Tất nhiên, với những em bé bình thường cứ đến tuổi em bé sẽ biết nói nhờ tiếp xúc với môi trường âm thanh từ bên ngoài. Nhưng nếu muốn em bé biết nói nhanh hơn thì bố mẹ có thể tham khảo một số bí quyết sau đây:
Đáp lại tiếng khóc của bé
Tiếng khóc của bé con có rất nhiều ý nghĩa, và một trong số đó là mong muốn được giao tiếp với mọi người xung quanh. Bởi vậy, bố mẹ hãy học cách hiểu ngôn ngữ của con bằng cách phản ứng lại với tiếng khóc của bé. Ví dụ bé khóc vì đến giờ bú sữa, mẹ hãy nói rằng “Con đói rồi à, mẹ đây, mẹ đây”. Chỉ cần những câu nói đơn giản thế thôi nhưng bé sẽ cảm thấy mình được thấu hiểu, nhờ thế mà an tâm và bình tĩnh hơn rất nhiều.
“Trò chuyện” với bé
Những bé chưa biết nói đương nhiên là chưa thể nói chuyện với bố mẹ được nhưng sự thực là bé vẫn có ngôn ngữ của riêng mình. Bé có thể phát ra những âm thanh ê a trong miệng để thể hiện “ý kiến” của mình. Bằng cách thường xuyên nói chuyện với bé, bé sẽ dễ dàng nhận biết âm thanh và tăng vốn từ vựng hàng ngày.
Bạn có thể liên tưởng đến cách học tiếng Anh mà nhiều người vẫn áp dụng hiện nay đó là nghe thật nhiều, thật nhiều để hiểu, sau đó mới học cách phát âm – đây thực chất là cách học nói của những đứa trẻ. Bởi vậy, mỗi sáng thức dậy, bố mẹ hãy dành thời gian nói chuyện với bé. Bắt đầu với những câu nói bâng quơ như “ Hôm nay trời nắng đẹp, mẹ bế cục cưng ra phơi nắng nhé” hay như “ Bé có yêu mẹ không?”… vừa giúp mẹ và bé gần gũi nhau hơn vừa giúp bé học từ tốt hơn.
Tạo môi trường giao tiếp cho bé
Một môi trường với nhiều cuộc hội thoại và âm thanh chắc chắn là là môi trường lý tưởng để bé có thể tập nói nhanh hơn. Mẹ nên nhớ rằng một đứa trẻ có thể lắng nghe và hiểu âm thanh xung quanh trước cả khi bé có thể nói được. Mẹ không cần phải bắt con nói một cách chính xác. Chỉ cần mẹ nói đúng, bé sẽ dần dần học theo và nói đúng. Đừng bao giờ nói ngọng với bé nếu không muốn lớn lên bé bị ngọng mẹ nhé!
Dùng hành động để mô tả lời nói
Tất nhiên, bé sẽ không thể “nói chuyện” thực sự được mà sẽ chỉ ê a hoặc múa chân múa tay. Vì vậy, mẹ cũng có thể đáp lại hành động của bé bằng cách vừa nói chuyện vừa hoa chân múa tay để thể hiện ý mà mình muốn nói. Việc kết hợp hành động và lời nói sẽ giúp bé dễ “thuộc bài” hơn. Lần sau chỉ cần hành động như thế, bé sẽ nhớ ra câu mà mẹ định nói.
Mô tả những hành động của con
Mẹ nên nói chuyện với bé tất cả những lúc có thể. Trước khi làm một hành động gì cho bé, mẹ có thể mô tả những gì sắp diễn ra. Ví dụ nếu cho bé đi tắm, mẹ có thể nói với bé rằng “Bây giờ mình đi tắm cho sạch nhé!”. Nếu cho bé uống sữa hãy nói rằng “Bây giờ mẹ đi pha sữa cho con nhé, đợi mẹ một chút nhé!” hoặc “Uống sữa nào con yêu!”… Việc gắn câu nói với những hành động quen thuộc sẽ giúp bé dễ dàng hình dung ra ý nghĩa của ngôn từ.
Kể chuyện và hát
Có thể nói, bất kỳ một đứa trẻ nào cũng trải qua tuổi thơ với những câu hát ru ngọt ngào của mẹ và bà, những câu chuyện cổ tích với hoàng tử và công chúa. Những câu chuyện hay những bài hát không chỉ đơn giản để bé ngủ ngon hơn, chơi ngoan hơn mà còn rất quan trọng đối với quá trình tập nói của bé. Những câu chuyện giúp bé sử dụng từ ngữ và câu một cách tốt hơn, trong khi việc lặp đi lặp lại từ trong bài hát giúp bé ghi nhớ từ. Mỗi khi kể chuyện hoặc hát cho con nghe, mẹ nên kết hợp với những động tác dễ thương, ngộ nghĩnh để làm bé thích thú hơn.
Chơi trò chơi cùng bé
Bởi còn nhỏ nên bé sẽ không thể chơi được những trò phức tạp nhưng chỉ cần những trò chơi đơn giản với câu hỏi “Đây là cái gì?”… “Thế còn đây là gì?” là đủ để bé có thể tăng khả năng nhận biết và gọi tên đồ vật. Đối với những trẻ lớn hơn, mẹ có thể thử trò phức tạp hơn như “Những gì xảy ra tiếp theo?”. Bạn kể cho bé nghe một câu chuyện hay một tình huống và hỏi bé xem chuyện gì có thể xảy ra tiếp theo trong câu chuyện.
Những mẹo nhỏ trên đây tuy rất đơn giản nhưng lại vô cùng hiệu quả để mẹ có thể giúp bé học nói nhanh hơn.
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam