Cuộc lật đổ ngoạn mục của Apple
Nghiên cứu có tên “The Next Mobile Frontier” (“Mặt trận Di động Tiếp theo”) được hãng nghiên cứu thị trường Ovum và Upstream phối hợp thực hiện tại Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Nigeria và Việt Nam cho thấy trong số 4.504 người tiêu dùng được hỏi ý kiến (không nêu rõ số lượng người tham gia tại từng quốc gia), Apple hiện đang là thương hiệu được thèm muốn nhất với tỉ lệ người dùng tuyên bố “ước mong” sở hữu sản phẩm gắn mác Táo lên tới 32%. Samsung đứng ở vị trí thứ 2 với tỉ lệ “thèm muốn” là 29%, trong khi Nokia đứng ở vị trí thứ 3 với tỉ lệ 13%.
Trong khi khoảng cách giữa Apple và Samsung không quá lớn, đây thực sự là một cuộc lật đổ hứa hẹn nhiều biến động trong tương lai. Năm ngoái, Samsung vẫn là thương hiệu được ước mong nhất (32%) trong khi Nokia đứng thứ 2 (22%) và Apple đứng thứ 3.
Hiện tại, Android vẫn là lựa chọn số 1 tại các thị trường mới nổi nói trên: số lượng smartphone Android đang hoạt động tại các thị trường này lên tới 296.493 chiếc, trong khi chỉ có 90.184 iPhone đang lưu hành tại thị trường này.
Tại Việt Nam, Apple đang là thương hiệu được thèm muốn với tỉ lệ người dùng bình chọn lên tới 36%, gần gấp đôi Samsung ở vị trí thứ 3 (20%). Nokia vẫn còn chỗ đứng vững chắc trong lòng người Việt, với tỉ lệ bình chọn lên tới 21% ở vị trí thứ 2, trên cả Samsung. HTC và Sony đứng trong top 5 với tỉ lệ chỉ vào 7%.
Khác với thị trường phương Tây vốn thường lựa chọn smartphone dựa trên thương hiệu, người dùng tại các quốc gia đang phát triển đặt cao tính năng của điện thoại. Số liệu của Upstream cho thấy 45% người tiêu dùng Việt Nam coi tính năng là yếu tố quan trọng nhất khi lựa chọn điện thoại. Niềm tin vào thương hiệu là lý do quan trọng thứ 2: 29% người dùng đặt thương hiệu lên hàng đầu khi lựa chọn điện thoại.
Chợ ứng dụng: Google vẫn làm chủ
Tại Việt Nam, chợ ứng dụng của Google vẫn đang đứng ở vị trí thứ 1 với tỉ lệ người dùng đang sử dụng trong số những người được khảo sát là 44% và chỉ có 37% đang sử dụng Apple App Store.
Nhìn chung, tại các quốc gia đang phát triển được Upstream nghiên cứu, có tới 40% người dùng đang sử dụng chợ Google Play, trong khi 28% đang sử dụng chợ ứng dụng của Apple và 23% sử dụng chợ ứng dụng của Nokia. Chợ ứng dụng của Amazon cho Kindle thu hút được 14% người dùng, cao hơn cả tỉ lệ 11% của BlackBerry World.
Với người dùng Việt Nam, quảng cáo vẫn đang là vấn đề đáng phàn nàn nhất: 37% cảm thấy khó chịu vì quảng cáo khi sử dụng chợ ứng dụng. 24% phàn nàn vì khó có thể tìm được ứng dụng mình cần, trong khi chỉ 18% thấy khó chịu vì thiếu nội dung đã được “Việt hóa”.
Trước các số liệu của năm nay, CEO Marco Veremis của cho biết: “Cuộc đua tới các thị trường mới nổi đang thực sự diễn ra, sau khi nhiều nhà sản xuất điện thoại, các nhà cung cấp nội dung và đáng chú ý nhất là Facebook đang phát triển các thiết bị hoặc nội dung di động dành riêng cho các thị trường mới nổi. Tuy vậy, việc mù quáng xâm nhập vào các thị trường mới mà không chịu tìm hiểu kĩ xem người tiêu dùng tại đây thực sự muốn gì hoặc không ghi nhận những điều quan trọng với họ sẽ tạo ra rất nhiều thử thách trong suốt cả quá trình chinh phục”.
Theo Vnreview.vn