Ưu điểm: độ bền đạt chuẩn Mil-Spec 810G; hiệu suất làm việc tổng thể cao, màn hình 15 inch lớn có độ sáng tốt và chống lóa; bàn phím thoải mái với thiết kế chống lóa
Nhược điểm: khối lượng hơi nặng, âm thanh của loa ngoài yếu
Thiết kế
Thiết kế của chiếc ThinkPad W550s không có điểm gì khác so với những mẫu ThinkPad trước của Lenovo, với vỏ máy được là chủ yếu từ nhựa nhám màu đen (được gia cố bởi sợi carbon) cùng với bàn lề được làm từ thép. Trên nắp máy có logo của Lenovo góc trên bên phải và logo độc quyền của dòng Thinkpad đi kèm một đèn LED báo hiệu màu đỏ ở dấu chấm trên chữ “I”.
Mở nắp máy ra và bạn sẽ thấy khoang bàn phím khá rộng rãi, máy quét vân tay nằm dưới các phím mũi tên và touchpad nằm dưới phím Space. Hai bên cạnh của máy có các loại cổng kết nối khác nhau và mặt dưới của máy có khá nhiều khe tản nhiệt cho card đồ họa Nvidia K620M.
Với kích thước là 15 x 10.2 x 0.92 inch và khối lượng là 2.4kg, chiếc W550s hơi dày và nặng hơn so với nhiều máy laptop doanh nhân hiện nay, nhưng độ bền mà chiếc laptop này mang lại cho người dùng thì ít có laptop nào có được. Chiếc W550s đạt chuẩn độ bền của quân đội Mil-Spec 810G, tức là chiếc laptop này có thê chịu được nhiệt độ từ -20 cho tới 60 độ C, độ ẩm lên tới 98%, bức xạ tia cực tím và những yếu tố khác. Thân máy được gia cố bởi sợi carbon có thể chịu gia tốc cao và va đập mạnh.
Bàn phím, touchpad và pointing stick
Bàn phím của dòng ThinkPad luôn là ước mơ của mọi máy laptop doanh nhân, và bàn phím của chiếc W550s không phải là ngoại lệ. Các phím có độ sâu là 2.3mm với lực gõ 62 gram rất thoải mái , kể cả đối với những người hay đánh máy “nặng tay”. Người dùng thử đạt được tốc độ đánh máy là 82 từ một phút với bài thử trên trang 10fastfingers.com, hơn tốc độ trung bình là từ 75-80 từ một phút.
Hãng Lenovo cũng đã sắp xếp lại bố cục của các phím chức năng để giúp tăng sự tiện lợi cho người dùng. Quanh bàn phím cũng có các rãnh thoát nước để chống tràn nếu bạn vô tình đổ nước hay khác chất lỏng khác lên bàn phím.
Touchpad của máy có kích thước khá rộng rãi là 4 x 2.2-inch cùng với 3 phím chuột cứng nằm trên touchpad và một pointing stick màu đỏ nằm giữa ba phím G, H và B. Touchpad có bề mặt nhám mượt rất thoải mái khi chạm và lướt, đặc biệt khi thực hiện các cử chỉ chạm đa điểm như zoom cuộn hai ngón.
Màn hình
Màn hình của chiếc ThinkPad W550s có kích thước 15.6 inch và có độ phân giải 2,880 x 1,620, kết hợp với hỗ trợ cảm ứng đa điểm mang lại chất lượng hình ảnh khá tốt. Màn hình của chiếc W550s có một lớp phủ chống lóa giúp bạn có thể dùng máy ngoài trời hay trong môi trường có ánh sáng cao, nhưng lớp chống loa này lại có ánh màu làm hình ảnh trên màn hình không có được màu sắc tươi sáng như mong muốn.
Độ sáng của màn hình ở mức cao nhất đo được là 312 nit, khả năng hiển thị màu sắc khá cao là 100.2% dải màu sRGB và độ chính xác màu sắc cũng tốt với chỉ số Delta-E là 2.72.
Âm thanh
Chiếc W550s mang một bộ loa ngoài stereo đằng sau mặt lưới dưới đáy của máy. Chất lượng âm thanh của loa chỉ ở mức trung bình, nhưng bản nhạc nghe thử loa bị méo âm rất nhanh khi tăng âm lượng, nhưng khi đặt ở âm lượng trung bình hoặc thấp thì âm thanh lại khá yếu và âm bass rất kém.
Nhiệt độ
Sau khi stream video HD trên Hulu được 15 phút, đáy của chiếc W550s đạt mức nhiệt độ là 38.3 độ C, cao hơn mức nhiệt độ gây mất thoải mái là 37 độ C. May mắn là touchpad và điểm giữa phím G và phím H mát hơn, với mức nhiệt độ tương ứng là 26 và 30 độ C.
Cổng kết nối và webcam
Cạnh trái của máy có jack cắm sạc, cổng VGA, jack tai nghe kiêm mic, cổng Ethernet, khe đọc thẻ SD card và USB 3.0. Cạnh bên phải của máy có thêm 2 cổng USB 3.0 và một cổng DisplayPort. Ngoài ra, mặt dưới của máy có một cổng kết nối với bộ ThinkPad Ultradock bao gồm nhiều loại cổng kết nối phụ (VGA, DVI, HDMI và DisplayPort), một jack tai nghe, 6 cổng USB và cũng sử dụng như một bộ sạc.
Trên màn hình là một webcam có thể chụp ảnh 1,280 x 720 có hỗ trợ quay video lên tới 30fps. Hình ảnh của webcam chụp có mức chi tiết khá tốt nhưng vẫn hơi bị sạn hình ảnh.
Hiệu suất làm việc và đồ họa
Được trang bị bộ xử lý Intel Core i7-5600U tốc độ 2.6Ghz, RAM 16GB và ổ SSD 512GB, chiếc W550s có thể dễ dàng xử lý các công việc đa nhiệm, ví dụ như stream 2 video 1080p và mở 20 tab Google Chrome cùng một lúc.
Ổ SSD 512GB của chiếc W550s mất 32 giây để sao chép file hỗn hợp dung lượng 4.97GB, với tốc độ xử lý là 159MBps, vừa tầm với tốc độ xử lý trung bình của ổ SSD.
Mặc dù chiếc W550s được trang bị với card đồ họa K620M RAM video 2GB, một card đồ họa cơ bản chứ không phải cao cấp trong dòng GPU chuyên nghiệp của Nvidia, chiếc W550s vẫn có thể cho phép bạn chơi nhiều game đòi hỏi đồ họa cao. Ví dụ, trò Dota 2 ở độ phân giải là 2,880 x 1,620 và các mức cài đặt đồ họa ở mức tối đa, chiếc W550s vẫn có thể đạt được chỉ số khung hình trên giây hơn 30fps.
Một ví dụ khác là game World of Warcraft ở độ phân giải 1,920 x 1,080 và mức cài đặt Ultra, chiếc W550s vẫn có thể đạt mức 36fps khá mượt.
Thời lượng pin
Chiếc W550s kết hợp pin 3-cell bên trong máy và pin ngoài 6-cell, 72 watt để mang đến cho người dùng thời lượng pin lên tới 15 tiếng 52 phút trong bài thử pin. Tuy nhiên, đây là phiên bản sử dụng pin mở rộng. Phiên bản chuẩn của máy chỉ đi kèm với pin 6-cell 47Wh.
Kết luận
Với mức giá từ 20-40 triệu tùy theo phiên bản, chiếc Lenovo ThinkPad W550s là một chiếc laptop doanh nhân rất tốt để thay thế cho dòng MacBook Pro của Apple, với độ bền cao hơn nhiều, hiệu suất làm việc cao cùng đồ họa đủ sức gánh các công việc thiết kế, thời lượng pin bền bỉ và bàn phím “trứ danh” của dòng ThinkPad, chiếc W550s sẽ không hề làm bạn thất vọng cả khi làm việc và để giải trí.
Đức Lộc
Theo Laptopmag
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam