Hiện nay trên thị trường, tủ đông chia thành 2 dòng chính là tủ đông đóng tuyết và tủ đông không đóng tuyết. Nhiều người đặt ra câu hỏi: vậy cơ chế hoạt động và ưu nhược điểm của 2 dòng tủ đông này là gì? Có khác biệt nhau nhiều quá không? Nên chọn mua tủ đông loại nào thì hợp lí?
Để giải đáp các thắc mắc trên, Websosanh.vn mời bạn đọc tham khảo bài “Phân biệt tủ đông không đóng tuyết và tủ đông có đóng tuyết” được trình bày sau đây và đưa ra câu trả lời phù hợp nhất nhé!
1. Khái niệm tủ đông đóng tuyết và không đóng tuyết
1.1 Tủ đông đóng tuyết là gì?
Tủ đông đóng tuyết là loại tủ sử dụng cơ chế làm lạnh trực tiếp bằng hệ thống máy nén (hay còn gọi là Compressor – giàn nóng). Đây là dòng tủ có cấu tạo khá đơn giản chỉ bao gồm Compressor và Thermosta. Trong đó:
- Compressor có tác dụng nén và giải nhiệt cho gas thành khí lạnh ở áp lục cao.
- Thermosta có tác dụng ngắt mạch cho Compressor khi tủ đạt được độ lạnh cần thiết.
1.2 Tủ đông không đóng tuyết là gì?
Còn tủ đông không đóng tuyết là dòng tủ làm lạnh gián tiếp bằng quạt cùng hệ thống cảm biến giám sát hiện tượng đóng tuyết dàn lạnh. Hệ thống quạt công suất cao thổi luồng khí lạnh khắp bên trong tủ, đảm bảo được thực phẩm đông lạnh hoàn toàn dù ở bất cứ vị trí nào trong tủ.
Đa phần các tủ đông không đóng tuyết có thiết kế tương tự tủ mát chỉ khác nhau dải nhiệt độ. Theo đó, nếu như tủ mát thường làm lạnh ở dải nhiệt từ 0 – 10 độ C thì tủ đông không đóng tuyết lại có dải nhiệt thường dao động từ -18 độ C ~ – 25 độ C. Điểm tương tự giữa tủ mát và tủ đông không đóng tuyết là cánh kính cách nhiệt. Theo đó, khách hàng có thể dễ dàng quan sát các thực phẩm bảo quản lạnh bên trong như kem, thịt, tôm, cá hút chân không cấp đông,… mà không cần phải mở tủ trực tiếp.
2. Phân biệt tủ đông đóng tuyết và không đóng tuyết về ưu nhược điểm chi tiết
Về ngoại hình thì thế còn về ưu nhược điểm của tủ đông đóng tuyết và không đóng tuyết thì sao? Hãy cùng Websosanh.vn phân tích tiếp:
2.1. Ưu nhược điểm của tủ đông đóng tuyết
2.1.2 Ưu điểm:
- Nếu so sánh giữa 2 loại tủ đông đóng tuyết và tủ đông không đóng tuyết có cùng công suất và dung tích (chỉ khác nhau cơ chế hoạt động) thì lúc nào tủ đông đóng tuyết cũng có giá thành rẻ hơn so với tủ đông không đóng tuyết
- Sử dụng linh kiện loại đơn giản nên dễ dàng thay thế và sửa chữa khi gặp sự cố phát sinh.
- Khả năng làm lạnh nhanh và đều, bảo quản tốt thực phẩm trong thời gian dài.
2.1.2 Nhược điểm:
Như ta đã biết, sau một thời gian sử dụng nhất định, tủ đông với độ lạnh sâu sẽ gây hiện tượng đóng tuyết, điều này cũng gây ra một số bất lợi như:
- Chiếm diện tích tủ, hạn chế diện tích sử dụng của tủ
- Vệ sinh định kì tốn kém, mất nhiều thời gian và tiến hành xả đông khá phức tạp
- Khi lớp tuyết quá dày sẽ dẫn đến động cơ làm lạnh bên trong phải vận hành với công suất tốt đa, tiêu tốn năng lượng gấp 2 lần so với bình thường.
2.2 Ưu nhược điểm của tủ đông không đóng tuyết
2.2.1. Ưu điểm:
Tủ đông không đóng tuyết có bộ đếm thời gian cho quá trình làm việc của cuộn dây nhiệt làm nóng và bộ cảm biến nhiệt. Cụ thể, cứ 6 tiếng, bộ đếm thời gian sẽ bật cuộn dây nhiệt làm nóng (được cuốn xung quanh các cuộn dây làm lạnh), làm tan chảy lớp tuyết bám quanh cuộn dây, khi nhiệt độ tăng lên 32 độ C, dây nhiệt sẽ tự động ngắt. Từ đó, không bao giờ xảy ra hiện tượng đóng tuyết, nhờ vậy tạo nên các ưu điểm của dòng tủ này:
- Khả năng làm lạnh nhanh và đều, giúp loại bỏ mùi hôi và bảo quản thực phẩm hiệu quả
- Không bị đóng tuyết, khi vệ sinh dễ dàng và thuận tiện, không phải xả đông phức tạp như tủ đông đóng tuyết
- Cơ chế làm lạnh hiệu quả, giúp bảo quản thực phẩm đông lạnh trong thời gian dài, cũng như tủ không có mùi hôi do không khí liên tục lưu thông.
2.2.2 Nhược điểm:
- Tiêu tốn nhiều điện năng hơn
- Giá thành cao hơn tủ đông đóng tuyết
3. Nên chọn mua tủ đông đóng tuyết hay tủ đông không đóng tuyết?
Như ta đã phân tích khái niệm và phân biệt 2 loại tủ đông này ở trên rất chi tiết thì mỗi dòng tủ đều có ưu nhược điểm riêng biệt, nhưng nhìn chung thì loại tủ đông không đóng tuyết có sự ưu thế vượt trội hơn và được ưa dùng hơn cả.
Tuy vậy tủ đông đóng tuyết vẫn được lựa chọn sử dụng bởi giá rẻ và tiết kiệm điện, linh kiện đơn giản, dễ dàng thay thế, bảo trì, khá phù hợp với cửa hàng kinh doanh nhỏ và vừa.