lúc điện thoại và laptop.
Cuối cùng, tai nghe có tiêu chuẩn chống nước IPX4, có nghĩa là nó không sợ mồ hôi và các cơn mưa nhẹ. Nút nguồn trên dây cũng có thể dùng để bật trợ lý giọng nói trên điện thoại, nó hoạt động tốt với Google Assistant, Amazon Alexa và Apple Siri.
Tai nghe được sạc qua cổng micro-USB nhưng có cái dở là khi mua tai nghe bạn sẽ không được đính kèm cáp sạc mà phải mua ngoài, hoặc có sẵn cái nào rồi thì dùng luôn. Thời gian sạc tai nghe là 1- 2 giờ và thời gian chơi nhạc lên đến 12 giờ (thực tế chỉ được 10 giờ), con số khá ấn tượng vì hầu hết tai nghe đeo cổ dạng này chỉ được 6 giờ là nhiều.
Có nên mua tai nghe Redmi SonicBass không?
Với giá chỉ 14 USD (khoảng hơn 300.000 đồng), Redmi SonicBass sẽ không làm khó túi tiền của bạn. Nhưng nếu để mua chiếc tai nghe này thì bạn vẫn cần phải cân nhắc thật kỹ. Nếu bạn cần một chiếc tai nghe sử dụng hàng ngày, pin lâu và không đòi hỏi âm thanh hay thì Redmi SonicBass tương đối hợp lý. Nhưng nếu có yêu cầu cao hơn về mọi mặt (kết nối, tính năng, chất âm) song vẫn phải có mức giá phải chăng thì nên tìm ở phân khúc cao hơn khoảng 500.000 – 700.000 đồng.