Trong thế giới ngày nay, khi việc sử dụng bàn phím để đánh những con chữ, dùng chuột và các nút bấm để vẽ những điều mình thích đã trở nên phổ biến, thì việc sử dụng bút chì dường như là một điều vô cùng giản dị. Nhưng không vì thế mà những cây bút chì ít được sử dụng, có rất nhiều người vẫn ngày ngày sử dụng bút chì để làm việc hay vẽ những tác phẩm nghệ thuật. Trên thực tế hàng năm vẫn có hàng tỉ chiếc bút chì được tiêu thụ. Một cây bút chì chất lượng luôn có một chỗ đứng nhất định trên thị trường bởi tính ứng dụng cao của nó. Ngoài công dụng hết sức cơ bản là viết, người ta còn dùng bút chì để sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật vô cùng tinh tế.
Điều thú vị xung quanh một cây bút chì tốt không phải ai cũng biết và hiểu hết về nó. Những thứ như: nguồn gốc của bút chì, bút chì có những loại nào, những điều hay ho về tên gọi của nó… Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn để thêm yêu hơn cây bút chì thần thánh, nhiều thú vị này nhé!
1. Nguồn gốc ra đời cây bút chì
Nguyên liệu đầu tiên để hình thành lên cây bút chì là một khoáng chất được tìm thấy ở Borrowdale, Anh Quốc vào năm 1564. Khoáng chất này có màu giống chì, bóng mỡ và dễ làm bẩn tay khi chạm vào. Với đặc tính là để lại dấu vết đậm hơn chì nhiều, đồng thời có thể dễ dàng tẩy xóa, người dân bắt đầu dùng nó để viết và đánh dấu các con cừu trong đàn gia súc. Cuối thế kỷ 18, nhà hóa học người Thụy Điển Karl Wilhelm Scheele đã xác định được “chì đen” chính là một dạng cấu trúc khác của carbon. Ông đặt tên cho nó là Graphite, tức “than chì”.
Vào năm 1761, Kaspar Faber – một thợ mộc lập nghiệp ở Đức đã cắt than chì thành một thanh mỏng và dán giữa 2 miếng gỗ được bào phẳng, làm thành cây bút chì đầu tiên. Sau này, vẫn dựa trên những phát minh đó, người ta đã sáng tạo thêm như tách đôi que gỗ và đặt lõi than chì vào, rồi dán hai nữa lại chắc chắn…
Đến năm 1795, Nicholas Jacques Conté đã tìm ra phương pháp hòa trộn than chì dạng bột với đất sét rồi nung trong lò để cho ra những thanh vật liệu dùng để viết cực tốt. Bằng cách tăng giảm tỉ lệ giữa đất sét và than chì, người ta có thể kiểm soát độ cứng (cũng như độ đậm nhạt) của lõi bút. Năm 1858, Hymen Lipman nhận được bằng sáng chế đầu tiên cho việc gắn thêm một cục tẩy vào cuối thân bút chì.
2. Các loại bút chì nổi bật
Để phân loại bút chì có nhiều cách, chúng ta có thể phân loại theo độ đậm nhạt của bút, hay như chất liệu làm nên bút, cũng có khi là thiết kế của bút. Sự sáng tạo của con người là vô cùng, từ một cây bút chì đơn giản được làm từ 2 thanh gỗ ép vào giờ đây con người đã có thể sử dụng bút chì với vô số loại bút chì khác nhau. Các bạn có biết vì sao trên thân bút lại có những ký hiệu như HB, 2B, 3B…? Những ký hiệu đó là chỉ độ cứng và đen của bút chì đó. H là viết tắt của Hard, B cho Black, còn F là Fine (loại bút này rất hiếm gặp).
Ngoài cách phân loại theo độ đậm nhạt của bút thì việc dựa vào chất liệu lõi bút, ta có khoảng 7 loại:
- Bút than chì (graphite pencils) là loại bút chì phổ biến nhất, chúng được làm từ hỗn hợp than chì – đất sét.
- Bút than chì đặc (solid graphite pencils) thì chỉ có toàn thân được làm bằng than chì, không vỏ gỗ.
- Bút chì làm từ than củi (charcoal pencils), cho màu đen đậm hơn nhưng dùng dễ bị dây bẩn và mài mòn nhanh.
- Bút chì carbon (carbon pencils) thì vừa đậm màu hơn than chì vừa mềm mại hơn than củi.
- Bút chì màu (pencil crayons) có lõi giống như sáp, gồm bột màu và các phụ gia khác.
- Bút chì màu nước (watercolour pencils) cũng tương tự bút chì màu nhưng người ta có thể dùng nước và cọ để hòa màu các nét bút đã vẽ.
- Ngoài ra, còn có bút chì dầu (grease pencils) dùng để viết trên kính, nhựa, kim loại và giấy ảnh.
Trên thế giới hiện nay bút chì có rất nhiều kiểu dáng và chủng loại nên việc phân loại cũng chỉ mang tính tương đối. Tùy vào mục đích sử dụng mà con người có thể lựa chọn được những chiếc bút chì chất lượng ưng ý, phù hợp.
3. Nghệ thuật đến từ cây bút chì
Không chỉ đơn giản là một cây bút chì tốt có tác dụng để viết, vẽ bình thường, những điều thú vị về nó được con người sáng tạo vô cùng độc đáo. Nghệ thuật điêu khắc từ bút chì là một trong những điều nổi bật mà ai nhìn vào cũng phải trầm trồ thán phục bởi sự sáng tạo. Hay như, bạn có thể thưởng thức những bức tranh 3D được vẽ từ những cây bút chì vô cùng giản dị.