OPPO R1
Ưu điểm:
– Thiết kế đẹp, ấn tượng
– Giá thành hấp dẫn
– Hiệu năng ổn định
– Chạy nền tảng Android
Nhược điểm:
– Khả năng sử dụng ngoài trời còn hạn chế
– Hai mặt trước và sau sử dụng kính nên khá trơn trượt
Motorola Moto G
Ưu điểm:
– Nhiều tính năng độc đáo
– Màn hình chất lượng tốt
– Hiệu năng mạnh mẽ
Nhược điểm:
– Camera chưa thực sự tốt
– Không hỗ trợ khe cắm microSD, và không có bản 4G
So sánh về thiết kế
Khi nhìn chiếc OPPO R1 lần đầu tiên, chắc hẳn có rất nhiều người đã liên tưởng nó với thiết kế của siêu phẩm iPhone 4S nổi tiếng.
Có thể đánh giá nhà sản xuất OPPO rất nỗ lực trong việc tao ra những nét riêng trên siêu phẩm của mình, thế nhưng cũng không thể phủ nhận rằng chiếc R1 có khá nhiều nét tương đồng với iPhone 4S của Apple, nhất là ở mặt trước, mặt sau và hai cạnh bên.
Tuy nhiên với một kích thước màn hình lớn hơn nhiều so với đối thủ iPhone (5 inch so với 4 inch), OPPO R1 trông khá ưa nhìn, thanh thoát, đồng thời cũng phù hợp với xu thế smartphone màn hình lớn hiện nay.
Mặt sau và mặt trước của máy đều được ốp kính gương cường lực, do đó chúng ta có thể thấy độ phản chiếu của OPPO R1 là khá cao, ngay cả với bộ vỏ đen. Đây cũng là một trong những lý do mà các bạn gái yêu thích thiết bị này, đó là vì đôi khi chúng ta có thể tận dụng mặt trước và mặt sau của nó như một chiếc gương, khá tốt và hữu dụng. Tuy nhiên nhược điểm của màn hình gương đó là bạn cũng khó có thể sử dụng nó vào những ngày trời nắng gắt do tính phản sáng cao.
OPPO R1 sở hữu những đường nét thiết kế sang trọng khiến nhiều người nhầm lẫn với các dòng smartphone cao cấp của Apple hay Sony
Bên cạnh đó, hai tấm kính gương này cũng khiến cho OPPO R1 khá trơn khi cầm trên tay, và đặc biệt dễ rớt khi bạn rút nó khỏi túi, hoặc cố gắng chuyển từ vị trí này sang vị trí khác. Nếu như định mua một chiếc R1, bạn chắc chắn sẽ phải rất cẩn thận trong quá trình sử dụng, cầm nắm, nhất là khi có mồ hôi tay, nếu như không muốn xảy ra những điều không mong muốn.
Tuy nhiên, chi tiết được đánh giá cao nhất trên OPPO R1 không phải là hai mặt trước và sau, mà lại ở lớp cạnh viền của nó. Lấy ý tưởng từ iPhone 4S, thế nhưng lớp cạnh viền của OPPO R1 tạo cảm giác không quá dày như trên đối thủ của mình, mà ngược lại như làm tôn thêm nét mảnh mai, thuôn dài của nó.
Nhìn chung, lớp viền này cũng giống như trên người tiền nhiệm OPPO N1 với cấu tạo từ nhôm không gỉ sáng bóng, ốp đều và uốn cong ở 4 góc. Tuy nhiên lớp do quá “ham hố” đặt các cổng kết nối và jack tai nghe trên các cạnh bên, do đó lớp viền của OPPO R1 không thực sự tạo được cảm giác liền mạch giống như iPhone 4S, hay thậm chí không được như trên Sony Xperia Z1.
Không quá cầu kỳ với chỉ một lớp vỏ nhựa plastic, bo tròn các góc cạnh, chiếc Moto G chú trọng về cảm giác trên tay hơn là cảm giác “sang” cùng vỏ kim loại. Trên thực tế, khi cầm Moto G trên tay, người dùng có thể cảm nhận được sự thoải mái mà nó mang lại, chủ yếu từ sự cân bằng giữa kích thước (dày 11.6 mm), trọng lượng (143 g).
Mặc dù có màn hình có phần hơi bé (4.5 inch) so với các siêu phẩm smartphone hiện nay (chủ yếu là 5 inch), nhưng đây vô hình chung cũng là thế mạnh của Moto G, khi mà nó giúp người dùng dễ dàng cầm và thao tác với chỉ một tay.
Mặt sau của Moto G có lớp ốp lưng có thể thay thế bằng nhiều loại với kiểu dáng, màu sác khác nhau, làm tăng thêm sự lựa chọn và thể hiện cá tính của người dùng. Kiểu thiết kế này tưởng như đã bị tuyệt chủng, thế nhưng một lần nữa Moto G đã mang nó quay trở lại.
Motorola Moto G cũng được trang bị khả năng chống nước cơ bản, với một tấm “nano” bên trong, giúp nó có thể chống chịu được nước cấp độ thấp, đủ để giữ cho cục pin không thể tháo rời, và các linh kiện điện tử bên trong không bị ướt khi trời mưa nhẹ. Tuy khả năng này không hoàn hảo như các siêu phẩm chống nước hàng đầu, nhưng cũng là quá tốt cho một thiết bị nằm ở phân khúc giá rẻ.
So sánh về màn hình và khả năng hiển thị
OPPO R1 có một màn hình 5″ tiêu chuẩn cùng công nghệ tấm nền IPS
Không chỉ sở hữu một thiết kế bề ngoài khá ấn tượng, màn hình của chiếc OPPO R1 cũng được giới chuyên môn đánh giá khá cao khi so sánh với các đối thủ cùng phân khúc. Mặc dù vậy, chiếc R1 về mặt giấy tờ nghe có vẻ không mấy khác biệt với một màn hình kích thước 5 inch, độ phân giải 720p với mật độ điểm ảnh khá ở 294ppi.
Với một thông số như trên, OPPO R1 có thể dễ dàng bị đánh đồng với loạt smartphone tầm trung, khi mà ở thời điểm hiện nay ngay cả các mẫu trong tầm giá 4-5 triệu đồng cũng được trang bị màn hình lớn, công nghệ tấm nền IPS và độ phân giải HD tương đương với OPPO R1.
Thế nhưng trong quá trình thử nghiệm, chúng tôi nhận thấy chất lượng màn hình trên chiếc smartphone này có khá nhiều ưu điểm vượt trội hơn loạt smartphone ở phân khúc tầm trung. Đáng chú ý nhất phải kể tới một góc nhìn khá rộng trên OPPO R1 giúp cho người dùng có thể dễ dàng thay đổi góc độ máy mà không bị thụt giảm quá nhiều về chất lượng hình ảnh cũng như độ chân thực về màu sắc.
Ngoài ra, độ trung thực và đa dạng về màu sắc trên OPPO R1 tuy chưa thể sánh ngang với loạt màn hình AMOLED của Samsung hay Retina của Apple, nhưng nhìn chung cũng được đánh giá khá cao trong phần còn lại.
Về độ sáng và độ tương phản, OPPO R1 cũng hỗ trợ khá tốt, thế nhưng do cấu trúc kính phản sáng nên rất đáng tiếc là hai yếu tố này không thực sự làm cho việc sử dụng ngoài trời thêm dễ dàng hơn. Một điểm khó hiểu trên chiếc OPPO R1 cũng được phát hiện trong quá trình đánh giá nằm ở bộ cảm biến ánh sáng, khi mà nó đôi khi tự điều chỉnh ánh sáng bị thấp hơn nhiều mức cần thiết, ngay cả khi đang không gian thiếu sáng.
Màn hình và khả năng hiện thị có lẽ là điểm ấn tượng nhất của siêu phẩm giá rẻ Moto G. Về cơ bản, khi nói về khả năng hiển thị thì Moto G có thể ngang tầm với cả những siêu phẩm có giá gấp đôi nó trên thị trường. Đầu tiên phải kể đến việc nó là một thiết bị di động hiếm hoi sở hữu độ phân giải màn hình HD 720p với mức giá dưới 4 triệu đồng.
Điều này khiến cho chất lượng hiển thị trên Moto G nằm ở một cấp độ khác khi so sánh với các đối thủ cùng phân khúc về độ nét, và chân thực hình ảnh. Độ phân giải 720p kéo dãn với kích thước màn hình 4.5 inch của chiếc Moto G cho mật độ điểm ảnh ấn tượng 329 ppi, thậm chí còn cao hơn cả siêu phẩm iPhone 5S của Apple (326 ppi)
Cho những ai chưa biết, thì mật độ điểm ảnh cao tác động trực tiếp tới độ nét của hình ảnh, cho việc thực hiện các tác vụ thông thường như đọc văn bản phóng to trở nên dễ dàng hơn nhiều. Điểm ảnh cao cũng giúp hình ảnh của các trò chơi 3D sống động và mượt mà hơn hầu hết những mẫu smartphone cùng phân khúc, khi mà độ phân giải thường chỉ là 800 x 480 pixel.
Ngoài việc sở hữu độ phân giải ấn tượng, chiếc Moto G còn được trang bị công nghệ tấm nền IPS giống như các siêu phẩm iPhone 6, HTC One M8… giúp góc nhìn rộng hơn, và độ thực của màu sắc cũng được cải thiện đáng kể. Hầu hết những smartphone ở phân khúc giá rẻ chỉ được hỗ trợ màn hình tấm nền TN, LCD cho một góc nhìn khá hạn chế, và hình ảnh dễ bị mờ do tác động của ánh sáng.
Bên cạnh đó, màn hình của Motorola Moto G còn được bảo vệ bởi tấm kính cường lực Gorilla Glass 3, vốn là một “hàng độc” ở phân khúc giá rẻ này. Tấm kính giúp cho khả năng chống xước, chống vỡ do tì đè của Moto G tăng lên đáng kể.