Càng ngày, cuộc đua Ultrabook (laptop siêu mỏng, nhẹ chạy vi xử lý Intel) càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Cả HP, Dell, Samsung lẫn Sony đều cố gắng tạo ra một sản phẩm có thể đánh bại MacBook Air ngay trong cuộc chơi do chính Apple khởi xướng. Trong số các nhà sản xuất nổi tiếng, có vẻ như chỉ mình Toshiba bị bỏ ngoài cuộc: nhà sản xuất Nhật Bản cho ra mắt quá nhiều các sản phẩm tầm trung kém ấn tượng.
Chiếc Kirabook (mang tên gọi Kira-101 tại một số thị trường) là nỗ lực mới nhất của Toshiba nhằm cải thiện vị thế của mình. Đây là sản phẩm đầu tiên trong dòng sản phẩm Kira mới của Toshiba với những ấn tượng ban đầu vô cùng hấp dẫn: thân hình cấu tạo bằng kim loại, màn hình 2560 x 1440 pixel và vi xử lý Core i7. Điểm kém hấp dẫn nhất của Kirabook là mức giá khá cao: 1400 USD, tương đương khoảng 29 triệu đồng.
Hãy cùng đến với những nhận định chi tiết của Trusted Reviews về chiếc Ultrabook “đỉnh” nhất của Toshiba này.
Thiết kế
Kirabook có thiết kế thuộc vào đẳng cấp Ultrabook cao cấp, song không có gì đột phá. Thân máy chỉ sử dụng các chất liệu kim loại với bề mặt được đánh bóng. Vỏ bọc của máy sử dụng ma-giê thay vì chất liệu nhôm quen thuộc, giúp cho Kirabook trở nên cứng cáp hơn, nhẹ cân hơn và khó bị xước hơn.
Ma-giê là chất liệu chủ đạo trên Kirabook, và thật may mắn chất liệu này tương phản rất tốt với các phím màu đen và phần viền máy màu tối. Nắp máy cũng toát lên vẻ sang trọng, trong đó chi tiết đáng chú ý nhất là logo Toshiba màu sáng.
Thân của Kirabook được trang bị cấu trúc “tổ ong” giúp đảm bảo độ bền mà không gia tăng cân nặng cho thân máy. Phần thân phía dưới của máy rất cứng cáp, song phần để tay có độ cứng chưa đồng đều. Cụ thể hơn, trong khi lớp vỏ kim loại gần như không bị móp xuống khi nhấn, phần thân bên phải lại tạo ra tiếng click rất kỳ lạ. Viền màn hình là bộ phận yếu nhất trong lớp vỏ của Kirabook: các cạnh sẽ bị cong khi nhấn làm nhiễu hình ảnh trên màn hình. Trong khi phần lớn các mẫu laptop trên thị trường đều bị hiện tượng này, mức độ nhiễu hình ảnh của Kirabook trầm trọng hơn các laptop khác.
Thiết kế của Kirabook còn một điểm yếu khác: trong khi bạn có thể nói rằng Kirabook là một mẫu laptop có dáng hình khá tinh tế và thông minh, sản phẩm của Toshiba cũng chỉ là một trong số rất nhiều các model laptop với thân bằng kim loại bóng, cạnh phía trước bo tròn và các viền màu đen. Kirabook cũng không phải là model laptop đầu tiên “học hỏi” từ thiết kế của MacBook Air.
Ngoài ra, rất nhiều chi tiết thiết kế khác của Kirabook cũng sẽ khiến người dùng không hài lòng: các đường viền, vân chất liệu trên thân máy quá lớn và rõ ràng, có thể gây rối mắt trong quá trình sử dụng, chưa kể cạnh trước của thân máy còn sắc tới mức khó chịu. Ở bên phải phần để tay là 4 logo nối tiếp nhau, tạo ra cảm giác kém sang trọng hơn hẳn so với MacBook Air.
Toshiba đã sử dụng viền kim loại bóng xung quanh touchpad của Kirabook nhằm tăng tính cao cấp của thiết kế, song chi tiết này đã bị quá nhiều model laptop giá rẻ lạm dụng và trở thành “phản tác dụng” trên Kirabook. Tất cả các điểm yếu này đều khá nhỏ, song tổng thể chúng tạo thành một chiếc Kirabook có thiết kế dù cao cấp nhưng vẫn đáng thất vọng.
Với độ dày 21,5mm ở vị trí dày nhất (giảm xuống còn 4mm ở cạnh trước), Kirabook vẫn dày hơn cả MacBook Air, chiếc Vaio Pro 13 của Sony và chiếc Ativ Book 9 Plus của Samsung. Cân nặng 1,35kg của Kirabook ngang bằng với MacBook Air song lại lớn hơn nhiều so với mức 1,06kg của Vaio và mức 1,36kg của Ativ.
Màn hình
Độ phân giải 2560 x 1440 pixel của Kirabook hoàn toàn vượt trội so với MacBook Air, do sản phẩm laptop siêu mỏng của Apple hiện vẫn chưa được nâng cấp lên chuẩn Retina. Màn hình của chiếc Vaio Pro 13 chỉ có độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixel, trong khi Ativ Book 9 vượt lên dẫn đầu với màn hình độ phân giải 3200 x 1800 pixel – hiện vẫn đang là độ phân giải cao nhất trên một chiếc Ultrabook.
Cho dù vẫn thua kém Samsung song màn hình độ nét 221PPI của Kirabook vẫn có thể hiển thị chữ viết, hình ảnh và ứng dụng một cách cực kỳ sắc nét, miễn là các chi tiết đồ họa này được thiết kế để hiển thị tốt trên màn hình độ phân giải cao. Toshiba đã sử dụng các tùy chỉnh có sẵn của Windows 8.1 cùng các phần mềm của riêng mình nhằm tối ưu kích cỡ của các yếu tố đồ họa. Rất tiếc, giao diện các ứng dụng của bên thứ 3 vẫn chưa thực sự tương thích với độ phân giải quá cao này.
Ví dụ, giao diện của một vài ứng dụng trở nên tí hon, trong khi các ứng dụng khác lại hiển thị các ô chữ không chính xác. Các hình ảnh độ phân giải thấp và các font chữ nhỏ trên một số trang web sẽ trở nên xấu xí một cách rất rõ ràng trên màn hình của Kirabook. Đây là lỗi của Microsoft do chưa hỗ trợ tốt độ phân giải cao trên các dòng laptop độ phân giải quá cao, song cũng là một điểm yếu chưa được Toshiba khắc phục trên Kirabook.
Độ sáng đạt 253cd/m2 và độ sâu màu đen đạt 0,1cd/m2 là cực kỳ tuyệt vời: hình ảnh không chỉ sáng, màu sắc không chỉ rực rỡ mà màu đen còn xếp hạng “sâu nhất” trong tất cả các mẫu laptop mà TrustedReviews đã thử nghiệm.
Chỉ số Delta E đạt mức rất ấn tượng: 1,84 (càng gần 0 càng tốt). Điểm số này cho thấy Kirabook hiển thị chính xác tới 94% của dải màu chuẩn sRGB. Trong khi nhiệt độ màu chỉ đạt mức 7,075K, người dùng có thể dễ dàng thay đổi thông số này. Điểm yếu lớn nhất của màn hình Kirabook là góc nhìn hẹp và màn hình quá bóng.
Nhìn chung, màn hình của Kirabook chỉ xếp sau màn hình của Vaio Pro 13: Kirabook có chất lượng hiển thị tốt hơn chiếc Ativ Book 9 và cũng sắc nét hơn MacBook Air. Trong khi màn hình của chiếc Vaio không nhiều pixel như Kirabook, độ phân giải “chuẩn” 1080p có nghĩa rằng màn hình này sẽ không gặp phải các vấn đề định dạng trang web/đồ họa ứng dụng. Màn hình của Vaio Pro 13 cũng sáng hơn và có màu sắc chân thực hơn Kirabook.
Toshiba trang bị cho Kirabook bộ loa mang thương hiệu Harmon/Kardon. Bộ loa này có âm lượng đủ lớn cho một căn phòng nhỏ, song chất lượng lại chưa tốt như mong đợi.
Âm bass của Kirabook có sức đập tốt, song âm cao lại quá mỏng. Dải âm giữa bị các âm cao làm rối. Trong khi các âm trống trầm nghe khá ổn, các nốt sâu lại bị mất gần như hoàn toàn. Nhìn chung, loa của Kirabook không cân bằng hài hòa các dải âm như bộ loa trên MacBook Air.
Bàn phím và touchpad
Cũng giống như các model cạnh tranh, Kirabook có bàn phím Chiclet (phím vuông, góc bo tròn) quen thuộc. Bàn phím có đèn chiếu của Kirabook không chỉ đẹp mắt mà còn có bố cục rất hợp lý: các phím đen trở nên nổi bật trên thân kim loại, các nút có kích cỡ không quá nhỏ.
Mỗi phím trên bàn phím của Kirabook cũng có phần thân hơi lõm xuống nhằm tăng tính chính xác và mức độ thoải mái. Nhờ có lớp khung “tổ ong”, bàn phím của Kirabook giữ được phần nền rất chắc chắn, không bị lún khi nhấn nút.
Song, bàn phím của Kirabook lại mắc một số điểm yếu khá trầm trọng: các phím có độ nhấn không sâu, và do đó thiếu phản hồi lực. Phím cách trống cũng thỉnh thoảng không nhận tín hiệu. Tất cả các điểm yếu này khiến cho Kirabook không thực sự là một chiếc laptop phù hợp cho người dùng cần làm việc trong thời gian dài.
Trong khi chất lượng bàn phím của Kirabook vẫn ở mức chấp nhận được, cả Vaio Pro 13 và Ativ Book 9 đều mang lại trải nghiệm bàn phím tốt hơn. Về chất lượng bàn phím, MacBook Air vẫn là “ông vua” của thị trường laptop siêu mỏng, siêu nhẹ.
Tương tự như vậy, touchpad của Kirabook đủ nhạy, nhận cử chỉ cảm ứng tốt và có 2 nút bấm rất “đã” tay, nhưng vẫn thua kém chất lượng touchpad gần như hoàn hảo trên MacBook Air.
Cổng kết nối
Số lượng kết nối có mặt trên Kirabook sẽ không khiến bạn phải thất vọng: 3 cổng USB 3.0, 1 cổng HDMI, đầu đọc thẻ SD và cổng tai nghe/microphone kết hợp. Máy không có cổng LAN, song lại có kết nối Wi-Fi siêu tốc 802.11ac và kết nối Bluetooth 4.0.
Hiệu năng
Kirabook được xây dựng để trở thành một cỗ máy di động có sức mạnh khủng khiếp, và vi xử lý Core i7-4500U là lựa chọn của Toshiba để đạt được mục đích này. Core i7-4500U là một trong các dòng vi xử lý siêu tiết kiệm điện năng mạnh mẽ nhất của Intel. Với 2 nhân 1.8GHz có hỗ trợ công nghệ siêu phân luồng Hyper Threading, vi xử lý i7 của Kirabook vượt xa chip i5 trên MacBook Air, Vaio Pro (phiên bản tầm trung) và hoàn toàn áp đảo chip AMD sử dụng trên chiếc Ativ Book 9.
Các thông số khác của Kirabook cũng rất hấp dẫn: 8GB RAM và ổ thể rắn 256GB. Thất vọng lớn nhất là chiếc Ultrabook này không sở hữu GPU Intel HD5000 mà chỉ có Intel 4400, vốn là một phiên bản cấp thấp hơn của đồ họa tích hợp Intel.
Dù sao, tốc độ của Kirabook vẫn là rất ấn tượng. Trên PCMark 7, Kirabook đạt 4.971 điểm, cao hơn tất cả các đối thủ cạnh tranh. Điểm số 5.424 của Kirabook trên Geekbench gấp đôi điểm số của chiếc Ative Book 9. Chỉ có duy nhất chiếc Zenbook UX302 của ASUS là nhanh hơn Kirabook dù cũng sử dụng chip Core i7.
Thử nghiệm ổ cứng của Kirabook cũng hết sức ấn tượng: tốc độ đọc đạt 506 MB/giây, tốc độ ghi đạt 449 MB/giây, tương đương với tốc độ ổ SSD trên MacBook Air. Kirabook được trang bị ổ SSD 256GB, tương đương với lựa chọn ổ cứng lớn nhất trên MacBook Air.
Ngay cả khi đã tắt tùy chọn khởi động nhanh Fast Startup của Windows 8, Kirabook cũng chỉ mất 13 giây để khởi động phiên bản Windows mới nhất, chậm hơn 3 giây so với MacBook Air và Ativ Book 9. Khi bật Fast Startup, Kirabook chỉ mất 8 giây để khởi động hệ điều hành!
Đồ họa
Trong thử nghiệm đồ họa Ice Storm của 3D Mark, Kirabook đạt 38.381 điểm, cao gấp đôi Vaio Pro 13 và hơn Ativ Book tới 13.000 điểm. Cần lưu ý rằng Ativ Book được tích hợp đồ họa Radeon của AMD.
Trong thử nghiệm CloudGate của 3DMark, Samsung rút ngắn được khoảng cách xuống còn 600 điểm: Kirabook đạt 4.626 còn Ativ Book đạt 4.008. Trong khi điểm benchmark của Kirabook rất ấn tượng, chiếc Ultrabook này cũng chỉ có thể chơi các game đỉnh, cũ ở các mức chất lượng trung bình hoặc kém.
Ví dụ, trên độ phân giải Full HD 1920 x 1080 pixel, game đua xe Dirt 3 đạt 36 khung hình/giây ở mức tùy chỉnh thấp (Low). Chiếc Ultrabook của Toshiba không thể chạy được Dirt 3 ở tùy chỉnh trung bình (Medium).
Tản nhiệt và tiếng ồn
Đi kèm với sức mạnh vượt trội của Kirabook là một điểm yếu không mấy dễ chịu: tiếng ồn từ quạt tản nhiệt.
Trong các thử nghiệm đòi hỏi sức mạnh, quạt của Kirabook phải rất khó khăn mới có thể tản nhiệt ở mức chấp nhận được. Bạn sẽ nhanh chóng nhận ra tiếng rít từ quạt tản nhiệt của Kirabook, bất kể là bạn đang ở trong phòng hay đang ngồi trong một hội trường ồn ào.
Thậm chí, quạt tản nhiệt của Kirabook còn gây tiếng ồn ngay cả trong các tác vụ nhẹ ký. Đi kèm với chiếc quạt kém ổn định này là quá trình tản nhiệt không hiệu quả, khiến cho thân dưới của Kirabook bị nóng. Điều này khiến cho trải nghiệm sử dụng Kirabook có thể trở nên khó chịu với người dùng.
Thời lượng pin
Dù tản nhiệt chưa tốt song Kirabook có thời lượng pin rất tốt. Trong thử nghiệm Powermark của Trusted Review, chiếc Ultrabook mạnh mẽ này đạt tới thời lượng pin 9 giờ 10 phút, cao hơn các sản phẩm cạnh tranh tới 3 phút. Trong khi chưa thể đạt tới mốc 10h của MacBook Air, con số của Kirabook vẫn là quá ấn tượng.
Trong thử nghiệm nặng ký Productivity trên Powermark với chiếc Kirabook hoạt động ở chế độ High Performance (Tối ưu hiệu năng), chiếc Ultrabook này đạt tới 9 giờ 27 phút, vẫn cao hơn 2 đối thủ Vaio Pro và Ativ Book 9.
Sau nửa giờ sạc pin, Kirabook đạt tới mốc 35%, tương đương với 3 giờ sử dụng. Một lần nữa, Kirabook lại vượt qua Vaio và Ativ, song vẫn kém hơn MacBook Air (40%).
Phần mềm
Tại Mỹ, Kirabook sẽ được bán với bản dùng thử Norton Internet Security trong vòng 2 năm. Chiếc Ultrabook này cũng sẽ được trang bị 2 phần mềm Photoshop Elements 11 và Premier Elements 11 miễn phí.
Kirabook cũng được cài đặt một số ứng dụng theo dõi tình trạng và cập nhật phần mềm trên máy. Công cụ của riêng Toshiba phát triển nhằm thay đổi kích cỡ chữ trên màn hình độ phân giải cao cũng sẽ được cài đặt sẵn.
Một số ứng dụng của bên thứ 3 như eBay, Evernote và The Telegraph cũng sẽ được cài đặt trên Kirabook. Bạn cũng có thể lựa chọn ứng dụng từ gian hàng Windows Store.
Điểm mạnh
– Màn hình độ phân giải cao, chất lượng hiển thị tuyệt vời.
– Vi xử lý Core i7 mạnh mẽ.
– Touchpad chất lượng tốt.
– Thời lượng pin hoàn hảo.
Điểm yếu
– Thiết kế không chau chuốt.
– Đồ họa tích hợp kém ấn tượng.
– Bàn phím chất lượng quá tệ.
– Các ứng dụng chưa hỗ trợ tốt cho độ phân giải cao.
– Giá cao.
Kết luận
Mức giá 1400 USD (gần 29 triệu đồng, giá gốc tại Mỹ) của Kirabook khiến cho chiếc laptop này vượt qua cả MacBook Air (giá khởi điểm tại Mỹ 900 USD/19 triệu đồng) và Vaio Pro 13 (giá gốc tại Mỹ cho phiên bản có cấu hình tương đương: 1300 USD/27,4 triệu đồng). Chiếc ATIV Book 9 Plus của Samsung là sản phẩm đắt nhất trong số các sản phẩm này: phiên bản Core i7 có giá gốc tại Mỹ lên tới 1800 USD (khoảng 38 triệu đồng).
Trong khi mức giá gần 30 triệu đồng của Kirabook sẽ là rào cản với rất nhiều người, trên một số khía cạnh Kirabook thực sự xứng đáng với tầm giá của mình: sức mạnh xử lý vượt trội, thời lượng pin ấn tượng, màn hình chất lượng cao với độ phân giải “khủng” hữu ích cho 1 số người dùng đồ họa.
Song, trên một số khía cạnh khác, Kirabook chưa thực sự xứng đáng với tầm giá và do đó sẽ thua kém các đối thủ cạnh tranh: bàn phím chất lượng chưa thảo mãn và quạt tản nhiệt quá ồn. Ngoài ra, vấn đề về thiết kế cũng là một điểm trừ cho Toshiba. Thay vì mang tới luồng gió mới cho danh mục laptop của Toshiba trong năm nay, thiết kế 1400 USD của Kirabook vẫn chưa thực sự sang trọng do có quá nhiều logo dán, các lỗ tản nhiệt thiếu thẩm mỹ và ngôn ngữ thiết kế nói chung quá thiếu sáng tạo.
Nhìn chung, Kirabook là một sản phẩm khá tốt, nhưng các điểm mạnh của máy vẫn chưa thực sự xứng đáng với tầm giá cao cấp như hiện tại. Ngay cả khi bạn không bị giới hạn về kinh phí, lựa chọn các model Vaio Pro 13 hoặc một phiên bản cấp thấp hơn của ATIV Book 9 cũng vẫn sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn. Nếu như Apple quyết định nâng cấp MacBook Air lên màn hình Retina trong năm nay, chiếc laptop siêu mỏng có gắn mác Quả táo sẽ là một lựa chọn tốt hơn chiếc Kirabook về mọi mặt.
Theo Vnreview/Trusted Reviews