Mẫu Latitude 6430u chúng tôi đánh giá lần này được trang bị màn hình 14 inch, độ phân giải 1.366 x 768 pixel, vi xử lý Intel Core i5-3427U tốc độ 1,8 GHz, bộ nhớ RAM 4 GB, ổ cứng SSD dung lượng 128 GB, chip đồ họa Intel HD Graphics 4000. Máy hiện được bán với giá khoảng 20 triệu đồng.
Dell Latitude 6430u
Ngoài phiên bản này, máy còn có phiên bản cấu hình cao hơn được trang bị bộ xử lý Intel i7-3667U tốc độ 2GHz, RAM 8GB, ổ SSD 256GB và đồ hoạ Intel HD 4000 được bán với giá khoảng 30 triệu đồng hoặc phiên bản thấp hơn CPU Intel Core i3-3217U tốc độ 1,8GHz, RAM 4GB, ổ SSD 64GB và đồ hoạ tích hợp Intel HD 4000 có giá chỉ 16 triệu đồng để người dùng dễ lựa chọn phù hợp nhu cầu.
Thiết kế
Dell Latitude 6430u có thiết kế vuông vức, đơn giản nhưng tinh tế mang phong cách của dòng máy doanh nhân. Các góc máy được bo tròn nhẹ nhàng. Toàn bộ lớp vỏ là chất liệu hợp kim ma-giê tạo cảm giác sang trọng và chắc chắn. Bề mặt trên được phủ lớp sơn màu đen xám, sờ vào có cảm giác mịn, không trơn, dù hơi dính vân tay nhưng cũng dễ lau đi. Đôi khi tôi vẫn nhận thấy những vết loang nhỏ khi ánh sáng chiếu vào, nhưng hiện tượng này không quá rõ rệt.
Logo Dell mạ crom sáng được gắn ở chính giữa nổi bật trên nền sơn tối màu. Góc dưới máy có 3 đèn Led nhỏ hiển thị trạng thái khi sử dụng. Rìa 2 cạnh bên và cạnh phía trước của bề mặt này đều được vát nhẹ.
Mặt trước sơn mịn, không trơn
Khi mở phần nắp lên, khu vực bên dưới chứa bàn phím và touchpad cũng có màu tối. Phần viền xung quanh bàn phím và chiếu nghỉ tay cũng được phủ lớp sơn xám đen mịn giống như mặt vỏ. Bàn phím dạng đảo (Island) có kích thước phím đầy đủ, ký tự trên các phím được in rõ ràng. Ở cạnh viền trên của bàn phím, hai góc mỗi bên có ba rãnh nhỏ là loa ngoài của máy, thiết kế này khiến chúng dễ bị bám bụi bẩn sau một thời gian sử dụng. Nút cứng để bật/tắt nguồn được đặt ở chính giữa, bên trái nút này có 3 nút cảm ứng để tắt, tăng, giảm âm thanh. Các nút cảm ứng này khá nhạy. Bên phải nút nguồn có biểu tượng của ổ đĩa, sạc pin và kết nối Wi-Fi. Tất cả các nút này đều có đèn Led màu trắng sáng lên khi hoạt động.
Các cạnh của máy tạo thành từ một khung kim loại liền mạch chạy xung quanh. Khung này có màu sáng nổi bật so với tổng thể máy, được thiết kế uốn lượn làm cho các cạnh có vẻ mỏng hơn và đỡ nặng máy. Ở hai cạnh bên, khu vực phía sau khung viền đủ rộng để chứa các cổng giao tiếp, khu vực trước được vuốt mỏng.
Dell Latitude 6430u có kích thước 337,82 x 228,6 x 20,82mm, trọng lượng 1,81kg. Những thông số này vẫn đạt chuẩn ultrabook nhưng chưa thật sự ấn tượng bởi độ dày và trọng lượng của nó lớn hơn nhiều so với nhiều mẫu ultrabook khác có cùng kích cỡ như Lenovo ThinkPad X1 Carbon (330 x 222 x 18,8mm, 1,48 kg), HP EliteBook Folio 9470m (353 x 231 x 19,05mm, 1,63 kg)… Tuy nhiên chính việc “hi sinh” độ mỏng và trọng lượng nên máy có đầy đủ các cổng kết nối mà nhiều ultrabook khác không có.
Cạnh phải máy có khe cắm thẻ SD, cổng USB 3.0 có chức năng sạc pin thiết bị cầm tay, cổng LAN, lỗ móc khóa Kensington.
Cạnh bên trái có nút gạt bật/tắt kết nối Wi-Fi, giắc cắm tai nghe, một cổng USB, cổng VGA và giắc cắm nguồn.
Các khe tản nhiệt được đưa hết ra cạnh sau của máy, trên cạnh này còn có một cổng HDMI và một cổng eSata.
Cạnh trước hơi lõm vào một chút để dễ mở mặt trên
Màn hình
Màn hình của Dell 6430u được gắn vào bản lề bằng thép đã được đặt cố định vuông góc vào phần thân máy bên dưới. Độ mở tối đa của màn hình lên đến 180 độ.
Dell Letitude 6430u được trang bị màn hình kích thước 14 inch, công nghệ chống lóa cho cảm giác nhìn thoải mái ngay cả khi dùng ngoài trời. Độ phân giải của máy ở mức thông thường hiện nay là 1.366 x 768 pixel, đủ để đáp ứng các nhu cầu như lướt web, xem phim, làm việc… nhưng tỏ ra thua kém so với độ phân giải Full HD của Asus Zenbook Prime (1920 x 1080 px), Lenovo ThinkPad X1 Carbon (1600 x 900 px)…
Khi sử dụng thực tế, tôi thấy màu sắc vẫn hiển thị tốt dù không cho cảm giác rực rỡ bằng các loại màn hình gương. Khả năng hiển thị các nội dụng text sắc nét, hình ảnh hiển thị rõ ràng ở góc nhìn chính diện nhưng khi nhìn ở các góc khác (hai bên cạnh máy hoặc các cạnh trên dưới) thì hình ảnh bị tối đi, màu sắc cũng bị thay đổi một chút. Mặc dù có thể mở góc vật lý rất rộng nhưng màn hình lại cho góc nhìn không cao.
Màn hình mở được rộng nhưng góc nhìn hẹp
Độ sáng tối đa của màn hình cũng khá thấp khi chỉ đạt 143 lux, thấp hơn so với mức trung bình là 227 lux. Đối thủ HP Elitebook Folio 9470m có độ sáng cao hơn với 165 lux, trong khi Lenovo ThinkPad X1 Carbon được 290 lux. Trong hầu hết môi trường sử dụng, tôi thường đặt màn hình ở độ sáng cao từ 90% trở lên để sử dụng thoải mái.
Bàn phím, touchpad và TrackPoint
Bàn phím của Latitude 6430u thuộc phong cách Island (hay còn gọi là bàn phím chiclet) với khoảng cách các phím rộng rãi, bề mặt các phím rộng (full size) và hơi cong xuống cùng với hành trình phím dài (khoảng 2,5mm), độ nảy tốt giúp cho các ngón tay thoải mái gõ trong thời gian dài. Bốn phím mũi tên điều hướng có kích thước rộng tương đương với những phím chữ cái thay vì bé tẹo như ở nhiều mẫu ultrabook và một số mẫu laptop khác (Acer E1-571G)…
Bàn phím của máy thuộc dạng đơn giản khi có 83 nút bấm và khá dễ nhìn bởi một số tính năng khi kết hợp với phím Fn đã được di chuyển ra bên ngoài thành một nút riêng biệt, ví dụ các nút tắt/bật, tăng giảm âm lượng phía trên và nút gạt tắt/bật Wi-Fi ở cạnh trái.
Đèn nền bàn phím là một trong những đặc điểm thường thấy trên các laptop doanh nhân và bàn phím của Dell Latitude 6430u cũng không phải ngoại lệ. Người sử dụng có thể dễ dàng làm việc trong điều điện thiếu sáng với mức sáng đèn nền tùy chỉnh và có thể tắt đi nếu muốn. Không những vậy, khả năng chống tràn giúp bảo vệ bàn phím trong những tình huống người dùng không may bị đổ nước vào.
Bàn phím của Latitude E6430u cũng được tích hợp phím TrackPoint nằm giữa tam giác ba phím “G”, “B”, “H”. Nút TrackPoint này có bề mặt hơi lõm và màu đen chứ không lồi lên và màu đỏ như chúng ta vẫn hay thấy trên dòng máy ThinkPad của Lenovo. Độ nhạy và độ chính xác khi điều khiển nút này trên Latitude 6430u cũng tỏ ra thua kém hơn đối thủ Lenovo.
Bàn phím cho cảm giác sử dụng thoải mái…
Phía dưới bàn phím, touchpad của máy hơi bé so với xu hướng hiện nay. Hai phím chuột chức năng được tách biệt so với bàn di. Phía trên khu vực bàn di còn có ba nút cứng với chức năng tương tự như ba nút chuột mà tôi đã từng thấy trên mẫu máy Lenovo Thinkpad X1 Carbon, nhưng nó không làm tôi ấn tượng cả về thiết kế lẫn tính tiện lợi sử dụng.
Chiếc máy tôi đánh giá có touchpad hỗ trợ hai ngón tay để cuộn trang web nhưng không thể nào zoom được mặc dù đã được đặt về trạng thái chuẩn của nhà sản xuất. Có lẽ nguyên nhân là máy cần cài thêm driver cho touchpad.
… nhưng touchpad chưa được đánh giá cao
Tóm lại, bàn touchpad có độ nhám giúp nhận diện cử chỉ nhạy, các phím chuột cho cảm giác ấn tốt nhưng tổng thể tôi đánh giá chưa cao.
Phụ kiện và bảo hành
Máy được cài sẵn Win 7 bản quyền và tích hợp đầy đủ các cổng kết nối cần thiết nên không có nhiều phụ kiện đi kèm ngoài sạc. Thời hạn bảo hành của máy lên tới 3 năm.
Phần mềm và tiện ích
Chỉ cần một vài thao tác đơn giản, người sử dụng có thể nhanh chóng đưa máy về trạng thái sử dụng ngoài trời hoặc chế độ xem phim, chế độ tiết kiệm điện thông qua phần mềm Dell Smart Settings được cài đặt sẵn.
Tiện ích Dell Battery Life cho phép người dùng sạc nhanh pin trong khoảng một giờ hoặc điều chỉnh chế độ sử dụng pin dựa trên các thiết lập sẵn có.
Người sử dụng cũng dễ dàng tạo bản lưu trữ và khôi phục khi cần với chương trình Dell Backup and Recovery.
Độ bền và tính năng bảo mật
Độ bền và tính năng bảo mật là một yếu tố quan trọng của dòng laptop doanh nhân. Dell Latitude 6430u được kiểm nghiệm đạt tiêu chuẩn về độ bền của quân đội Mỹ là MIL-STD-810G bao gồm chống sốc, va đập chống rung, chống bụi, chịu áp suất và nhiệt độ, độ ẩm tại các môi trường khắc nghiệt.
Một số công nghệ an ninh khác cũng được tích hợp trên chiếc máy này như: công nghệ vPro của Intel cho phép người dùng truy cập từ xa vào máy để theo dõi thời lượng pin, thực hiện cập nhật hệ thống và xóa sạch ổ đĩa cứng khi cần thiết. Chip TPM (Trusted Platform Module) tích hợp trên bo mạch chủ để tăng kiểm soát truy cập vào ổ đĩa cứng.
Phần mềm độc quyền Dell Data Protection/Encryption giúp mã hóa và bảo vệ ổ đĩa, dữ liệu.
Tuy nhiên một tính năng bảo mật quan trọng và thường thấy trên máy tính doanh nhân là mắt đọc vân tay thì tôi lại không thấy xuất hiện trên chiếc máy tính mà tôi đánh giá.
Hiệu năng
Điều kiện test: Chúng tôi tắt Windows Update, tắt Windows Firewall, tắt các chương trình diệt virus, tắt các chế độ tiết kiệm điện (nếu có), thiết lập máy ở chế độ High Perfomance để đảm bảo máy luôn chạy ở mức hiệu suất cao nhất, chuyển các trạng thái ngắt nghỉ ổ cứng và monitor sang Never để không ảnh hưởng quá trình test. Trong tất cả các bài test hiệu năng, laptop luôn được cắm nguồn điện liên tục, ngoại trừ bài test pin thì máy được sạc đầy sau đó rút nguồn để tiến hành test. Bài test nào có những điều kiện riêng thì chúng tôi sẽ ghi rõ trong phần test điều kiện đó.
Với chương trình đánh giá hiệu năng tổng thể PC Mark Vantage, máy đạt 12.867 điểm – một con số ấn tượng, cao hơn so với kết quả mà Asus Zenbook Prime đạt được (10.878 điểm) và gấp đôi so với HP Probook 4440s (6040 điểm).
Ở thang điểm chi tiết, máy sử dụng ổ thể rắn SSD và có số điểm rất cao là 45.284 điểm, trong khi chip đồ họa tích hợp HD 4000 cũng được5.013 điểm.
Điểm 3DMark 11 máy được 654 điểm
Điểm 3DMark 06 máy được 6176 điểm
Điểm 3DMark Vantage máy được 3483 điểm
Trong kết quả thử nghiệm với chương trình CineBench 11.5, điểm OpenGL đạt 16,33 khung hình mỗi giây và điểm cho vi xử lý là 2.61 điểm.
Ổ SSD dung lượng 128 GB của Latitude 6430u cho tốc độ đọc dữ liệu trung bình là 483,1 MB/giây. Đây là kết quả ấn tượng so với nhiều mẫu máy sử dụng ổ SSD khác với tốc độ trung bình 200 MB/giây và gấp khoảng 7 lần so với con số 70 MB/giây trung bình ở các laptop phổ thông mang ổ cứng HDD.
Thời gian khởi động vào Windows của máy khoảng 12 giây, bỏ xa thời gian khởi động trung bình là 33 giây. ThinkPad X1 Carbon mặc dù cũng sử dụng ổ SSD 128GB nhưng thời gian khởi động vào Windows 8 cũng cần đến 30 giây, trong khi EliteBook Folio 9470M cũng sử dụng ổ SSD nhưng dung lượng 180GB thì chỉ cần 21 giây.
Giải trí
Trong phòng rộng 20 m2, máy cho âm lượng đủ lớn. Khi tăng volume hết cỡ thì âm thanh có đôi chút rè và âm bass hơi nhỏ so với âm treble. Webcam với độ phân giải VGA của máy chỉ đủ dùng để gọi điện thấy hình hoặc họp hội nghị.
Nhiệt độ và độ ồn
Trong điều kiện bình thường, Latitude 6430u hoạt động khá mát mẻ và êm. Hầu hết các tác vụ thông thường không làm máy bị nóng và ồn khi sử dụng thời gian dài. Nhiệt độ dao động ở khoảng 51 độ.
Khi chạy tác vụ nặng ví dụ như các chương trình benchmark, chương trình fullload Prime 95 trong 30 phút thì quạt sẽ quay mạnh và có phát ra tiếng rè rè liên tục nhưng không quá lớn, một số khu vực của máy cũng nóng lên đặc biệt là khu vực quanh phím chữ “E” của bàn phím và chiếu nghỉ tay bên trái. Nhiệt độ chip lúc này tăng lên đến 90 độ.
Các con số khi đo bằng phần mềm thì là vậy nhưng khi sử dụng thực tế, tôi thấy khả năng tản nhiệt của máy là khá tốt, nhìn chung các khu vực đều mát mẻ đủ để làm việc thoải mái ngay cả với những tác vụ hơi nặng trong thời gian dài.
Thời lượng pin
Chúng tôi dùng phần mềm VLC chạy liên tục một bộ phim HD 720p từ lúc máy sạc đầy 100% pin đến khi máy còn 5% pin. Điều kiện thiết lập máy là: tắt windows firewall, tắt các chương trình diệt virus, tắt Wi-Fi và các chế độ khác không cần thiết, cắm tai nghe, chỉnh mức âm lượng 60%, độ sáng màn hình 80%. Thời gian chạy phim đo được là 3 giờ 5 phút.
Sử dụng trình duyệt Chrome tải 9 trang web và cho tự động load lại sau mỗi 15 phút, mở thêm một trang nghe nhạc trực tuyến và cho phát lại liên tục, sử dụng tai nghe thay loa ngoài và để ở mức âm lượng 60% độ sáng màn hình 80% cho máy chạy đến khi còn khoảng 5% (tự tắt) thì thời gian đạt 3 tiếng 8 phút.
Thời gian sạc pin từ lúc máy còn 5% đến khi máy đạt 98% là 2 tiếng 20 phút.
Như vậy, so với dòng ultrabook thời lượng pin của máy chưa được tốt cho lắm nhưng cũng có thể đáp ứng việc sử dụng liên tục từ 5 – 7 tiếng với nhu cầu thông thường.
Kết luận
Dell 6430u mang phong cách lịch lãm, hiện đại, các chi tiết được thiết kế tỉ mỉ mang những nét đặc trưng của dòng Latitude. Sản phẩm còn gây ấn tượng nhờ độ bền và khả năng bảo mật cao theo tiêu chuẩn quân đội Mỹ, đồng thời vẫn đảm bảo được độ mỏng, nhẹ của một chiếc ultrabook.
Tuy nhiên máy còn những nhược điểm như không có mắt đọc vân tay, thời lượng pin chưa cao (thời gian sử dụng chỉ từ 5 – 7 tiếng) và touchpad diện tích nhỏ, hỗ trợ đa điểm chưa tốt.
Nếu so sánh với một vài đối thủ có cùng tầm giá như Lenovo ThinkPad X1 Carbon, HP EliteBook Folio 9470M, Asus Pro BU400 thì Dell Latitude 6430u chưa thật sự ghi nhiều dấu ấn đối với tôi.
Theo Vnreview