Nói chung, không nên mua máy tính xách tay với kế hoạch nâng cấp nó sau. Hãy mua phần cứng bạn cần để tránh đau đầu sau đó. Một số máy tính xách tay có thể được nâng cấp khá dễ dàng, nhưng hãy đọc kĩ bài viết dưới đây.
1. Máy tính để bàn so với máy tính xách tay
Khi bạn tự dựng máy tính để bàn, trong thùng máy thường có nhiều chỗ trống. Bạn có thể mở nó bằng cách xoay vài chiếc vít và dễ dàng động vào tất cả phần cứng bên trong. Các thành phần đã lắp không phải là vĩnh viễn, mà sau này bạn có thể tháo bỏ và thay thế. Thậm chí nếu mua máy dựng sẵn, bo mạch chủ của nó có thể vẫn chứa khe cắm RAM trống, khe cắm PCI Express trống để bạn lắp thêm RAM, card mở rộng. Một số nhà sản xuất có thể cố làm cho việc nâng cấp máy tính để bàn dựng sẵn của họ khó khăn hơn, nhưng vẫn không khó nâng cấp bằng máy tính xách tay.
Máy tính xách tay thì khác. Bạn không thể tự dựng laptop cho mình – thay vào đó, bạn mua laptop dựng sẵn từ nhà sản xuất. Họ dựng khung máy cho laptop và chọn các thành phần phù hợp với khung máy đó. Những chiếc máy tính xách tay hiện đại như Intel Ultrabook, Apple MacBook đang ngày càng trở nên mỏng, nhẹ, và chúng không được thiết kế để người dùng có thể nâng cấp.
2. Các rào cản cho việc nâng cấp máy tính xách tay
a. Thiết kế
Nhiều máy tính xách tay không được thiết kế để mở ra. Hãy lấy Surface Pro 2 của Microsoft làm ví dụ – bạn cần sử dụng máy sấy thổi hơi nóng để làm tan chảy chất kết dính xung quanh màn hình và cậy nó lên. Một khi đã vào được bên trong, bạn sẽ thấy “một mớ hỗn độn” các thành phần được đóng gói chặt chẽ với nhau, vì vậy bạn sẽ không dễ dàng thay thế.
b. Kỹ năng mở máy
Ngay cả khi máy tính xách tay có thể mở được, việc mở nó cũng không phải là một trải nghiệm thú vị. Máy tính xách tay có nhiều thành phần được đóng gói chặt chẽ với nhau, vì vậy có thể bạn sẽ phải loại bỏ một số thành phần khác khỏi laptop trước khi “động đến” một thành phần cụ thể nào đó. Ví dụ, Surface Pro 2 có tận hơn 90 con ốc bên trong nó!
c. Nhiều thành phần bị hàn
Một số thành phần đi kèm bị hàn trên thiết bị. Ví dụ, CPU, GPU, RAM đi kèm với MacBook bị hàn vào bo mạch chủ của máy. Bạn không thể tháo bỏ từng thành phần và thay mới vì chúng đã liên kết chặt chẽ với bo mạch chủ thông qua mối hàn kim loại.
d. Bảo hành
Ngay cả khi bạn có thể mở laptop và thay thế một số thành phần, hầu hết các nhà sản xuất máy tính xách tay đều cho rằng, việc này sẽ làm mất hiệu lực bảo hành của máy và họ sẽ từ chối trách nhiệm bảo hành.
3. Những nâng cấp thông thường có thể làm
a. Cài đặt thêm RAM
Nếu bo mạch chủ của máy tính xách tay còn thừa khe cắm RAM, hãy mua thêm thanh RAM nữa rồi lắp nó vào. Nếu các khe cắm RAM trên máy tính xách tay đã đầy, bạn có thể tháo các thanh RAM hiện tại > cài đặt các thanh RAM mới có dung lượng lớn hơn. Hãy chắc chắn là mua đúng loại RAM cho máy tính xách tay của mình.
b. Nâng cấp lên ổ SSD
Nếu máy tính xách tay dùng ổ cứng, bạn có thể nâng cấp nó lên ổ SSD nhanh hơn khá dễ dàng. Quá trình này gồm: mở máy tính xách tay ra > tháo ổ cứng hiện tại > cài đặt ổ SSD vào vị trí. Đầu tiên, bạn sẽ phải tạo ra bản sao của ổ cài hệ điều hành hoặc sau đó cài lại Windows.
c. Thay thế ổ quang bằng ổ SSD
Nếu muốn giữ lại ổ cứng của máy tính xách tay và cài đặt thêm ổ SSD, bạn có thể thay thế ổ quang (CD, DVD, hoặc Blu-ray) của máy bằng ổ SSD. Ổ SSD cần có hình dạng thích hợp để lắp vừa khoang chứa ổ quang học cho việc này.
d. Nâng cấp CPU và GPU
Trên một số máy tính xách tay, việc nâng cấp CPU, GPU là có thể nhưng sẽ khó khăn hơn. Bạn sẽ cần thật chắc chắn là mua được các thành phần tương thích, lắp vừa và được BIOS của máy tính xách tay hỗ trợ. CPU, GPU mới sẽ tạo ra lượng nhiệt khác, vì vậy có thể chúng sẽ sinh ra quá nhiều nhiệt để quạt và các giải pháp làm mát của laptop xử lý, do vậy bạn cần đặc biệt chú ý.