Tại sao không nên mua điều hòa cũ?
Tham khảo ý kiến của không dưới 5 chuyên gia, thợ điện lạnh lành nghề thì tất cả đều nói rằng không nên mua điều hòa cũ.
Một trong những lý do đó là mua điều hòa cũ có nghĩa bạn “tha” về nhà một đồ vật không rõ tình trạng như thế nào đã không được sử dụng nhiều tháng hoặc nhiều năm.
Ngoài ra, không ai lại phải bỏ đi một chiếc điều hòa hiệu suất cao cho nên, điều hòa cũ hầu hết là các model cũ, hiệu suất thấp và nếu là model mới thì nó chạy không tốt. Bạn có thể chọn được một chiếc điều hòa cũ trông rất ổn, nhưng bạn cũng có thể bị mắc kẹt với chiếc điều hoà cũ cùng các hóa đơn tiền điện cao vọt và hóa đơn sửa chữa.
Nguồn điều hòa cũ được cho là chủ yếu từ việc thu mua của người dân (số này không nhiều), của các cơ quan, nhà hàng, khách sạn… thanh lý.
Anh Trần Văn Hòa, Điện lạnh Bách Khoa (K9 Bách Khoa, Hà Nội) cho biết: “Chẳng có điều hòa nào cũ mà lại vừa rẻ vừa tốt cả. Thường thì điều hòa cũ đã hết thời gian bảo hành chính hãng nên cửa hàng bán ra thường bảo hành trách nhiệm từ 1-3 tháng, có nơi bảo hành lâu tới 6 tháng”.
Phải mua điều hòa cũ thì nên chú ý những gì?
Nếu như buộc phải mua điều hòa cũ thì tốt nhất mua lại của người thân, bạn bè hoặc có người quen am hiểu về kỹ thuật điều hòa tư vấn. Còn nếu mua điều hòa cũ được bày bán tại các cơ sở sửa chữa điện lạnh, kinh doanh đồ điện lạnh cũ thì bạn phải chuẩn bị tinh thần chấp nhận “hên xui”.
Giá điều hòa cũ rất đa dạng, tùy thuộc vào thương hiệu nhà sản xuất, chất lượng, công suất và nhìn chung là rất khó tìm được sản phẩm tương đương để tham chiếu là đắt hay rẻ. Ví dụ điều hòa 12.000 BTU (công suất khá phổ biến hiện nay) cũ có giá từ 2-4 triệu đồng tuỳ hãng và tuỳ độ mới. Cửa hàng bán ra thường bảo hành trách nhiệm từ 1-3 tháng, có nơi bảo hành lâu tới 6 tháng.
Theo anh Hòa, điều hòa cũ thường mắc một số “bệnh” như: không nhận điều khiển, máy bật lâu mát hoặc không mát, máy chạy ồn, đang chạy tự động tắt… Thông thường, các cửa hàng nhập điều hòa cũ về bán sẽ chạy thử để phát hiện và xử lý các trục trặc nếu có trước khi bán ra cho khách hàng, tuy nhiên không loại trừ khi lắp tại gia rồi bệnh cũ lại tái phát.
Anh Quang Tuấn, thợ điện lạnh của Trung tâm sữa chữa điện lạnh Hà Nội K12 Bách Khoa (Hà Nội) cho rằng: “Điều hòa cũ phù hợp chủ yếu với đối tượng người thu nhập thấp, muốn mua điều hòa với chi phí thấp nhất là những người thuê phòng ở trọ. Nói chung người dùng bình thường nếu tìm mua điều hòa cũ sẽ khó xác định được chất lượng của máy ước chừng còn bao nhiêu %, muốn biết chất lượng ra sao cần có người am hiểu hoặc thợ đi mua cùng tránh bị mua hớ hoặc mua phải các điều hòa cũ gặp trục trặc được thợ mông má sửa chữa bán lại”.
Vậy để giảm thiểu rủi ro, trước khi mua điều hòa cũ cần lưu ý những điều gì?
Trước tiên là biết được công suất điều hòa mình cần. Điều hòa cũ bạn mua nên có công suất lớn hơn so với công suất bạn cần (trên lý thuyết) để làm mát căn phòng của mình. Nói chung, một căn phòng diện tích cỡ 10m2 thì công suất điều hòa cũ cần khoảng 12.000 BTU, trong khi cũng với diện tích đó thì điều hòa mới tầm 9.000 BTU là rất ổn rồi.
Bạn nên nói với mọi người – bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm…- rằng bạn đang tìm mua điều hòa cũ. Có thể có một ai trong số đó đang định bán điều hòa cũ để nâng cấp điều hòa mới. Ngoài ra, bạn có thể đăng thông tin cần mua điều hòa cũ lên Facebook. Nói tóm lại, bạn nên ưu tiên mua điều hòa của những người quen biết đang sử dụng. Còn mua của cửa hàng điện lạnh thì bạn sẽ gặp rủi ro lớn là mua phải điều hòa bị lỗi đã được “mông má” lại.
Tiếp theo, đòi hỏi bạn mất nhiều công sức hơn mà nhiều khi không thực hiện được, là đi tìm và nhờ các kỹ thuật viên điện lạnh kiểm tra chiếc điều hòa cũ bạn định mua. Điều này giúp bạn đảm bảo được bên trong máy điều hòa cũ không bị hỏng hóc gì và xứng đáng với đồng tiền bạn bỏ ra.
Cuối cùng, bạn cần tìm giá gốc của chiếc điều hòa cũ bạn định mua. Nó sẽ giúp bạn quyết định liệu đó có đáng giá như người bán đưa ra hay không.