Motorola Moto X
Ưu điểm:
– Hiệu năng mạnh mẽ
– Khá nhiều tính năng độc đáo và trực quan
– Loa ngoài có chất lượng tốt
– Thiết kế ấn tượng
Nhược điểm:
– Chất lượng hiển thị của màn hình chưa thực sự tốt
– Thời lượng pin chưa cạnh tranh được với các đối thủ
– Camera cùng khả năng chụp ảnh gây thất vọng
LG G Flex
Ưu điểm:
– Bộ xử lý ở mức khá
– Nhiều công nghệ hấp dẫn đi kèm
– Ảnh chụp ngoài trời cho chất lượng khá tốt
Nhược điểm:
– Giá vẫn còn khá đắt
– Màn hình cảm ứng gặp nhiều vấn đề trong quá trình sử dụng
So sánh về thiết kế
Điểm nhấn đầu tiên về thiết kế trên Motorola Moto X đó là kiểu dáng và kích thước của nó. Với hai lớp cạnh viền mỏng manh, và độ mỏng thân máy ấn tượng, chiếc Moto X mặc dù có màn hình khá lớn (5.2 inch) nhưng vẫn tỏ ra khá vừa tay và dễ dàng cầm nắm trong quá trình sử dụng.
Và mặc dù nó không có một thiết kế với vỏ kim loại nguyên khối ấn tượng như các HTC One M8, hay Sony Xperia Z3, nhưng nhờ một lớp viền kim loại sáng bóng bao quanh rìa ngoài thân máy, chiếc Moto X vẫn làm toát lên vẻ sang trọng của một thiết bị smartphone cao cấp.
Người dùng có thể sẽ dễ dàng liên tưởng lớp viền này với siêu phẩm Nexus 6 mới được cho ra mắt, cũng dễ hiểu thôi vì cả hai thiết bị đều được thiết kế và chế tác bởi nhà sản xuất Motorola. Tuy nhiên có một chi tiết khá độc đáo trên Moto X mà chúng ta khó lòng có thể tìm thấy ở các mẫu smartphone thông thường khác, đó là những tương tác mà người dùng có thể sử dụng chỉ bằng các nút cứng bên ngoài.
Đầu tiên, chúng ta phải kể đến chế độ bật mặc định của bộ cảm biến nhiệt phía trước máy. Nhờ có bộ phận này, bất cứ chuyển động nào của người dùng ở mặt trước sẽ được Moto X ghi nhận và ngay lập tức hiển thị màn hình khóa cùng với đồng hồ và biểu tượng mở khóa.
Do đó, chúng ta có thể đơn thuần là xem đồng hồ, hoặc mở khóa thiết bị mà thậm chí không cần tương tác với bất kỳ một nút cứng nào khác, giống như trên hầu hết các mẫu smartphone thông dụng hiện nay.
Tuy nhiên để thực hiện điều này, hiển nhiên là chiếc Moto X của bạn chắc chắn sẽ tốn pin hơn do phải nuôi một hệ thống “sẵn sàng chờ lệnh” thường trực tiện lợi, bao gồm cả việc xem giờ, xem các thông báo, check email,… Nếu cảm thấy không hài lòng với tính năng này, hay lo ngại các vấn đề về bảo mật, người dùng hoàn toàn có thể tắt nó đi.
Trên thực tế, có không nhiều những tính năng lạ hay độc đáo bên trong LG G Flex, tuy nhiên người dùng ắt hẳn vẫn sẽ còn nhắc tới chiếc smartphone này nhờ vào kiểu thiết kế có một không hai: màn hình cong và có thể co dãn được.
Giống như trên chiếc LG G2, hay LG G3, thì LG G Flex cũng có các vị trí nút cứng được bố trí hoàn toàn ở mặt sau của nó, giúp cho người dùng dễ dàng sử dụng với ngón trỏ hoặc ngón giữa đỡ phía sau khi cầm máy. Thiết kế này tỏ ra đặc biệt hiệu quả với những chiếc smartphone có kích thước màn hình lớn hơn 5″, khi mà người dùng thường xuyên gặp khó khăn khi nhấn các nút cứng ở hai cạnh bên với bàn tay bị kéo dãn hết mức.
Các bộ phân bên trong máy, bao gồm cả cục pin đều được làm theo kiểu dáng cong phù hợp với thiết kế độc đáo của G Flex. Nếu nhìn kỹ, có thể thấy rằng LG đã rất khôn khéo khi để dành một vài khoảng trống quan trọng bên trong thân máy bởi mỗi khi “bẻ cong” thì các bộ phận sẽ cần một khoảng không gian nhất định để duỗi ra.
Ngoài ra, các chi tiết phần cứng khác của LG G Flex được đánh giá là đều có một ví trí hợp lý, bao gồm cổng microUSB được đặt bên cạnh dưới của máy, kế bên jack cắm tai nghe. Thêm một điểm nữa đó là G Flex sử dụng micro-SIM, khác với kiểu nano-SIM như trên Moto G hay các dòng iPhone. Người dùng có thể dễ dàng tìm thấy khe cắm SIM này ở cạnh bên trái của máy.
Tuy nhiên người dùng G Flex chắc chắn cũng sẽ gặp phải một sự bất tiện không nhỏ, khi mà máy không hỗ trợ thẻ nhớ microSD giống như hầu hết các mẫu điện thoại chạy nền tảng Android khác, mà chỉ có một phiên bản bộ nhớ duy nhất với 32GB. LG G Flex cũng sẽ có một mặt sau không thể tháo rời, nhằm tránh khỏi các rắc rối về khớp nối khi “uốn dẻo”.
So sánh về hiệu năng
Khác với những mẫu smartphone tiền nhiệm là Moto G và Moto E, thế hệ Moto X của Motorola sở hữu cho mình một phần cứng mạnh mẽ. Cụ thể, chiếc smartphone này sử dụng con chip Snapdragon 801 quen thuộc trên các siêu phẩm như Samsung Galaxy S5, Sony Xperia Z3,.. Các phần khác của máy cũng tỏ ra khá tương đồng với chiếc S5 bao gồm tốc độ xử lý chip 2.5GHz và 2GB RAM.
Về hiệu năng thực tế, chắc chắn là Moto X sẽ không gặp phải bất kỳ vấn đề về lag giật, giảm khung hình dù là đối với các trò chơi 3D nặng, hay thực hiện đa nhiệm. Tốc độ xử lý và hiệu năng của máy cũng được đánh giá là tốt ngang với loạt siêu phẩm smartphone chạy nền tảng Android sử dụng chip Snapdragon 801. Về hiệu năng xử lý như đã nói, lõi CPU của Moto X tỏ ra khá ngang bằng với siêu phẩm đến từ Apple với số điểm benchmark 2935 đo bằng trình Geekbench 3.
Về phần mình, do LG G Flex được ra mắt vào nửa cuối năm 2013, nên siêu phẩm này cũng có một phần cứng khá tương đồng với đa số các smartphone ở cùng phân khúc cao cấp bấy giờ. Cụ thể, đại diện của LG sở hữu một con chip xử lý Snapdragon 800 lõi quad-core, tốc độ 2.26GHz cùng 2GB RAM.
Khi đặt lên bàn cân so sánh, có thể dễ thấy rằng LG G Flex tỏ ra thua kém khá nhiều các mẫu smartphone của năm 2014, điển hình như Samsung Galaxy S5, Sony Xperia Z2 hay người anh em LG G3 về cả chip xử lý lẫn lượng RAM.
Nhận định
Về tổng thể thì có thể dễ dàng thấy rằng hai mẫu smartphone này không chênh lệch quá nhiều về phần cứng cũng như hiệu năng xử lý. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở việc LG G Flex có kích thước màn hình cong và lớn hơn. Còn Moto X thì lại thiên về cân bằng với một kích thước vừa phải, đi kèm kiểu thiết kế cơ bản, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng hơn.