Những điều mẹ nhất định phải tránh khi pha sữa công thức cho con

Chuyển tới nội dung chính trong bài[xem]
Pha sữa công thức cho con cũng đòi hỏi mẹ cần phải cẩn thận và chú ý bởi nếu làm sai cách sẽ khiến sữa mất chất hoặc con không hấp thu được.

Pha sữa quá đặc hoặc quá loãng, lượng sữa không thích hợp

Sữa công thức có nghĩa là mẹ cần phải pha theo công thức. Nếu pha thêm sữa hoặc thêm nước đều không thể giúp bé khỏe mạnh hơn. Nhiều mẹ cứ nghĩ rằng pha sữa cho con đặc một chút thì dưỡng chất sẽ nhiều hơn, tuy nhiên sự thật là nếu sữa quá đặc sẽ khiến bé hấp thu kém hơn, thậm chí bị táo bón, từ đó sinh ra chán ăn, bỏ ăn, nghiêm trọng hơn trẻ có thể bị xuất huyết ruột cấp tính.

Còn nếu mẹ pha sữa quá loãng, con sẽ bị thiếu chất. Nguyên nhân là vì dạ dày của bé rất nhỏ, nếu bé phải uống một lượng nước nhiều hơn, lượng sữa bé hấp thu được sẽ ít đi. Ngoài ra, một sai lầm phổ biến nữa mà nhiều mẹ thường gặp phải đó là đong sữa bừa bãi. Mỗi loại sữa công thức đều có thìa đong phù hợp nên nếu sử dụng thìa của hộp này cho hộp kia, lượng sữa sẽ có thể không chính xác. Khi đong sữa nhớ là phải đong một thìa gạt ngang, không đong nửa thìa hoặc thìa đầy.

Pha sữa bột mà không tuân thủ nguyên tắc vệ sinh, bảo quản

Vệ sinh khi pha sữa là một điều vô cùng quan trọng bởi nó có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bé. Để pha sữa cho con, điều mẹ cần nhớ là tay phải sạch, khu vực pha sữa phải thoáng mát, được lau chùi thường xuyên. Ngoài ra, bình sữa phải được tiệt trùng đúng cách đảm bảo vệ sinh. Cuối cùng sữa nên được sử dụng trong vòng 1 tháng, hoặc ít hơn tùy theo hướng dẫn của từng loại. Sau thời gian này, dù vẫn còn sữa thì mẹ cũng không nên sử dụng cho bé vì sữa đã bị biến chất, không tốt cho bé.

Nhiệt độ pha sữa không phù hợp, quá nóng hoặc quá nguội

Sữa công thức/sữa bột cần được pha với nước không quá nóng cũng không quá nguội. Nước quá nóng sẽ khiến nhiều dưỡng chất như lysin, axit folic, vitamin nhóm B… rất dẽ biến chất, mất tác dụng. Tuy nhiên, nếu pha sữa quá nguội sẽ khiến cho sữa không tan được hết, gây ra hiện tượng vón cục.

Sữa thường được pha với nước trong khoảng nhiệt độ 40-50 độ C, tất nhiên mẹ nên theo hướng dẫn trên bao bì để pha sữa thật chuẩn. Mẹ có thể trộn 2/3 nước nguội và 1/3 nước nóng đồng thời khi pha thì nhớ lắc kỹ để tan hết.

Làm ấm sữa không đúng cách

Đôi khi mẹ sẽ phải làm ấm lại sữa để cho bé bú, tuy nhiên, nếu không làm ấm đúng cách, nó sẽ khiến cho sữa bị biến chất, không những thế còn khiến cho bé bị bỏng. Nhiều mẹ cứ nghĩ làm ấm sữa bằng lò vi sóng vừa tiện lợi, vừa an toàn, tuy nhiên lò vi sóng sẽ không thể giúp sữa nóng đều, chỗ thì nóng, chỗ thì lạnh.

Mẹ có thể làm ấm bình sữa bằng cách ngâm sữa trong một chậu nước nóng khoảng 10 phút, trước khi cho bé uống thì mẹ kiểm tra xem nhiệt độ đã chuẩn chưa, có nóng hoặc lạnh quá không. Nếu thấy nóng quá thì mẹ cho bình sữa dưới vòi nước lạnh một vài phút là được.

Mẹ cho bé uống sữa thừa

Không phải bé nào cũng có thể bú hết một bình một lần pha, nhiều bé phải bú nhiều lần mới hết một bình. Tuy nhiên, nếu sữa thừa để qua 2-3 tiếng mẹ không nên cho con bú lại vì nó có thể đã nhiễm khuẩn, không tốt cho sức khỏe của bé. Để tránh trường hợp thừa sữa, mỗi lần mẹ chỉ pha một lượng vừa đủ, phù hợp với khả năng bú của bé. Nếu thừa thì mẹ cũng nên bỏ đi chứ không nên cho bé bú lại.

Thường xuyên thay đổi sữa bột cho bé

Nhiều mẹ thường đổi sữa cho con ngay khi thấy một loại sữa nào đó không tốt, hoặc nghe theo những lời khuyên về một loại sữa tốt hơn. Tuy nhiên, việc thay đổi sữa quá đột ngột sẽ khiến bé sợ hãi, bé sẽ bị chán ăn, khó hấp thụ.

Đẻ đổi sữa cho con, mẹ nên chú ý thời gian cần phải từ từ, không được đột ngột. Mỗi ngày giảm một bữa sữa cũ và thay bằng một bữa sữa mới dần dần cho đến khi sữa mới được thay thế hoàn toàn. Các bé có hệ tiêu hóa rất nhạy cảm nên sẽ cần một thời gian để thích ứng, vì vậy, có thể ban đầu sữa sẽ không phù hợp lắm nhưng chỉ một thời gian sau, khi bé cảm thấy “quen”, bé sẽ hấp thu tốt hơn. Ngoài ra, mẹ cũng không nên trộn sữa cũ với sữa mới cho bé bởi độ thẩm thấu của mỗi loại sữa khác nhau, dễ làm bé bị rối loạn tiêu hóa.

Pha sữa lẫn với thức ăn khác

Nhiều mẹ hay trộn trái cây, nước ép… vào sữa bột cho bé để giúp bé bổ sung các dưỡng chất, vitamin. Tuy nhiên đây là một sai lầm nghiêm trọng. Những sự kết hợp này sẽ làm cho sữa mất đi những thành phần dinh dưỡng vốn có do một số loại trái cây có tính axit như cam, chanh, quýt, bưởi, xoài,…. Khi kết hợp với chất casein có trong protein của sữa dẫn đến hiện tượng kết tủa rất nhanh chóng, làm biến chất protein có trong sữa đồng thời khiến trẻ khó hấp thu, khó tiêu hóa hơn rất nhiều. Tốt nhất bạn nên cho trẻ uống sữa trước rồi khoảng 30 phút sau mới cho trẻ ăn hoặc uống nước ép trái cây.

Nếu mẹ nào có thói quen pha sữa cho bé bằng nước cháo loãng thì cũng cần phải thay đổi ngay nhé bởi trong sữa có nhiều vitamin A, còn trong nước cơm và cháo chủ yếu là chất bột với chất lipoxidase – một loại chất sẽ phá hủy vitamin A. Sử dụng nước cơm hay nước cháo loãng để pha sữa cũng không phải là một cách tốt bởi nó khiến sữa mất đi của bé một hàm lượng vitamin A đáng kể rồi, chưa kể đến lượng tinh bột có trong nước cơm, nước cháo còn khiến bé khó hấp thu dưỡng chất canxi.

Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam

Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam

TIN TỨC LIÊN QUAN

Tin tức về Sữa công thức