Thiết kế
Tổng thể vẻ ngoài của Logitech Pro G không quá đặc biệt, rất đơn giản nhưng tinh tế với 4 góc được bo tròn làm sản phẩm trông có vẻ mềm mại hơn. Chất liệu bàn phím là nhựa được phủ sơn nhám với bề mặt được xử lý nhẵn, làm cho sản phẩm toát lên vẻ đẳng cấp, sang trọng. Tuy nhiên 4 cạnh viền lại được sơn bóng nên rất dễ để lại vết trầy xước, do đó nếu thường xuyên mang bàn phím bên người bạn cần cẩn thận kẻo làm giảm thẩm mỹ của nó.
Layout của Logitech G Pro theo kiểu TKL nhưng không hiểu sao mình nhìn vào vẫn có cảm giác ít phím hơn so với các dạng khác cùng cỡ. Và dĩ nhiên dù thiếu phím nhưng nó vẫn có thể sử dụng tổ hợp phím nóng media thông qua các phím tắt.
Logo G được đặt ở góc trái sản phẩm. Góc phải là hai nút chỉnh cường độ sáng của đèn nền và chuyển đổi chế độ gaming.
Switch – Keycap
Sau thế hệ đầu không mấy thành công, Logitech đã cải tiến lại hệ thống switch Romer-G và thành quả là chúng ta đã có một loại switch cho cảm giác bấm mượt và êm ái không kém gì Cherry MX. Qua trải nghiệm của mình với chiếc bàn phím này, nó cho cảm giác bấm rất tốt, không quá ồn, hành trình phím ngắn nên tốc độ phản hồi nhanh.
Khác với các loại switch khác, đèn nền trong hệ thống Romer-G được đặt ở trung tâm của phím chứ không hàn lệch, làm cho ánh sáng được kín và đều hơn, không bị tràn sáng xuống mặt đáy. Tuy nhiên, điểm yếu của nó là độ hoàn thiện chưa được cao, nếu lắc thử thì bạn sẽ nghe thấy lách tách, chứng tỏ độ chắc chắn của nó vẫn chưa đạt được sự hoàn hảo như của Cherry.
Keycap của Logitech Pro G được làm từ chất liệu nhựa ABS xuyên led. Do thiết kế của hệ thống phím Romer-G hoàn toàn khác nên kiểu dáng keycap của Logitech cũng thuộc dạng độc quyền. Nhìn chung thì chất lượng gia công keycap rất tốt, không vấn đề gì nhưng với những người nghiện chơi keycap sẽ khó mà tìm được bộ keycap thay thế thích hợp cho chiếc bàn phím này. Đây cũng là một sự hạn chế nhỏ của Logitech Pro G.
Hệ thống Led
Logitech Pro G được trang bị hệ thống đèn nền Led RGB với nhiều tùy chỉnh hiệu ứng thông qua phần mềm Logitech Gaing Software. Nhìn chung thì phần đèn led của nó cũng không có gì nhiều để bàn vì hầu như dòng RGB nào cũng thế. Tuy nhiên, như đã nói ở trên là đèn led của Romer-G được hàn ở giữa nên không bị tràn sáng xuống mặt đáy, khi mình sử dụng trong bóng tối thì có cảm giác như chữ đang lơ lửng vậy, nhìn rất thích mắt.
Đánh giá chung
Nhìn chung thì mình không thấy có gì để phàn nàn về chất lượng của Logitech Pro G cả. Mặc dù độ hoàn thiện của hệ thống Romer-G chưa được tốt nhưng điều đó không ảnh hưởng đến khả năng gõ phím của Logitech Pro G, mình sử dụng để chiến game rất tốt, phím nhận nhanh, combo xả liên tục không bị rít hay kẹt nút. Duy chỉ có điều đáng tiếc là nó không thể ‘độ’ keycap nên nhiều người có thể sẽ không thích. Dù sao thì đây cũng là lựa chọn của mỗi người và nếu bạn đang cần một chiếc bàn phím cơ có thể mang theo bên mình trong những trận đấu game thì mình vẫn sẽ đề cử Logitech Pro G. Bởi đơn giản, nó quá hoàn hảo cho những trận so tài như vậy.
Giá bán tham khảo: 1.790.000