Bất kì một cuộc chơi nào đều có những nguyên tắc cơ bản để bạn tuân thủ. Đối với chuyến hành trình phượt xe đạp cũng vậy. Nắm bắt được những nguyên tắc cơ bản, bạn sẽ có những trải nghiệm thú vị, giảm thiểu được rủi ro, khó khăn và chuẩn bị chu đáo nhất có thể cho chuyến đi. Phượt bằng xe đạp tuy tiết kiệm chi phí nhưng sẽ vất vả hơn nhiều so xe máy. Chính vì thế bạn cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt, dưới đây là một số nguyên tắc nên tham khảo từ các phượt thủ:
1. Lên chi phí cho chuyến đi
Đối với đi phượt, đặc biệt là xe đạp không cần phải có nhiều tiền mới đi du lịch được, thế nhưng cần xem bạn có thể bỏ ra bao nhiêu để lựa chọn cho mình một hành trình hợp lý.
2. Lựa chọn loại xe phù hợp
Road bike là cho các cung đường bằng phẳng, đẹp ít gập ghềnh, hiểm trở, thiết kế ưu tiên cho tốc độ. Moutain bike là xe địa hình, dành cho địa hình hiểm trở, gồ ghề. Touring bike được thiết kế cho các chuyến du sơn ngoạn thủy nên khá chắc chắn, có thiết kế thêm bộ phận chứa đồ. Tuy nhiên nếu bạn đang có sẵn một chiếc xe đạp cho riêng mình thì hãy cân nhắc các đoạn đường đi để thuận với “tính cách” của em nó nhất.
3. Chọn cung đường hợp lý
Tùy thuộc vào thời gian và chi phí, bạn có thể lựa chọn cho mình cung đường đi hợp lý. Nếu bạn là người mới bắt đầu thú chơi này thì nên chọn cho mình cung đường trải nhựa, dễ dàng đạp xe, mục đích chính là thưởng thức phong cảnh, tìm hiểu văn hóa của địa phương. Còn nếu bạn đã là những tay lái tương đối chuyên nghiệp thì hãy chọn cho mình những đoạn đường ghập ghềnh như đến với hành trình Hà Nội – Lào Cai – Sa Pa. Hành trình chinh phục tới những miền đất mới của Tổ quốc vẫn luôn thu hút và hấp dẫn những dân phượt chuyên nghiệp như những cái tên: Hàm Lợn, Thung Nai, Hồ Núi Cốc, đèo Hải Vân…
4. Đảm bảo sức khỏe
Phượt bằng xe đạp là hình thức vận động cực cao, tiêu tốn nhiều sức lực, bạn cần phải có sức khỏe để vượt qua những đoan đường dốc, gập ghềnh, dễ bị đuối sức, say nắng… Chính vì thế bạn cần phải hiểu rõ về cơ thể mình để có những điều chỉnh, nghỉ ngơi hợp lý, đảm bảo sức khỏe.
5. Nên đi theo đoàn
Đi theo đoàn sẽ giúp ích rất nhiều cho các chuyến đi của bạn. Có người đồng hành sẽ giúp tinh thần vui vẻ hơn, ngoài ra khi gặp trục trặc, khó khăn sẽ có người giúp đỡ, tận dụng được sức mạnh của tập thể. Khi đi cùng đoàn, chúng ta cần phải có sự trao đổi, phối hợp nhịp nhàng về quãng đường, vận tốc và thời gian nghỉ ngơi, ăn uống với cả đoàn.
6. Mang theo giấy tờ cần thiết, điện thoại và số tiền hợp lý
Những vật dụng trên không chỉ cần thiết cho bạn trong chuyến đi mà còn thực sự quan trọng trong một số tình huống. Bạn gặp tai nạn và không có ai trên đường để giúp, bạn nhập viện nhưng không có người thân bên cạnh? Đây chính là lúc bạn dùng đến điện thoại để gọi người giúp đỡ hay dùng đến tiền và giấy tờ tùy thân để quá trình nhập viện và điều trị diễn ra dễ dàng hơn. Trong tình huống ngặt nghèo như bị mất tích hoặc ảnh hưởng đến tính mạng, những vật dụng này chính là yếu tố quan trọng giúp các cơ quan chức năng thực hiện cứu hộ và giúp đỡ bạn.
7. Chuẩn bị đồ phù hợp
Trước mỗi chuyến đi, bạn nên tìm hiểu kỹ về tình hình thời tiết, lựa chọn trang phục. Nếu là quãng đường dài, mất thời gian vài ngày thì nên có cả áo mưa và áo chống nắng, số lượng quần áo đủ cho từng ngày. Đồng thời, bạn cũng nên mang thêm đồ ăn nhẹ, nước uống. Tuy nhiên, bạn cũng cần phải cân nhắc kỹ trước khi định mang theo gì, vì chúng ta không thể mang theo quá nhiều đồ khi đi xe đạp phượt.
8. Biết cách sửa xe cơ bản
Chủ động luôn đem đến cho bạn sự tự do và tiện lợi nhất. Trau dồi cho mình những kinh nghiệm, kiến thức cơ bản về việc sửa xe đạp như vá xăm, đứt dây phanh, trùng xích, thay lốp sẽ khiến bạn xử lý tình huống nhanh gọn, tiết kiệm thời gian, tiền bạc, bởi vì trên cả quãng đường dài không phải lúc nào xe của bạn cũng may mắn hỏng gần tiệm sửa xe. Chính vì thế, bạn cũng nên mang theo mình những dụng cụ sửa chữa đa năng, nó sẽ hữu ích với bạn trong rất nhiều tình huống.