Sau mỗi trận mưa bão, một trong những vấn đề đau đầu nhất của người dân là phải quyết định ‘số phận’ của hàng loạt đồ dùng, thiết bị điện tử trong nhà. Bỏ đi thay mới nghe chừng đơn giản nhưng giá trị của những món đồ đó không hề rẻ, bỏ đi thì xót mà tiếp tục sử dụng cũng không yên tâm. Vậy người dân phải làm sao đây?
Nên dùng tiếp hay thay mới đồ điện tử sau khi bị ngập nước?
Đầu tiên, hãy nhớ rằng không bao giờ được cắm điện bất kỳ thiết bị nào sau khi bị ngập nước bởi điều đó có thể ‘giết chết’ món đồ đó luôn đấy. Sau đó mới tính đến chuyện thay mới hay dùng tiếp.
Trên thực tế, chỉ có một số thiết bị có thể tái sử dụng sau khi bị ngập, trong khi những món đồ khác thì cần phải thay thế. Mức độ hư hỏng phụ thuộc vào việc chúng ngập sâu tới đâu và ngâm nước trong bao lâu. Các thiết bị có thể tái sử dụng thường là tivi, tủ lạnh, máy giặt, máy rửa bát, tivi, đầu CD, lò vi sóng, lò nướng, bếp điện, máy ảnh, điện thoại…
Trong khi đó, một số đồ dùng cần được thay mới là điều hòa, máy hút ẩm, máy lọc không khí… Trong đó, điều hòa thường bị giảm chất lượng sau khi gặp nước và cũng dễ bị nhiễm bẩn bởi nấm mốc, vi khuẩn, tiếp tục sử dụng sẽ rất có hại cho sức khỏe. Ngoài ra, do thời gian mưa lụt thường kéo dài nên các bộ phận của điều hòa nếu gặp nước lâu hoặc để trong môi trường ẩm ướt thường dễ gây ra cháy nổ, mang theo nguy cơ hỏa hoạn.
Tủ lạnh tiềm ẩn nguy cơ bị nhiễm bẩn từ trong ra ngoài, cần làm vệ sinh kỹ trước khi sửa chữa. Các thiết bị nhỏ như máy sấy, lò nướng, máy hút bụi và máy pha cà phê thường không thể sửa được sau khi bị nước vào.
Một vài lưu ý trước khi sửa chữa hay thay thế đồ điện tử bị ngập nước
Khi đồ điện tử bị ngập nước, bạn hãy mau chóng sử dụng các biện pháp làm khô, làm sạch thiết bị và kiểm tra điện trở cách điện để xem thiết bị có được an toàn khi sử dụng lại hay không. Tiếp theo hãy cân nhắc giá trị sử dụng của chúng dựa trên những câu hỏi sau:
- Nếu có thể phục hồi chức năng của thiết bị thì nó có đủ an toàn khi sử dụng hay không?
- Tuổi của thiết bị là bao nhiêu? Còn bảo hành hay không?
- Chi phí sửa chữa với chi phí thay thế chênh lệch nhiều không?
- Thiết bị có thể chịu ảnh hưởng lâu dài về sau khi bị gỉ hoặc ăn mòn bên trong hay không?
Xem thêm Hướng dẫn cấp cứu đồ điện tử sau khi bị ngập nước
Ngoài đồ gia dụng, sau mỗi trận mưa bão hay ngập lụt nghiêm trọng người dùng cũng nên kiểm tra lại đường điện trong nhà để bảo đảm an toàn nhất. Nếu có thể thay thế các bộ phận như bản mạch, cầu chì, công tắc, ổ cắm… thì nên thay để tránh sau này sử dụng bị chập điện gây cháy nổ. Để chắc ăn thì bạn nên nhờ một thợ điện đến khảo sát lại toàn bộ hệ thống điện trong nhà, hơi tốn kém một chút nhưng để bảo đảm đến an toàn của bạn và gia đình thì xứng đáng.