Đánh giá thiết kế Realme Pad
Pad có lớp khung được làm từ hợp kim nhôm, trông khá là cao cấp. Thân máy dày 6,9 mm và nặng 440 gram, cũng khá nhẹ. Màn hình có viền trông khá dày ảnh hưởng một chút đến vẻ ngoài nhưng trái lại nó khiến việc cầm máy dễ dàng hơn, hạn chế việc lòng bàn tay vô tình chạm vào màn hình. Trọng lượng nhẹ giúp nó cũng dễ dàng để cầm bằng một tay, tốt cho những người hay đọc báo, duyệt web, xem video.
Khi cầm ngang máy, sẽ có 4 loa ở hai cạnh, phím nguồn đặt ở bên trái và bên phải là cổng sạc Type-C, trên cùng là nút chỉnh âm lượng, hai lỗ micro và khe cắm nano-SIM, thẻ nhớ microSD. Cổng 3.5mm để cắm tai nghe được đặt ở góc dưới cùng bên phải, thiết kế này hơi bất tiện vì khi bạn cầm ngang màn hình sẽ hơi vướng.
Ở mặt sau, Pad có một đường viền mảnh chạy dài thân máy và camera tạo điểm nhấn. Góc dưới là logo Realme.
Nhìn chung về mặt thiết kế có thể nói Realme Pad trông khá tối giản, không có nhiều yếu tố hào nhoáng, thanh lịch nào. Máy có 2 phiên bản màu là Xám và Vàng để bạn lựa chọn.
Chất lượng màn hình
Màn hình của Pad là màn LCD WUXGA + (2000 x 1200 pixels) kích thước 10,4 rộng rãi để thưởng thức các nội dung. Mặc dù chất lượng của tấm nền AMOLED không có tần số quét cao cũng như không hỗ trợ HDR nhưng màu sắc hiển thị ở đây rất tốt, rực rỡ và cũng đủ sáng để sử dụng ngoài trời. Trong phần cài đặt màn hình, bạn có thể chọn giữa 3 chế độ là Dark Mode, Night Light và Reader Mode để phù hợp với nội dung mình đang xem.
Điểm yếu của màn hình này là nó rất dễ bám vân tay vì vậy trong quá trình sử dụng bạn gần như phải lau màn hình thường xuyên. Mặt khác, có nhiều phản hồi cho rằng cảm biến ánh sáng của nó hơi có vấn đề, thường hay tự động thay đổi cường độ sáng. Do đó để hạn chế lỗi này bạn nên tắt độ sáng tự động đi và cài đặt thủ công. Tuy không phải là lỗi lớn nhưng thiết nghĩ Realme vẫn nên giải quyết vấn đề này.
Phần mềm
Máy tính bảng Realme Pad chạy trên nền tảng Realme UI được thiết kế dựa trên Android 11 nhưng cái khó hiểu là không có bloatware nào trên máy. Có lẽ Realme chưa kịp cập nhật chăng?
Về tính thực dụng, Pad có thể chạy hai ứng dụng cùng nhau ở chế độ chia đôi màn hình, rất thích hợp để xử lý công việc và học tập online. Một tính năng tiện dụng khác là Google Kids Space, cho phép bạn thiết lập profile dành riêng cho con nhỏ, kiểm soát các nội dung mà chúng xem với Family Link.
Sau khi đã thiết lập các quy tắc, giao diện màn hình chính sẽ đổi thành giao diện sáng sủa, thân thiện với trẻ em và chúng chỉ có thể truy cập vào các nội dung phù hợp lứa tuổi bao gồm video, sách, game… Phần mềm này cũng cho phép cha mẹ giám sát thời gian sử dụng của trẻ, và không cần phải nói, nó cực kỳ hữu ích.
Hiệu suất sử dụng và thời lượng pin
Cung cấp sức mạnh cho Realme Pad là con chip Helio G80 SoC của MediaTek. Đây là chípet 8 nhân 12nm ra mắt năm ngoái trên mẫu smartphone Realme Narzo 10 với 2 nhân hiệu năng cao Cortex-A75 xung nhịp 2.0GHz và 6 nhân Cortex-A55 xung nhịp 1.8GHz. Hiệu suất của nó đã được chứng minh là chơi game tốt trong tầm giá nên việc sử dụng Pad hàng ngày sẽ không có vấn đề gì.
Dung lượng RAM có 2 tuỳ chọn là 3GB hoặc 4GB và phiên bản nào thì nó cũng hoạt động khá trơn tru với các tác vụ như lướt web, đọc sách, video call, nội dung OTT (Over-The-Top). Mặc dù nếu chạy ẩn quá nhiều tác vụ thì đôi lúc bạn sẽ thấy hiện tượng lag giật khi cuộn nhưng đây cũng không phải lỗi nghiêm trọng gì.
Với 4 loa (2 loa 2 bên) hỗ trợ Dolby Atmos, lượng âm thanh mà Pad có thể tạo ra là rất lớn, nó cực kỳ hữu ích khi mà ngày nay chúng ta cần sử dụng đến máy tính bảng để làm việc, học tập online. Mặc dù chất lượng âm thanh chưa thể nói là đỉnh cao nhưng chỉ cần to, rõ là đã tỏ ra hữu ích rồi.
Camera của Pad không có nhiều điểm đáng chú ý, nhưng camera ở mặt trước có độ phân giải 8MP với độ rõ nét rất cao. Realme đã đánh vào tâm lý của người dùng khi mà ngày nay việc sử dụng đến camera trước gần như là bắt buộc.
Về kết nối, Pad hỗ trợ Wi-Fi băng tần kép, Bluetooth 5, GPS và 4G.
Pin 7100mAh của Realme Pad có thời lượng sử dụng khá lâu. Thường thì những người có máy tính bảng có xu hướng sử dụng chúng không quá thường xuyên, chẳng hạn khi cần xem nội dung với màn hình lớn như video, đọc báo thì người ta mới dùng đến chúng còn không thì smartphone vẫn thuận tiện hơn. Nếu mục đích sử dụng của bạn tương tự, thì chiếc tablet này có thể phải 2 – 3 ngày mới cần sạc lại. Còn hiện tại, khi mà hầu hết phụ huynh đều mua máy tính bảng để trẻ học online thì Pad chí ít cũng có thể trụ được một ngày với tần suất sử dụng sáng-chiều-tối. Bộ sạc 18W đi kèm với nó cũng hỗ trợ sạc nhanh chỉ cần 3 giờ là đầy và bản thân máy cũng hỗ trợ công nghệ sạc ngược.
Giá bán Realme Pad bao nhiêu?
Máy tính bảng Realme Pad xuất xưởng cũng với hai phiên bản là Wi-Fi và Wi-Fi + LTE, trước mắt nó có 3 phiên bản:
- Phiên bản Realme Pad only Wi-Fi, RAM 3GB, ROM 32GB khoảng 4,3 triệu đồng
- Phiên bản Realme Pad Wi-Fi + LTE, RAM 3GB, ROM 32GB khoảng 4,9 triệu đồng
- Phiên bản cao nhất Realme Pad Wi-Fi + LTE, RAM 4GB, ROM 64GB giá khoảng 5,6 triệu đồng
Mức giá của Realme Pad có thể nói là rẻ giật mình, nhất là khi mà nó sở hữu cấu hình cũng ngang ngửa chiếc Samsung Galaxy Tab A7 2020 (6,9 triệu đồng). Mặc dù vẫn có một số khuyết điểm nhưng nhìn chung Pad đáp ứng hầu hết yêu cầu của người dùng về một chiếc máy tính bảng giá rẻ: thiết kế cao cấp, trọng lượng nhẹ, hiệu suất tốt, màn hình khá, âm thanh to và thời lượng pin dài. Nên nếu có gọi Realme Pad là ‘hắc mã’ ở phân khúc giá rẻ thì nó cũng hoàn toàn xứng đáng.
Nếu đang tìm kiếm một chiếc máy tính bảng để sử dụng trong bối cảnh xã hội hiện nay thì Realme Pad chắc chắn sẽ là một gợi ý hàng đầu dành cho bạn.