Sai lầm khi bảo quản điều hòa – máy lạnh
Cũng như các món đồ gia dụng và đồ điện khác, điều hòa nếu không sử dụng lâu ngày cũng cần bảo quản, bảo dưỡng hợp lý đúng cách để giữ độ bền lâu, kéo dài tuổi thọ cho máy.
Nhiều người cho rằng, khi không sử dụng điều hòa chỉ đơn giản là tắt điều hòa và rút phích cắm điện ra mà không làm thêm bất kỳ việc nào khác. Điều này là chưa đủ, bởi vì cho dù cánh quạt điều hòa đóng lại và điều hòa không hoạt động nhưng những bụi bẩn hay hơi ẩm bên trong vẫn có thể làm giảm độ bền và phá hủy chiếc điều hòa.
Vì vậy, để đảm bảo điều hòa hoạt động tốt, bạn cần nắm được 9 lưu ý trước và sau khi không sử dụng điều hòa lâu ngày dưới đây:
Lưu ý trước khi ngừng dùng máy điều hòa lâu ngày
Nếu gia đình bạn đang sinh sống ở miền Bắc – Việt Nam nhưng chỉ lắp đặt điều hòa 1 chiều, cả mùa đông dài sẽ không sử dụng tới máy lạnh thì cần lưu ý một số vấn đề sau về cách bảo quản điều hòa:
1- Nên cho hệ thống quạt của dàn lạnh trong nhà chạy ở chế độ FAN MODE trong nhiều giờ để đảm bảo dàn lạnh khô hoàn toàn, không còn nước ngưng đọng trong máng. Bởi vì nếu nước vẫn còn đọng lại trong dàn lạnh khi để lâu ngày sẽ gây nấm mốc và mùi hôi, khiến các bộ phận trong máy bị hoen gỉ.
2- Cần vệ sinh bộ phận phin lọc gió sạch sẽ trước khi không sử dụng và lắp lại đúng vị trí.
3- Nên ngắt aptomat, cầu dao hay phích cắm tới điều hòa nếu không dùng trong thời gian dài. Vì nếu chỉ tắt điều hòa đơn thuần bằng điều khiển thì điện năng vẫn tiêu tốn dù bạn không bật và không sử dụng máy.
4- Tháo pin ra khỏi điều khiển từ xa của điều hòa (remote) và để ở nơi khô ráo, thoáng mát. Không nên để pin trong điều khiển từ xa trong thời gian dài khi không sử dụng vì pin có thể bị chảy nước khiến các mạch điều khiển bị chập làm hỏng điều khiển.
Lưu ý sau một thời gian dài không sử dụng điều hòa
Sau một thời gian dài không sử dụng, trước khi muốn dùng điều hòa trở lại, bạn cũng cần chú ý một số điều sau:
5 – Kiểm tra lại các bộ phận của máy xem có vấn đề gì không, nếu các bộ phận bị khô hay hoen gỉ thì cần khắc phục trước khi dùng.
6- Kiểm tra lại cả hai dàn nóng và dàn lạnh của điều hòa xem có bình thường không, có vật gì cản trở hoạt động của máy không.
7- Kiểm tra lại các đường ống dẫn nước xả, các mạch điện điều hòa, ống dẫn gas xem trục trặc hay hư hỏng không.
8- Kiểm tra xem nước có bị ngưng đọng không, vì nếu nước bị ngưng đọng sẽ dẫn đến hiện tượng rò rỉ ở trong phòng.
9- Vệ sinh sạch sẽ và bảo dưỡng điều hòa trước khi bắt đầu vào mùa hè để đảm bảo máy có thể hoạt động hiệu quả nhất. Vì mùa hè nóng nực là thời điểm chiếc điều hòa hoạt động gần như hết công suất và liên tục.
Bạn nên vệ sinh máy điều hòa sau một thời gian dài không sử dụng vì trong khoảng thời gian không sử dụng, bụi bẩn vẫn có thể bay vào bên trong máy khiến máy chạy kêu to, làm lạnh kém, hiệu quả làm lạnh giảm; máy hoạt động không ổn định; có mùi hôi khó chịu do nấm mốc phát triển sinh sôi; tốn điện năng. Ngoài ra, việc vệ sinh điều hòa còn giúp bảo vệ sức khỏe và hệ hô hấp của người dùng luôn an toàn khi ngồi phòng điều hòa.