Xác định trước khu vực thuê và giá thuê
Ở các thành phố lớn, không có khu nào là không có phòng trọ dành cho sinh viên cả, tuy nhiên để đảm bảo được sự thuận lợi cho việc học tập cũng như sinh hoạt của mình, trước khi quyết định thuê nhà, các bạn sinh viên nên khoanh vùng khu vực thuê và số tiền mình sẵn sàng bỏ ra để thuê.
– Xác định khu vực thuê: tốt nhất là hãy cố gắng tìm những nơi gần trường, trong vòng bán kính 1 – 2 km là tốt nhất. Là sinh viên, nhiệm vụ tối ưu vẫn là học tập, bởi vậy, việc thuê phòng trọ gần trường sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian, công sức, chi phí cho việc đi lại. Không kể đến những ngày mưa to gió lớn hoặc nắng nôi, bạn cảm thấy “lười biếng” thì việc nhà gần trường đôi khi cũng sẽ giúp bạn “chăm chỉ hơn”. Nói chung, ưu điểm của thuê phòng trọ gần trường học là việc bạn nên lưu tâm trước khi quyết định.
Tiêu chí thứ hai của phòng trọ đó là gần chợ, bởi việc tự nấu ăn sẽ an toàn và tiết kiệm hơn nhiều lần so với việc bạn đi ăn quán. Bạn nên tìm những căn phòng trọ gần chợ, hoặc tốt nhất là chợ nằm trên đường đến trường.
– Xác định giá thuê phòng: Hiện nay, ở Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác, giá thuê phòng biến động từ 1 – 3 triệu/ phòng. Bạn cần phải xác định xem số tiền mà bố mẹ chu cấp cho mình là bao nhiêu, để rồi có thể tìm được phòng trọ phù hợp.
Một số yếu tố quan trọng sau sẽ quyết định đến giá thuê phòng:
– Loại phòng: Phòng trọ trong dãy nhà trọ sinh viên, phòng ở chung nhà với chủ, phòng ở nhà nguyên căn, hay phòng ở chung cư. Phòng khép kín hay không khép kín? Phòng có gác xép hay không có gác? Phòng có thể ở được mấy người? Tất nhiên, phòng có điều kiện tốt hơn, địa thế đẹp hơn sẽ có giá đắt hơn.
– Khu vực: Phòng ở các quận trung tâm hay ngoại thành, gần chợ, bệnh viện hay không? Những khu vực “hot” thường sẽ có giá tiền đắt hơn.
– Diện tích phòng và số người ở: Phòng rộng khoảng bao nhiêu có thể ở được một người hay 2 – 4 người?
Ngoài ra bạn cũng nên tìm hiểu về giao thông khu vực nơi bạn định thuê trọ. Việc đi lại cũng rất quan trọng, nên nếu không có xe máy bạn nên tìm chỗ thuê trọ gần bến xe bus. Ngoài ra, cũng nên chú ý xem khu vực đó có hay bị tắc đường, kẹt xe hay không.
Nhìn chung, việc thuê nhà không quá khó nhất là trong thời đại công nghệ thông tin như hiện nay. Nếu không thể nhờ được người thân, bạn có thể “tự thân vận động” bằng cách lên mạng, vào các diễn đàn dành cho sinh viên hoặc lên Google, các trang web rao vặt về bất động sản và gõ các từ khóa liên quan đến phòng trọ như: “phòng trọ sinh viên giá rẻ”, “tìm nhà trọ sinh viên”, “phòng trọ sinh viên tphcm”, “hà nội cho thuê phòng“.
Nguồn nhà trọ không chỉ có trên mạng mà nó còn nhan nhản khắp nơi, điển hình nhất là gần trường học của bạn. Bạn có thể chú ý và thấy rằng có rất nhiều tờ rơi, bảng tin phòng trọ dán “chằng chịt” trên các cột điện, bờ tường… Những thông tin này có thể cũng rất có ích đối với bạn.
Tìm hiểu thông tin thật kỹ về phòng trọ bạn muốn thuê
Không phải bạn muốn thuê phòng là bạn có thể thuê được ngay. Đôi khi bạn sẽ phải đi hết phòng trọ này đến phòng trọ khác để tìm được cho mình nơi ở thích hợp nhất. Bạn đừng ngại đi tìm hiểu. nếu không có khả năng là bạn sẽ phải chuyển nhà liên tục trong tương lai đầy.
Ngay khi có thông tin về một phòng trọ nào đó hãy xem nó có thỏa mãn nhu cầu của bạn về khu vực và giá phòng không. Nếu cảm thấy đã “ổn ổn”, “tạm chấp nhận được”, bạn hãy tìm hiểu thêm qua người giới thiệu hoặc trực tiếp với chủ nhà một số thông tin như: giá điện nước, phí phát sinh, diện tích, loại phòng, số người được ở, quy định về giờ giấc, an ninh phòng trọ… Những thông tin “ngoài” này đôi khi lại quyết định đến việc bạn có thuê nhà hay không đấy!
Sau khi tìm hiểu được thông tin, đừng vội chuyển ngay đến ở mà không qua bước “xem phòng”. Nhiều nơi quảng cáo rất đẹp, rất tốt nhưng chất lượng lại không được như thế. Hãy nhớ rằng “trăm nghe không bằng một thấy”. Việc đến tận nơi xem phòng sẽ giúp bạn đánh giá qua được chất lượng phòng trọ và một số vấn đề về an ninh, có gần những nơi ồn ào không, bạn có phải đi qua khu vực đường vắng không…
Nếu là ở dãy trọ bạn có thể tham khảo ý kiến của những người đã ở đây lâu rồi để biết thêm. Bởi nếu tần suất những người chuyển đi từ phòng trọ bạn đang định thuê là nhiều thì chắc chắn căn phòng đó có vấn đề.
Kiểm tra các thông tin hợp đồng, đặt cọc
Đến đây thì việc tìm nhà của bạn gần như đã hoàn tất, bạn chỉ cần làm hợp đồng và một số việc liên quan nữa mà thôi. Nếu cảm thấy vô cùng hợp ý mình ngay từ lần đầu tiên xem nhà, bạn cũng khoan nói đến việc đặt cọc bởi sự hưng phấn tức thời đôi khi sẽ khiến bạn gặp sai lầm. Hãy tìm hiểu thật kỹ và tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân trước khi quyết định nhé!
Nếu đã ưng ý hoàn toàn, lúc này, hãy nói chuyện với chủ nhà về việc thuê phòng, làm hợp đồng và đặt cọc. Bạn cần trao đổi với chủ nhà rõ ràng về các khoản chi phí: tiền phòng, tiền điện nước, tiền vệ sinh, tiền gửi xe, tiền internet, các khoản chi phí phát sinh và những khoản này phải được ghi trong hợp đồng đầy đủ. Một lưu ý khác đó là hình thức trả tiền nhà, một tháng một, 3 tháng hay 6 tháng một lần. Hãy cố gắng hạn chế việc trả tiền nhà theo 6 tháng một, bởi nhiều vấn đề có thể phát sinh trong lúc bạn ở đây, nếu trả tiền một lúc như thế sẽ khiến bạn không thể chuyển đến một nơi khác ngay lập tức.
Đặt cọc cũng là một điều bạn phải hỏi kỹ, số tiền đặt cọc bao nhiêu, bạn có lấy lại được số tiền đó khi chuyển đi không, điều kiện để được nhận lại là như thế nào?
Bạn cũng cần kiểm tra tình trạng của hệ thống điện nước, nhà vệ sinh, cửa rả v.v trong phòng tại thời điểm ký hợp đồng, để không bị bắt “đền oan” sau này khi bạn chuyển đi. Nếu có hỏng hóc gì thì hãy yêu cầu chủ nhà sửa ngay. Thêm vào đó, bạn cũng cần xem số điện, nước tại thời điểm bạn bắt đầu, tránh trường hợp sau này bạn phải trả cả tiền cho người dùng trước đó.
Nói chung, hầu hết các nhà trọ hiện nay đều khá thân thiện với sinh viên. Cũng có những nơi bắt chẹt sinh viên về giá cả, nhưng số đó không quá nhiều và việc “bắt chẹt” cũng không phải là quá đáng. Tuy nhiên, bạn vẫn cần cẩn thận để tránh cảm thấy thất vọng sau khi ký hợp đồng.
Tìm bạn ở ghép
Nếu bạn muốn chia sẻ tiền thuê nhà hoặc không muốn ở một mình thì hãy nghĩ đến việc tìm người ở ghép. Đầu tiên, hãy nghĩ đến bạn bè mình, những người học cùng, những người cùng quê, nói chung là những người bạn có thể tin tưởng và cảm thấy có thể ở cùng được. Nếu không có ai, lúc đó bạn mới nên tìm đến những người lạ bằng cách nhờ giới thiệu từ bạn bè, người thân, qua các trang web rao vặt, bảng tin của trường, tờ rơi…
Tuy nhiên, có 2 điều bạn cần lưu ý khi tìm người ở ghép. Thứ nhất, hãy chú ý với tài sản của mình. Ngay từ đầu bạn có thể sẽ không biết được người ta tốt hay xấu, hãy tự bảo vệ mình trước khi bị người khác lừa. Thứ hai, chọn người ở ghép là cả một nghệ thuật. Có nhiều trường hợp đã từng là bạn thân nhưng chỉ vì ở chung mà gây ra rất nhiều bất đồng trong quan điểm, cách sống, cach sinh hoạt, từ đó dẫn đến mất lòng nhau, nhiều người còn “cạch mặt” nhau.
Mua sắm các vật dụng cần thiết cho căn phòng
Để chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên kéo dài ít nhất 4 năm với các sinh viên của các đại học khối kinh tế, và 5 năm đối với các sinh viên đại học khối kỹ thuật, 6 năm với các sinh viên các trường y dược thì việc chuẩn bị đầy đủ các đồ đạc cho căn phòng của mình là vô cùng cần thiết. Các đồ đạc các bạn cần chuẩn bị cho cuộc sống sinh viên không những là những đồ dùng cá nhân, mà còn là những đồ đạc phục vụ cuộc sống hàng ngày, đồ phục vụ học tập.
Bạn có thể tham khảo những đồ dùng cần thiết cho cuộc sống sinh viên như: tủ quần áo, bàn học, đèn học, đồ dùng cá nhân… Để tiết kiệm được công sức và tiền bạc, trước khi mua, bạn hãy tìm nơi bán phù hợp với địa điểm sống của mình, sau đó so sánh giá để tìm được mức giá rẻ nhất. Bạn có thể truy cập https://websosanh.vn/ – trang web giúp so sánh giá của hơn 6 triệu sản phẩm trên toàn Việt Nam. Ngoài ra, bạn cũng có thể gọi đến tổng đài so giá 1900.0345 để hỏi thêm thông tin giá của sản phẩm bạn muốn mua. Chắc chắn hai công cụ này sẽ giúp ích cho các bạn rất nhiều!
Hương Giang
Tổng hợp
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam