Thiết kế
Khi ra mắt Tecra Z40, Toshiba quảng cáo rằng đây là một mẫu laptop rất bền bỉ, song lại rất nhẹ và mỏng với đối tượng nhắm tới là người dùng doanh nhân cần phải di chuyển nhiều. Nhờ có thiết kế khung ma-giê và cấu trúc “tổ ong” bên trong, máy không chỉ nhẹ mà còn rất bền bỉ.
Trong trải nghiệm sử dụng thực tế của LaptopMag, thân khung ma-giê của Tecra Z40 giúp máy trở nên chắc chắn và cũng không gặp hiện tượng bám vân tay. Đây là một điểm cộng đáng kể do ngay cả lớp vỏ hơi sần của ThinkPad T431 vẫn bám vân tay.
Phần nắp đậy bàn phím và các bộ phận phía dưới đều có lớp vỏ có vân, trong khi phần viền màn hình được tạo thành bởi nhựa xỉn.
Pointing stick của Tecra Z40 nằm ngay phía dưới phím G và H, trong khi đầu đọc vân tay nằm phía dưới touchpad. Phần dưới của máy có bộ phận để nối vào dock.
Với cân nặng 1,47 kg, Tecra Z40 nhẹ hơn cả ThinkPad T431 của Lenovo (1,54 kg) và Latitude 6430 của Dell (1,81 kg). Với kích cỡ 33,79 x 23,62 x 2,03 cm, Tecra Z40 lớn hơn ThinkPad T431 đôi chút song lại có kích cỡ khá tương đồng với Latitude 6430.
Nhìn chung, bạn có thể thoải mái cầm máy bằng một tay; thân máy bằng ma-giê tuy không nổi bật nhưng cũng khá hấp dẫn theo phong cách lịch lãm.
Độ bền và khả năng chịu nhiệt
Tuy không phải là một chiếc laptop được thiết kế để chống chọi với môi trường khắc nghiệt song Tecra Z40 vẫn bền bỉ hơn rất nhiều mẫu laptop khác. Theo tuyên bố của Toshiba, phần khung Touch Body của Tecra Z40 có thể chịu được lực tương đương 10G (G: trọng lực) khi đang vận hành và 60G khi đã tắt máy. Phần khung bên trong có thiết kế “tổ ong” giúp hấp thụ nhiệt tốt hơn.
Tecra Z40 cũng sở hữu công nghệ EasyGuard được chứng nhận HALT, giúp cho các linh kiện như ổ cứng và màn hình có thể chống chọi với lực tác động tốt hơn. Chứng nhận HALT (Highly Accelerated Lifestyle Test, tạm dịch: Bài kiểm tra sử dụng tốc độ cao) là một phương pháp thử nghiệm khả năng chịu lực trong quá trình thiết kế kỹ thuật, với mục đích phát hiện ra lỗi trước khi máy được sản xuất.
Tecra Z40 cũng được thiết kế để hoạt động trong thời tiết khắc nghiệt: từ 5 độ C tới 35 độ C. Khi được tắt, Tecra Z40 có thể chịu đựng nhiệt độ từ 20 đến 65 độ C.
Màn hình
Màn hình của Tecra Z40 có độ lớn 14 inch và độ phân giải 1366 x 768 pixel. Chất lượng màn hình của phiên bản thử nghiệm (1299 USD) chỉ ở mức chấp nhận được, nếu không muốn nói là kém: trong khi hình ảnh khá rõ ràng, màn hình hơi tối và chất lượng màu không tốt. Độ phân giải 1366 x 768 pixel là khá thấp cho mức giá 1300 USD. Nếu muốn mua phiên bản có độ phân giải 1600 x 900 pixel, bạn sẽ phải bỏ ra thêm 30 USD (khoảng 630.000 đồng).
Khi so sánh trailer bộ phim X-Men: Days of Future Past giữa Tecra Z40 và Latitude 6430u, có thể thấy rằng hình ảnh trên Tecra Z40 không sống động bằng. Ví dụ, khi pause trên khung hình khuôn mặt nhân vật Mystique, màu da xanh của dị nhân này trông hơi nhợt nhạt. Thật may mắn, mức độ chi tiết của hình ảnh trên 2 model là ngang bằng nhau.
Trên thang điểm đo độ sáng, Tecra Z40 chỉ đạt 169 lux. Màn hình của Latitude 6430 sáng gần gấp đôi: 295 lux. Mẫu Lenovo ThinkPad T431s không sáng bằng Latitude song cũng tốt hơn Tecra Z40 rất nhiều: 202 lux, gần ngang với mức trung bình 210 lux của dòng máy 14 inch. ThinkPad T431 cũng có độ phân giải mặc định 1600 x 900 tốt hơn nhiều so với Tecra Z40.
Âm thanh
Bạn không nên trông chờ quá nhiều vào bộ loa đặt phía dưới thân Tecra Z40. Khi chơi bản nhạc The Funeral của Band of Horses, Tecra Z40 cho ra âm thanh quá nhỏ và nông. Latitude 6430u cho ra âm thanh rõ ràng và được cân bằng tốt hơn nhiều. Trong khi các mẫu laptop được LaptopMag thử nghiệm có âm lượng trung bình là 84 decibel, Tecra Z40 chỉ đạt 79 decibel.
Bàn phím
Tecra Z40 có bàn phím khá rộng rãi, theo phong cách Chiclet (phím vuông, góc bo tròn) quen thuộc. Bàn phím của Tecra Z40 có khả năng chống nước và có đèn chiếu sáng. Giống như phần lớn các máy Toshiba khác, bàn phím của Tecra Z40 có chiều dài hơi ngắn.
Nhìn chung, trải nghiệm bàn phím của Tecra Z40 không thoải mái bằng Latitude 6430u. Các phím có vẻ “cứng” hơn, và độ sâu phím nhấn không bằng. Tốc độ thử nghiệm gõ phím trung bình của Tecra Z40 đạt 51 từ/phút, trong khi trên Latitude là 59 từ/phút.
Accupoint và touchpad
Giống như các model laptop doanh nhân khác, Tecra Z40 sở hữu pointing stick ngay giữa phím G và phím H. 2 phím chuột cho pointing stick nằm ngay dưới nút cách trống, do đó bạn có thể dễ dàng sử dụng ngón cái để bấm 2 nút này khi sử dụng pointing stick. Rất tiếc, 2 phím này hơi cứng khiến trải nghiệm nhấn phím trở nên khá khó chịu.
Pointing stick mang thương hiệu Accupoint của Toshiba có vân trên bề mặt, giúp bạn có thể điều hướng dễ dàng, song có thể khiến tay bạn khó chịu. Thật may mắn là chiếc pointing stick này không bị chìm xuống bàn phím như các model của Dell và HP.
Touchpad có kích cỡ 10 x 5,7 cm của Tecra Z40 khá rộng rãi và đủ nhạy để tạo ra trải nghiệm cuộn chuột dễ chịu. Ngăn cách giữa touchpad và 2 nút chuột touchpad là một đường phân cách rất khó nhận biết. 2 nút chuột hoạt động rất tốt.
Đầu quét vân tay và bảo mật
Tecra Z40 có máy quét vân tay ngay bên dưới touchpad, cho phép bạn đăng nhập vào máy tính, vào các trang web và bảo vệ các file của mình.
Quá trình cài đặt cho bộ phận bảo mật vân tay cũng rất đơn giản: bạn sẽ nhập vào lần lượt từng ngón tay, tối đa là 10 ngón. Màn hình cài đặt của Tecra Z40 sẽ hướng dẫn cho bạn cách quét vân tay “đúng kiểu” để đọc dữ liệu một cách chính xác nhất. Sau khi thử quét một vài lần, Tecra Z40 sẽ cho phép bạn quét vân tay 4 lần để lưu lại dữ liệu.
Trên màn hình đăng nhập, chỉ cần quét vân tay là bạn có thể bỏ qua mật khẩu. Bạn cũng có thể lưu lại mật khẩu lên các trang web như Facebook bằng cách bật add-on Fingerprint Utility của Toshiba trên Internet Explorer.
Toshiba cũng cung cấp thêm một vài tính năng bảo mật, ví dụ như TPM để mã hóa dữ liệu hoặc SmartCard để bảo vệ thông tin . Với nhiều lớp bảo mật, bạn có lẽ sẽ không phải lo lắng về độ an toàn của thông tin lưu trên Tecra Z40.
Tỏa nhiệt
Theo Toshiba, nhờ có công nghệ Airflow II, Tecra Z40 sẽ giữ được nhiệt độ thấp ngay cả khi chạy các tác vụ nặng nhất. Hệ thống Airflow II bao gồm một ống tản nhiệt thứ hai nằm bên cạnh quạt tản nhiệt, cho phép tản nhiệt đều trên các vùng khác nhau của phần dưới thân máy. Công nghệ này sẽ giúp tránh tình trạng một khu vực bị tập trung quá nhiều nhiệt trên thân máy.
Trong thử nghiệm của LaptopMag, Tecra Z40 tản nhiệt khá tốt. Khi chơi video toàn màn hình trong vòng 15 phút, touchpad chỉ đạt nhiệt độ 26 độ C, trong khi phía dưới thân máy đạt 29,5 độ C. Chỉ có bộ phận gần khe tỏa nhiệt ở phía dưới máy có thể làm bạn khó chịu, với nhiệt độ trên 35 độ C.
Cổng
Dù máy rất mỏng và nhẹ, Toshiba đã không loại bỏ bất kì cổng kết nối cần thiết nào cả. Theo công ty, việc giữ lại các cổng kết nối cũ kỹ là rất phù hợp cho môi trường tại nhiều công ty khác nhau. Máy có cổng VGA, HDMI, khe cắm thẻ SD, một cổng USB ở phía bên phải; bên trái có khe cắm headphone, 2 cổng USB 3.0, khe cắm dây mạng (Ethernet), khe cắm sạc và khe cắm khóa kensington ở phía bên trái.
Camera
Webcam 2.0MP của Tecra Z40 tạo ra hình ảnh màu sắc, song lại rất mờ. Khi gọi video qua Skype, các biên tập viên của LaptopMag có thể nhận rõ sắc đỏ trên tóc và màu da có vẻ khá chính xác. Tuy vậy, hình ảnh lại không sắc nét và có quá nhiều nhiễu.
Hiệu năng
Nhờ có vi xử lý Core i5 4300 Haswell xung nhịp 1,9 GHz và 8GB RAM, Tecra Z40 có hiệu năng rất tốt khi sử dụng hàng ngày. Bạn có thể chạy 7 chương trình cùng lúc và xem video một cách mượt mà.
Rất tiếc, kết quả benchmark lại không quá khả quan. Tecra Z40 có điểm 2.542 trên PC Mark 7, thấp hơn rất nhiều so với trung bình 3.445 của phân khúc laptop mỏng, nhẹ. Dell Latitude 6430 với vi xử lý Core i5 thế hệ cũ (3427U) tốc độ 1,8GHz và 8GB RAM đạt điểm số gấp đôi Tecra Z40: 5065. ThinkPad T431 cũng sử dụng Core i5 3427U xung nhịp 1,9GHz, song lại chỉ đạt 2884 điểm.
Nhìn chung, trong khi Tecra Z40 chạy khá nhanh trong trải nghiệm sử dụng hàng ngày, thời gian khởi động của máy rất lâu. Tecra Z40 mất tới 49 giây để khởi động Windows 7 Professional, gần gấp đôi con số trung bình 28 giây của các mẫu laptop mỏng nhẹ.
Ổ cứng 320 GB tốc độ 7200 vòng xoay/phút của Tecra Z40 có thể copy 4,97 GB dữ liệu trong vòng 3 phút 43 giây, tương đương với 23MB/giây. Nhờ sử dụng ổ thể rắn, Latitude 6430 chỉ mất có 32 giây (159MB/giây). Ổ cứng Hitachi của ThinkPad T431 cũng đạt 43,1MB/giây.
Trong thử nghiệm OpenOffice Spreadsheet, Tecra Z40 có khả năng ghép 20.000 tên vào địa chỉ trong vòng 4 phút 45 giây. Con số này tích cực hơn rất nhiều so với mức trung bình 6 phút 22 giây của hạng mục laptop nhỏ nhẹ, và cũng vượt cả Latitude 6430 (5 phút 11 giây) và ThinkPad T431s (5 phút 13 giây).
Đồ họa
Đồ họa tích hợp Intel HD Graphics 440 của Tecra Z40 là đủ để xem video và ảnh độ phân giải cao, song bạn cũng không nên hi vọng sẽ chơi được game “đỉnh” trên chiếc laptop này. Khi chơi game online nổi tiếng World of Warcraft ở độ phân giải 1366 x 768 pixel, Tecra Z40 phải rất khó khăn mới giữ được ở mức chấp nhận được (30 khung hình/giây). Khi bạn bật các tùy chọn đồ họa cao cấp hơn, số khung hình/giây giảm xuống chỉ còn 17.
Trong thử nghiệm 3DMark, Tecra Z40 đạt 869 điểm, kém mức trung bình 963 điểm. ThinkPad T431 chỉ đạt 530 điểm, trong khi Latitude 6430u chỉ đạt 661 điểm.
Thời lượng pin
Trong thử nghiệm LAPTOP (lướt web qua Wi-fi, độ sáng màn hình 40%) của LaptopMag, pin 4-cell của Tecra Z40 có thể đạt thời lượng lên tới 9 giờ 28 phút. Thời lượng pin này tốt hơn rất nhiều so với trung bình 6 giờ 28 phút và cũng vượt quá con số 7 giờ 07 phút của Latitude 6430u và 6 giờ 59 phút của ThinkPad T431. Tuy vậy, cần phải lưu ý rằng độ sáng màn hình của Tecra Z40 thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ cạnh tranh, do đó so sánh thời lượng pin giữa các model này là không thực sự khách quan.
Phần mềm và bảo hành
Toshiba cũng cung cấp ứng dụng Toshiba Assist bao gồm nhiều công cụ kiểm tra tình trạng máy và cho phép bạn tối ưu một số cài đặt. Ví dụ, bạn có thể tùy chỉnh chuột, touchpad và bật ứng dụng kiểm soát nguồn điện.
Ứng dụng Until AM có thể hơi gây khó chịu cho bạn, song đây vẫn là một ứng dụng hữu ích: ứng dụng này cho phép bạn lấy bất kì bài nhạc nào từ SoundCloud, Google Drive hoặc từ máy vi tính lên bàn DJ “ảo”.
Tecra Z40 được bảo hành 3 năm.
Các phiên bản Tecra Z40
Tecra Z40 có rất nhiều phiên bản. Phiên bản đắt nhất của Tecra Z40 có giá 1429 USD (giá gốc tại Mỹ, tương đương 30,2 triệu đồng) với vi xử lý Core i7 4600U, 8GB RAM, ổ cứng 500GB 7200rpm. Máy được cài sẵn Windows 7 Professional, song cũng có bản quyền Windows 8.1 Pro.
Model được thử nghiệm có giá 1299 USD, vi xử lý Intel Core i5 4300, 8GB RAM và ổ cứng 320GB. Cũng như phiên bản đắt tiền nhất, máy có cả Windows 7 Professional và Windows 8.1 Pro.
Toshiba cũng tung ra 2 phiên bản giá thấp hơn: phiên bản khởi điểm có giá 799 USD (16,9 triệu đồng, giá gốc tại Mỹ) với vi xử lý Core i3 4010U, 4GB RAM và ổ cứng 500GB cài đặt sẵn Windows 7 (không có 8.1). Phiên bản 1099 USD (23,2 triệu đồng, giá gốc tại Mỹ) có vi xử lý Core i5 4300U, 4GB RAM, ổ cứng 320GB và có cả Windows 7 Pro và Windows 8.1 Professional bản quyền.
Nhìn chung, bạn nên lựa chọn ổ cứng thể rắm 128GB (thêm 55 USD – 1,2 triệu đồng) hoặc 256GB (thêm 180 USD – thêm 3,8 triệu đồng). Ngoài ra, lựa chọn màn hình độ phân giải 1600 x 900 (thêm 30 USD – 6,4 triệu đồng).
Nhận định chung
Với mức giá 1.229 USD, phiên bản Tecra Z40 được LaptopMag thử nghiệm có điểm mạnh là thiết kế nhẹ, vững chắc, thời lượng pin rất tốt và bộ phận quét vân tay chất lượng cao. Tuy vậy, màn hình quá tối của Tecra Z40 lại là một điểm yếu rất đáng chê trách, chưa kể tới các phím bấm lại có kích cỡ quá nhỏ. Ở mức giá này, Toshiba cũng nên sử dụng ổ cứng thể rắn thay cho ổ cứng cơ học thông thường.
Nhìn chung, trong tầm giá của Tecra Z40, bạn nên lựa chọn Dell Latitude 6430u. Model này có vi xử lý thế hệ cũ, nhưng lại có màn hình sáng hơn và ổ cứng thể rắn giúp tăng đáng kể hiệu năng xử lý. Lenovo ThinkPad T440s cũng là một lựa chọn sáng giá hơn so với Tecra Z40 nhờ bàn phím chất lượng cao và màn hình sắc nét hơn (1600 x 900), sáng hơn. Nói tóm lại, Tecra Z40 vẫn là một chiếc laptop có chất lượng tốt, song với cùng chi phí, bạn có nhiều lựa chọn sáng giá hơn.
Theo LaptopMag