Làn da nhạy cảm thực sự không phải là một loại da cơ bản, tuy nhiên, đối với kiểu da này bạn sẽ phải thật sự cẩn thận khi chăm sóc da. Da nhạy cảm có đặc điểm là thường mỏng và khô ráp, dễ bị dị ứng, chỉ một tác động kích ứng nhẹ lên da cũng có thể làm cho da đỏ lên, ngứa rát hoặc có cảm giác châm chích. Ngoài ra, da dễ bị cháy nắng và rát khi ra gió. Da cũng đặc biệt nhạy cảm với các loại hóa mỹ phẩm, chẳng hạn bạn thường xuyên cảm thấy rát nhẹ hoặc ngứa châm chích mỗi khi dùng sữa rửa mặt, kem dưỡng hoặc kem chống nắng thông thường. Một số loại thức ăn, rau quả và trái cây cũng có thể làm da bị tổn thương.
Và tất nhiên, không phải loại mặt nạ nào cũng có thể dưỡng tốt cho da nhạy cảm được. Dưới đây là một số công thức hỗn hợp mặt nạ cho da nhạy cảm bạn có thể an tâm sử dụng.
Mặt nạ Khoai tây, sữa tươi, mật ong
Khoai tây luộc hoặc hấp lên cho chín, sau đó nghiền nát trộn chung với sữa tươi không đường và 1 thìa nhỏ mật ong, quậy đều cho được một hỗn hợp sánh mịn.
Rửa mặt sạch, đắp hỗn hợp trên khoảng 20 phút rồi rửa với nước ấm. Thực hiện 2 lần/tuần. Mặt nạ khoai tây, sữa tươi và mật ong giúp làm mềm da, sáng hồng tự nhiên, ngăn ngừa lão hóa và trị mụn.
Mặt nạ Dâu tây, mật ong, sữa tươi
Nghiền nát vài quả dâu tây, một muỗng mật ong nhỏ và một muỗng canh sữa tươi. Bôi hỗn hợp lên mặt khoảng 20 phút sau đó rửa với nước ấm. Mặt nạ này giúp làm mịn da và trắng hồng.
Lê, mật ong, sữa tươi
Trái lê có vị ngọt pha chút chua, rất giàu vitamin C, chất xơ giúp hệ hiêu hóa ổn định. Theo y học cổ truyền, trái lê tính mát có tác dụng thanh nhiệt, tiêu đàm, giảm ho, nhuận trường, tiêu độc. Vì thế trái lê cũng rất tốt cho làn da.
– ½ trái lê (nghiền hoặc xay)
– ½ muỗng cà phê mật ong
– ½ muỗng canh sữa tươi không đường
Trộn đều các thành phần lại với nhau. Đắp hỗn hợp này lên mặt, để khoảng 20 phút, sau đó rửa sạch. Lê rất nhẹ nhàng cho da nhạy cảm, mật ong và sữa tươi giúp giữ ẩm cho da.
Bơ, dâu tây
Nghiền một thìa bơ, vài quả dâu tây rồi đắp hỗn hợp lên mặt khoảng 15 phút rồi rửa lại bằng nước ấm. Mặt nạ giúp cải thiện làn da bị lão hóa, da bị cháy nắng,…
Mặt nạ yến mạch
Yến mạch là nguyên liệu làm đẹp không còn xa lạ gì với các chị em phụ nữ. Các bạn có thể sử dụng yến mạch để đắp mặt nạ cho da nhạy cảm. Nếu không có thời gian, bạn chỉ cần pha yến mạch với nước ấm. Nếu cẩn thận hơn có thể sử dụng yến mạch và lòng đỏ trứng hoặc yến mạch và sữa chua, hoặc yến mạch và mật ong.
Mặt nạ sữa chua
Một hộp sữa chua, 1/2 thìa bột yến mạch trộn lẫn với nhau. Sau đó thoa kem hỗn hợp lên mặt trong vòng 10 – 15 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm. Với mặt nạ này, làn da bạn sẽ được bảo vệ khỏi dị ứng và sự ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời.
Mặt nạ mật ong
Bạn đun sôi mật ong lên, sau đó để nguội. Đầu tiên kiểm tra bằng tay, khi thấy mật ong đã đủ nguội thì thoa lên mặt. Để trong vòng 15 phút rồi rửa sạch bằng nước ấm, sau đó rửa lại một lần nữa bằng nước lạnh.
Mặt nạ đất sét hoa hồng
Với mặt nạ này làn da bạn sẽ mềm mại như lụa. Lấy một thìa đất sét, 1 – 2 thìa dầu bơ, một giọt tinh dầu hoa hồng và một chút rượu vang. Trộn lẫn để thành một hỗn hợp đặc, nếu còn loãng thì thêm một ít đất sét vào. Sau đó thoa hỗn hợp lên mặt và rửa sạch.
Mặt nạ đất sét trắng
Cho một thìa to đất sét trắng, một thìa nhỏ mật ong, một thìa nước hoa hồng hoặc nước hoa oải hương và cuối cùng là một 1/2 thìa tinh chất lô hội trộn lẫn với nhau. Sau đó thoa kem hỗn hợp này lên mặt, để trong vòng 10 phút, đồng thời đặt khăn bông mềm ướt lên mắt. Cuối cùng rửa sạch mặt bằng nước ấm.
Trên đây là một số loại mặt nạ tự nhiên dành cho làn da nhạy cảm. Với làn da này, bạn nên ghi nhớ một số điều sau đây:
– Không sử dụng các loại mĩ phẩm đã gây dị ứng, hạn chế sử dụng mĩ phẩm khi ra đường.
– Hạn chế trang điểm quá đậm khiến phấn bột kem quá dày bít lỗ chân lông không tốt cho da mặt.
– Tránh ăn những thực phẩm khiến bạn bị dị ứng.
– Tránh việc sử dụng nước ấm nóng để rửa mặt, dễ khiến da bị khô hơn.
– Ra đường nhớ đeo khẩu trang bảo hộ an toàn vừa tránh hít bụi mà lại bảo vệ làn da sạch sẽ.
– Có chế độ ăn uống nghỉ ngơi điều độ, hợp lí, tránh thức khuya.
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam