Chuyển giao KNOX cho Google
Tại sự kiện I/O vừa diễn ra vào tháng trước, Samsung và Google đã khiến cộng đồng người dùng bất ngờ khi công bố nền tảng bảo mật KNOX của hãng điện tử Hàn Quốc sẽ bước chân lên hệ điều hành Android, đặc biệt là phiên bản Android L sắp tới.
Điều khiến cho người hâm mộ lo lắng là chất lượng của KNOX. Trong khi nền tảng bảo mật này đã giúp cho các smartphone Samsung đạt được những chứng nhận của các tổ chức chính phủ Mỹ, ví dụ như Bộ Quốc Phòng, thì cộng đồng Android tỏ ra cực kỳ khó chịu với KNOX. Thông tin đáng chú ý nhất về KNOX trong thời gian qua là thất bại về mặt thương mại của nền tảng này. Theo Android Community, KNOX không kiếm được nhiều tiền từ mảng doanh nghiệp như hy vọng của Samsung ban đầu. Do đó, công ty Hàn Quốc quyết định “nhường” lại KNOX cho Google.
Tạp chí Forbes khẳng định Google quyết định tiếp quản KNOX với 2 lý do. Lý do trước hết mang tính chất xã giao nhiều hơn là kỹ thuật: công ty Hàn Quốc là đối tác Android lớn nhất và mới gần đây cả 2 bên cũng đã nhượng bộ nhau về một số tranh chấp chiến lược (Google không muốn Samsung lấn sân sang mảng dịch vụ/phần mềm).
Lý do thứ 2 là bởi Google đã cố gắng tự phát triển một nền tảng bảo mật khép kín và cho đến giờ vẫn chưa thành công như mong muốn. Phiên bản hiện tại của nền tảng bảo mật nói trên hiện vẫn còn thiếu một số tính năng quan trọng cho môi trường doanh nghiệp, đơn cử như tính năng VPN.
Tiếp tục nuôi tham vọng về chợ ứng dụng
Sở dĩ Google là người thu lợi nhiều nhất từ Android, một hệ điều hành hoàn toàn mở, là bởi gã khổng lồ tìm kiếm nắm trong tay “linh hồn” của Android là toàn bộ các ứng dụng. Samsung nhận ra điều đó và cùng với việc phát triển hệ điều hành Tizen, ông lớn Hàn Quốc muốn tự xây dựng một chợ ứng dụng riêng cho cả smartphone Android và smartphone Tizen.
Rất tiếc, những cố gắng trước đây của Samsung đều kết thúc trong thất bại, ngay cả khi nhà sản xuất smartphone số 1 thế giới thu hút các nhà phát triển với mức chia lợi nhuận hấp dẫn hơn cả Google. Bởi vậy, Samsung đã bí mật phát triển lại chợ ứng dụng của riêng mình và đổi tên “Samsung Apps Store” thành “Galaxy Apps”.
Ngày 12/7, Samsung đã chính thức tiến hành cập nhật lại tên chợ ứng dụng mới của mình thành Galaxy Apps. Đi kèm với cái tên mới là giao diện mới: phẳng, đơn giản, nhiều màu sắc theo đúng phong cách của Android L.
Cho đến giờ, Samsung đã kịp ra mắt 1 chiếc smartphone và 1 chiếc smartwatch cho Tizen. Liệu sự ra mắt chính thức của hệ điều hành này có bắt đầu giai đoạn Samsung và Google trở thành đối thủ? Câu trả lời tại thời điểm này vẫn chưa rõ ràng, song có lẽ mối quan hệ giữa Samsung và Google sẽ sớm giống như mối quan hệ “khi là bạn, khi là thù” của Samsung và Apple.