Giá bán và tính cạnh tranh của Huawei Matebook 16s
Matebook 16s được tung ra thị trường với 3 phiên bản CPU Core i5-12500H, i7-12700H và i9-12900H. Tất cả đều đi kèm với Windows 11, RAM 16GB LPDDR5 và SSD PCIe 512GB hoặc 1TB và có giá lần lượt là 25/28/35 triệu đồng. Sản phẩm nhắm đến những người chuyên làm việc sáng tạo cần màn hình có màu sắc chính xác và đủ hiệu suất cho các công việc ngốn tài nguyên.
Nhìn chung ở phân khúc laptop 16 inch thì Matebook 16s có thể nói là lựa chọn cực ổn. Đứng đầu bảng dĩ nhiên vẫn là Macbook Pro 16 inch của Apple nhưng mà giá của nó thực sự phải đắn đo, khoảng 65 triệu cho cấu hình thấp nhất (M1 Pro, 16GB RAM, 512GB SSD). Thêm nữa là hiệu năng của con chip Intel i9-12900H bây giờ được đánh giá là tương đối tiếp cận M1 Pro nên nếu không đủ tài chính hoặc không phải fan Apple thì không cần thiết bạn phải chi thêm làm gì.
Trong cùng tầm giá 30 triệu, Dell Inspiron 16 Plus sẽ là đối thủ khá cứng của Matebook 16s. Với 29,9 triệu đồng, bạn có thể sắm được một chiếc cấu hình i7-11800H, RAM 16GB, SSD 1TB. Màn hình 3K cực nét cùng sự hỗ trợ của VGA Nvidia GeForce RTX3050 khiến Inspiron 16 Plus trở thành cỗ máy rất linh hoạt, đáp ứng hầu hết mọi yêu cầu khắt khe của người dùng.
Còn nếu muốn chút gì đó gaming hơn thì bạn có thể xem xét mẫu HP Victus 16. Màn 16,1 inch độ phân giải FHD của nó tuy hơi kém sắc so với 16s nhưng tần số quét 144Hz cùng VGA RTX3060 chơi game rất ổn. Các thông số khác gồm CPU Core i7-11800H, 16GB RAM, 512GB SSD. Giá của mẫu Victus 16 này nhỉnh hơn phiên bản i9 của 16s một chút, khoảng 37 triệu đồng.
Thiết kế và chất lượng hoàn thiện
Phần lớn chi tiết của Matebook 16s được chế tác từ nhôm, khi lắp ráp lại với nhau thì nó vừa đảm bảo được độ chắc chắn của máy lại vừa nhẹ nhàng. Tổng trọng lượng của chiếc máy này chỉ khoảng 2 kg, không phải là nhẹ nhất ở phân khúc này nhưng nhẹ hơn Macbook Pro 16 inch (2,1 kg).
Kích thước máy 351 x 255 x 17,8 mm, rất mỏng manh và thời trang không thua kém gì đối thủ Apple nhưng màu sắc hơi đơn điệu, chỉ có duy nhất một màu SpaceGrey.
Mỏng nhưng số lượng cổng trên 16s tương đối đầy đủ. Ở sườn phải có hai cổng USB-A 3.2 Gen 1(tốc độ truyền dữ liệu 5Gbits/giây) còn sườn trái có HDMI 2.0, jack 3.5 mm, hai cổng Type-C: một cổng hỗ trợ Thunderbolt 4.0 và cổng còn lại hỗ trợ DisplayPort kiêm luôn Power Delivery. Để sạc máy thì bắt buộc ta phải dùng một trong hai cổng Type-C kết nối với bộ sạc 90W.
Bàn phím – Touchpad – Webcam
Bàn phím của Huawei Matebook 16s dạng chiclet, chất lượng keycap chắc chắn không ọp ẹp và có hành trình 1,5 mm. Độ nảy khi nhấn sẽ nhẹ hơn một chút so với các dòng laptop Huawei trước đó và mang lại trải nghiệm tương đối dễ chịu, thoải mái. Ngoài ra còn có đèn nền để gõ trong bóng tối thuận lợi hơn, cực kỳ thích hợp cho những ai hay chạy deadline đêm.
Bên dưới bàn phím là touchpad phủ kính kích thước 140 x 90 mm. Về cơ bản thì trải nghiệm vuốt chạm khá là mượt, mịn, nhưng hai nút bấm phía dưới lại khá nông.
Webcam 1080p là cải tiến rất đáng hoan nghênh của Huawei, nó tạo ra hình ảnh sắc nét và nhiều màu sắc ngay cả trong điều kiện sáng kém lý tưởng. Chưa hết, Huawei còn tích hợp một số tính năng phần cứng khá thú vị cho webcam, gồm 3 chế độ: Virtual Background, Eye Contact và FollowCam.
- Virtual Background sẽ tạo ra phông ảo để bạn sử dụng trong các cuộc họp nhóm trên Zoom, Google Meet. Ngoài backgound được gợi ý sẵn thì bạn cũng có thể tự tạo background cho riêng mình.
- Eye Contact là công nghệ điều chỉnh góc máy rất thú vị. Bình thường khi video call chúng ta nhìn vào màn hình chứ không nhìn vào camera nên không có cảm giác ‘mặt đối mặt’, tính năng này sẽ tạo ra ảnh ảo để cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn.
- FollowCam, giống như Center Stage của Apple, nó sẽ theo dõi khuôn mặt người dùng và di chuyển để bạn luôn nằm ở trung tâm khung hình.
Cả 3 tính năng này đều rất thú vị, hiệu quả khi họp trực tuyến, video call nhưng số lượng hiệu chỉnh mà FollowCam có thể áp dụng hơi bị hạn chế bởi khả năng xoay và thu phóng của webcam. Thêm nữa là nó không có tính năng nhận dạng khuôn mặt Windows Hello, bù lại sẽ có đầu đọc vân tay tích hợp vào nút nguồn.
Màn hình và âm thanh
Màn hình của Matebook 16s có độ phân giải 2520 x 1680, cung cấp nhiều chi tiết khi xem video và hình ảnh, độ sáng 300 nits, không tệ nhưng chưa đủ ấn tượng. Tấm màn này hỗ trợ 92,6% game màu sRGB, mức độ đen là 0,22 và tỷ lệ tương phản 1,531:1, tốt.
Thế nhưng ấn tượng nhất của tấm màn này nằm ở độ chính xác Delta E, ở mức 1,1. Ở thông số này bất kỳ số điểm nào đo được dưới 2,5 có nghĩa là màu sắc được tạo ra trên màn hình sẽ gần sát với màu gốc và cực kỳ lý tưởng để làm đồ hoạ.
Ngoài ra thì màn hình của 16s cũng có chứng nhận TUV Rheinland Low Blue Light và TUV Rheinland Flicker Free Certification, vừa giúp hạn chế ánh sáng xanh vừa giảm căng thẳng cho mắt khi sử dụng trong thời gian dài. Với những ai thường xuyên làm việc với laptop thì đây là hai chứng nhận rất quan trọng để đảm bảo thị lực cho mắt.
Tổng quan mà nói thì màn hình của Matebook 16s là rất chất lượng, nhưng nó cũng có một điểm yếu là tần số quét chỉ dừng ở 60Hz, nếu tăng nhẹ lên 90Hz như người anh em Matebook 14s thì sẽ còn tuyệt vời hơn.
Về khía cạnh âm thanh, loa của laptop Huawei Matebook 16s tiếp tục sẽ gây ấn tượng với người dùng. Không chỉ âm lượng lớn mà lượng trầm nó tạo ra cũng phá vỡ định kiến chung về loa laptop, âm thanh được kiểm soát tốt, ít bị biến dạng nên không cần phải đầu tư thêm loa bluetooth.
Cấu hình – Hiệu suất – Pin
Model dùng để đánh giá trong bài viết là phiên bản cao nhất Core i9-12900H (14 nhân, 20 luồng), 16GB RAM DDR5 và bộ nhớ SSD NVMe 1TB. Với tư cách là một chiếc laptop hiệu suất cao nhưng không có GPU rời, những gì mà Matebook 16s thể hiện phải nói là quá sức thuyết phục.
Con chip này có thể boots lên tới 5GHz ở giới hạn nhiệt cho phép, nhưng sẽ cần đẩy rất nhiều ứng dụng nặng thì mới đạt được mức đó còn bình thường nó sẽ chạy ở tốc độ 3,5GHz (Performance mode). Nhưng như vậy cũng đã là quá nhanh để xử lý hầu hết mọi công việc rồi. Tác vụ văn phòng gần như không vắt nổi một giọt mồ hôi của nó.
Máy không có GPU rời mà dùng đồ hoạ tích hợp Intel Iris Xe. Iris Xe hiện tại đã có nhiều cải tiến so với các thế hệ trước, có thể tăng tốc kết xuất hình ảnh và video, thậm chí là chơi game nặng. Nhưng để so ra thì nó vẫn thua kém card đồ hoạ chuyên dụng vì không thể tận dụng tối đa màn hình có độ phân giải cao trong bối cảnh chơi game. Ở cài đặt 1080p, cấu hình trung bình thì tốc độ khung hình/giây đạt được khi chơi Liên Minh Huyền Thoại, Overwatch và CS:GO là 60 FPS.
Pin của Matebook 16s có dung lượng 84Wh, đáp ứng được gần như ‘cả ngày’ nếu dùng ở chế độ cân bằng và chỉ chạy những ứng dụng nhẹ. Dùng để làm việc (duyệt web + mail + chỉnh sửa tài liệu) thì nó được khoảng 5 – 6 giờ tuỳ thuộc độ sáng màn hình. Nhìn chung pin của Matebook 16s thuộc dạng trung bình, tốt nhất là luôn cắm sạc cho nó để luôn có trải nghiệm tốt nhất.
Tạm kết
Đối với một chiếc laptop đa năng màn hình lớn, Matebook 16s có nhiều ưu điểm. Nó được thiết kế chắc chắn, ngoại hình sang trọng, màn hình màu sắc chân thật và phần cứng còn mạnh hơn nhiều mẫu PC. Tuy nhiên, mua hay không thì còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Phiên bản Core i9 với giá 35 triệu đồng là lựa chọn hoàn hảo cho những ai có thể tận dụng hết sức mạnh của con chip này. Nhưng thực tế là nếu làm được điều đó thì cũng cần đến GPU chuyên dụng đi kèm và hiển nhiên Matebook 16s lại không phải lựa chọn tốt nhất.
Do đó, phiên bản Core i7 nghiễm nhiên trở thành lựa chọn tối ưu hơn cả, nó vẫn rất nhanh và thậm chí không kém gì một số đối thủ chạy Core i9. Đối với những công việc đòi hỏi hiệu suất cao một chút như coder, thiết kế, thì phiên bản này rất ổn trong tầm giá. Còn nếu đơn giản bạn chỉ cần một chiếc laptop ‘thanh cảnh’ đủ để xử lý gọn gàng công việc văn phòng, không màng đến hiệu suất thì hãy chọn bản Core i5.