Với những bà mẹ hiện đại, tã bỉm giấy là vật dụng cần thiết hàng ngày. Nhưng không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng. Dưới đây là những điều mẹ cần tránh khi dùng tã giấy cho bé:
1. Mặc tã cho bé chưa đúng cách
Cha mẹ cần nắm được cách mặc tã đúng để vừa vặn với con. Tùy từng loại tã mà có những quy tắc mặc khác nhau.
Đối với tã dán:
- Mở sẵn tã, dựng vách chống tràn lên
- Đặt bé nằm ngửa, đầu gối bé cong dạng chữ M
- Đặt tã dưới mông bé, phần mặt trước của tã cách dạ dày bé 1 ngón tay
- Vuốt phẳng dải băng dán ở phần thắt lưng phía trước để miếng tã được giữ chặt
- Kiểm tra độ vừa vặn của tã và vách chống tràn
Đối với tã quần:
- Có thể mặc khi bé nằm hoặc đứng
- Quy cách mặc giống như một chiếc quần thông thường
- Căn chỉnh tư thế sau khi mặc xong cho bé
- Kiểm tra vách chống tràn hai bên
2. Mặc không đúng size tã cho bé
Nhiều mẹ thường có quan niệm sai lầm rằng mặc tã rộng thì con sẽ thoải mái cử động hơn. Một số khác thì mua tã nhỏ hơn so với bé 1 size để tã chặt hơn và nước tiểu không chảy ra ngoài. Đây là những quan niệm sai lầm mà phụ huynh cần phải tránh. Trên thực tế, tã quá rộng sẽ khiến bé khó di chuyển, không đảm bảo vệ sinh, phần bé tiêu bẩn dễ bị trào ra ngoài. Còn khi mẹ mặc tã quá chật, da bé bị gò bó, dễ mẩn đỏ và bị hăm, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của bé.
Các loại tã giấy trên thị trường hiện nay đều phân chia tã theo size rõ ràng. Các size phù hợp với bé ở các mức độ cân nặng khác nhau. Mẹ nên tham khảo trước để chọn được loại thích hợp nhất cho con. Nếu bé có vòng bụng hoặc vòng đùi khác với mức thông thường, mẹ có thể lấy đó làm cơ sở để chọn mua tã bỉm cho con.
3. Không thay tã cho bé thường xuyên
Nhiều phụ huynh do quá bận hoặc do thiếu kiến thức chăm sóc con thường để cho tã “ướt sũng” rồi mới thay. Trên thực tế, miếng tã chứa nước tiểu chỉ nên mặc tối đa 4 tiếng, còn nếu bé đại tiện thì phải thay tã ngay. Nếu cha mẹ để chất bẩn trong tã quá lâu sẽ dẫn đến mất vệ sinh, gây viêm nhiễm ở vùng da đóng tã. Thậm chí, vi khuẩn có thể xâm nhập ngược trở lại cơ thể, gây ra viêm bàng quang, viêm bể thận…
Nhiều loại tã giấy ngày nay có vạch màu báo thời điểm thay tã. Cha mẹ cần lưu ý kiểm tra cho bé sau khi mặc khoảng 3 – 4 tiếng một lần. Tại thời điểm kiểm tra, nếu tã chỉ ngấm một chút nước tiểu hoặc phân thì cũng nên thay luôn, không nên để lại lâu hơn nữa. Làn da mỏng manh của bé cần phải được chăm sóc kĩ càng. Cha mẹ nên chuẩn bị đầy đủ tã bỉm trong nhà hoặc mang theo bên mình khi ra ngoài để thay ngay cho bé khi cần.
4. Không vệ sinh khi thay tã
Tã bỉm dù có thấm hút tối ưu đến đâu cũng không thể sạch hoàn toàn. Khi thay tã cho bé, nhiều mẹ thường chỉ lau qua bằng giấy ướt rồi đã dùng tã mới ngay cho con. Điều này hoàn toàn sai lầm vì lâu dần sẽ dẫn đến các chứng bệnh về da ở trẻ.
Trong mỗi lần thay tã, mẹ nên dùng nước ấm để rửa qua cho con. Da bé sẽ có thời gian thở. Đồng thời nước ấm sẽ làm bé thích thú, sạch sẽ hơn. Sau đó, mẹ thấm nhẹ bằng khăn bông mềm, để khô tự nhiên rồi mới mặc tã mới cho con.
Lưu ý trước khi dùng tã mới, mẹ nên bôi 1 lớp kem chống hăm mỏng, dàn đều để tạo ra lớp màng bảo vệ, ngăn cách da bé với những chất bẩn. Mẹ nên chọn loại kem chất lượng, chỉ bôi lên phần mông, bẹn và hậu môn của trẻ.
Mẹ cần ngưng sử dụng tã ngay khi thấy da bé xuất hiện các vết mẩn đỏ, ngứa ngáy và đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa để chữa trị kịp thời.
5. Sử dụng lại tã cũ đã mặc trước đó
Sử dụng tã giấy tốn kém hơn so với tã vải nên nhiều mẹ thường chọn cách tiết kiệm sai lầm như việc cho con mặc lại tã cũ. Lúc bé ngủ dậy hay khi vừa được tắm xong, làn da mỏng manh của bé đang sạch sẽ, dù tã cũ chỉ dính 1 ít nước tiểu cũng nên bỏ đi. Chỉ một vết bẩn nhỏ, da bé cũng có nguy cơ bị nhiễm trùng và bị hăm.
Cha mẹ không nên tiếc một miếng tã mà ảnh hưởng đến sức khỏe của bé. Ngoài ra, khi tắm xong không nên mặc ngay tã mà nên để cho da bé một khoảng thời gian để tiếp xúc với không khí bên ngoài thông thoáng. Khi bé lớn hơn, cha mẹ nên giảm thời gian mặc tã, tập dần cho bé thói quen ngồi bô đi vệ sinh đúng giờ.