Máy sấy quần áo là thiết bị làm khô quần áo một cách chủ động, ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống của người dân Việt Nam, đặc biệt là những người sống tại các thành phố lớn. Và để đáp ứng nhu cầu đa dạng từ phía người sử dụng thì các thương hiệu cũng mang tới thị trường khá đa dạng các dòng máy sấy quần áo khác nhau.
Nếu như bạn đang phân vân không biết chọn mua loại máy sấy quần áo nào thì hãy cùng Websosanh tìm hiểu các dòng máy sấy quần áo có mặt trên thị trường hiện nay.
1. Tủ sấy – hộp sấy quần áo đa năng giá rẻ
Đây có lẽ là dòng sản phẩm được nhiều bà nội trợ cân nhắc chọn mua vì có giá thành rẻ chỉ từ 200,000 – 800,000 đồng, trong khi hiệu quả sấy quần áo cũng khá ổn.
Tủ sấy quần áo có kết cấu giống như một tủ quần áo bằng vải với khung kim loại và áo tủ bằng vải nilon. Khi hoạt động, một bộ phận đốt nóng riêng biệt sẽ được đặt bên trong tủ sấy, tạo sức nóng cho không khí, giúp tách nước ra khỏi quần áo ẩm, từ đó làm khô quần áo.
Bên cạnh ưu điểm là giá rẻ thì tủ sấy quần áo cũng không làm nhăn quần áo trong quá trình sấy do không tạo chuyển động tách nước như các dòng máy sấy quần áo chuyên nghiệp. Nhược điểm của nó là thời gian sấy lâu, phải từ 3-5 tiếng tùy loại quần áo, và đồng thời làm nóng không khí xung quanh.
2. Máy sấy quần áo thông hơi
Là dòng máy sấy quần áo phổ biến tại Việt Nam bởi vừa có hiệu quả sấy khô nhanh, trong khi mức giá chỉ từ 5-10 triệu đồng.
Máy sấy quần áo thông hơi hút không khí từ bên ngoài vào rồi làm nóng, đưa vào lồng sấy, cùng với chuyển động xoay của lồng sấy, không khí nóng sẽ lấy nước khỏi quần áo rồng đi ra ngoài bằng một ống xả trực tiếp ra môi trường. Chính vì thế, máy sấy quần áo thông hơi thường đi kèm hệ thống ống xả khá cồng kềnh, và cần phải lắp đặt bên cạnh cửa sổ hoặc lỗ thông hơi ra ngoài.
Cùng với mức giá rẻ thì loại máy sấy quần áo này cũng khá tiết kiệm điện năng, và được đi kèm nhiều chế độ sấy cho các loại vải quần áo khác nhau, người dùng cũng có thể tùy chỉnh thời gian sấy để khô hoàn toàn hoặc chỉ 75% để phù hợp nhất với mục đích của bản thân. Máy sấy quần áo thông hơi cũng có được khối lượng nhẹ nên dễ dàng đặt lên bên trên máy giặt hoặc treo trên tường để tiếp kiệm không gian hơn.
3. Máy sấy quần áo ngưng tụ
Mặc dù có bề ngoài khá giống với máy sấy thông hơi nhưng máy sấy ngưng tụ lại không cần ống xả không khí nóng ẩm vì trong máy được tích hợp bộ phận giúp ngưng tụ nước từ khối không khí nóng ẩm kia. Người dùng chỉ cần đổ khay nước sau vài lần sấy là được.
Với kết cấu của mình, máy sấy quần áo ngưng tụ có thể lắp đặt ở bất cứ đâu mà không nhất thiết phải gần cửa sổ hoặc lỗ thông hơi. Tuy nhiên, do có khối lượng nặng nên máy sấy quần áo ngưng tụ lại không thể đặt bên trên máy giặt hoặc treo lên tường như mắt sấy quần áo thông hơi.
Máy sấy quần áo ngưng tụ cũng có mức giá đắt hơn (dao động từ 10 triệu trở lên), và khi sử dụng cũng tốn điện hơn so với máy sấy quần áo thông hơi do phải sử dụng điện cho bộ phận ngưng tụ của máy.
4. Máy sấy quần áo bơm nhiệt
Máy sấy quần áo bơm nhiệt là một biến thể của máy sấy quần áo ngưng tụ. Tuy nhiên, thay vì sử dụng thanh điện trở để hâm nóng không khí thì máy sấy quần áo bơm nhiệt sử dụng hệ thống trao đổi nhiệt bằng môi chất tương tự như điều hòa nhiệt độ. Điều này khiến giá thành máy sấy quần áo bơm nhiệt thường khá đắt, dao động từ trên 20 triệu đồng, và loại này cũng chưa phổ biến tại Việt Nam.
Hội tụ đầy đủ ưu điểm của máy sấy quần áo ngưng tụ, máy sấy quần áo bơm nhiệt còn rất tiết kiệm điện giúp người sử dụng giảm chi phí trong quá trình vận hành máy.
5. Máy sấy quần áo sử dụng khí gas
Loại này có lẽ là không nhiều người biết tới, nhưng nó lại là một trong những dòng máy sấy quần áo được ưa chuộng ở các nước châu Âu, nơi có khí hậu lạnh.
Máy sấy quần áo sử dụng gas (có thể là gas đun bếp hoặc khí propan) để đốt nóng đĩa chuyển nhiệt, từ đó gián tiếp nung nóng không khí, và góp phần giúp tạo điều kiện lý tưởng để sấy khô quần áo. Và tuy sử dụng khí gas để đun nóng đĩa chuyển nhiệt, nhưng các chi tiết khác của máy sấy quần áo dùng khí gas vẫn sử dụng điện, do đó bạn sẽ vẫn cần cấp nguồn cho máy để hoạt động các chi tiết điện tử khác.
Theo tính toán thì so với máy sấy quần áo sử dụng điện, máy sấy quần áo sử dụng khí gas có chi phí vận hành chỉ bằng 1/2, điều này giúp người sử dụng có thể tiết kiệm được kha khá tiền trong quá trình sử dụng. Dẫu vậy, giá bán của máy sấy quần áo bằng khí gas không hề rẻ, dao động từ trên 30 triệu đồng.
Mong rằng với các thông tin trên đây, bạn đã nắm rõ về các loại máy sấy quần áo có mặt trên thị trường hiện nay và chọn cho mình loại máy sấy tốt nhất đáp ứng nhu cầu.