Sự phát triển của trẻ em trong giai đoạn 12 – 24 tháng tuổi
Trẻ em khi bước sang 2 tuổi thường phát triển khả năng vận động mạnh mẽ, trẻ đã có khả năng đi lại khá vững vàng và thích những hoạt động vui chơi ở bên ngoài. Thời điểm này nếu trẻ được cha mẹ cho phép thỏa thích chơi những trò bé thích thì sẽ rất tốt cho kĩ năng vận động của trẻ. Trẻ em giai đoạn này cũng có khả năng dùng tay khá thành thạo và đã có thể bò được bằng hai tay rất nhanh hoặc dùng tay để leo trèo lên cao do vậy mà phòng cho trẻ cần được rào lại an toàn để tránh té ngã.
Đối với khả năng ngôn ngữ, trẻ đã bắt đầu những bước học giao tiếp, trẻ cũng có thể nói được vài từ có ý thức từ tháng 12 trở đi. Cha mẹ hoặc người trông nom trẻ có thể giúp trẻ nói nhanh hơn bằng cách thường xuyên trò chuyện với trẻ, không chỉ dừng lại ở việc bảo trẻ làm những việc cá nhân, người lớn có thể kể cho trẻ những chuyện diễn ra xung quanh và dùng tính từ để giải thích, mô tả về các đồ vật để bé mở rộng vốn từ nhanh hơn.
Trẻ phát triển kĩ năng vận động và ngôn ngữ tốt nhất ở độ tuổi này
Những mẩu truyện thiếu nhi, những câu hát ru hay giai điệu yêu thương mẹ thường xuyên cho bé nghe có tác dụng rất lớn tới trí thông minh ngôn ngữ của bé; giọng nói rõ ràng và chậm rãi sẽ đặc biệt gây được sự chú ý đối với bé hơn đấy.
Để giao tiếp với trẻ, trước tiên bạn nên chú ý quan sát và nói về những điều mà trẻ đang quan tâm thay vì cố gắng dự đoán và nói với trẻ những thứ khác, trẻ ở tuổi này có khả năng tập trung còn thấp do vậy mà bé sẽ khó chú ý tới bạn. Một trong những “chủ đề” bé thường xuyên quan tâm và có thể dụ bé nghe lời bạn và nói chuyện với bạn đó là đồ ăn và những món đồ chơi. Trước mỗi khi bé đòi một món đồ chơi/ đồ ăn nào, bạn hãy nói tên của đồ vật/ món ăn đó rồi mới đưa cho bé; cứ mỗi lần như vậy bé sẽ biết mỗi vật được gọi là gì và biết cách sử dụng từ ngữ đúng cách hơn, dần dần trẻ sẽ tích lũy được vốn từ làm bạn phải bất ngờ. Sau vài lần bạn có thể tăng số lượng từ lên và nói thành một câu, áp dụng cách nói chậm rãi và rõ ràng, trẻ sẽ học được cách nói cả câu nhanh hơn.
Đây cũng là thời điểm tốt để dạy trẻ cách cư xử, biết cách nói “cảm ơn” mọi người khi bé được giúp đỡ làm bất cứ việc gì và nói “xin lỗi” một ai đó khi bé phạm lỗi. Vì trẻ thích bày tỏ cảm xúc và suy nghĩ theo cách của riêng mình, việc cha mẹ tiếp tục nói chuyện và yêu cầu bé làm những việc cá nhân hoặc một vài việc nhẹ như lấy đồ mang lại cho bạn hoặc gấp gọn đồ chơi là một cách hình thành tính tự lập và bé sẽ phát triển khả năng độc lập suy nghĩ.
3 giai đoạn giúp trẻ phát triển ngôn ngữ theo phương pháp Montessori
– Bước đầu tiên của phương pháp Montessori cho trẻ phát triển ngôn ngữ: Cho bé biết tên đồ vật: để đồ vật trước mặt để trẻ tập trung chú ý vào món đồ đó hoặc bất kỳ món đồ chơi nào mà bé đòi chơi, bạn dùng tay chỉ vào món đồ chơi đó và nói “đây là + tên đồ vật” ví dụ như “đây là con cá”; ” đây là cái lá”. Tiếp theo bạn để món đồ trên mặt sàn và cho bé dùng tay với tới chạm vào hoặc cầm nắm đồ chơi hoặc bé cũng có thể ngửi món đồ nếu nó có mùi thơm, trong lúc này bạn sẽ tiếp tục nhắc lại tên của đồ vật. Bằng cách cho phép trẻ cảm nhận được hình dạng và chất liệu của các món đồ hoặc ngửi được mùi thơm đặc trưng của từng đồ vật sẽ giúp khắc ghi trong trí nhớ về món đồ đó.
– Giai đoạn tiếp theo của phương pháp Montessori giúp phát triển ngôn ngữ đó là yêu cầu trẻ chỉ ra những món đồ chơi (mà bạn đã giới thiệu cho trẻ ở bước đầu) khi bạn nhắc tên bằng cách hỏi ” Con chỉ cho mẹ xem + tên đồ vật là cái nào?” ; ví dụ như ” con chỉ cho mẹ đâu là con khủng long?” Bạn có thể đổi vị trí của các đồ vật rồi hỏi lại bé để biết chắc là bé nhớ được đặc điểm của các món đồ khi mẹ nói tên chứ không phải vị trí của đồ vật đó.
– Giai đoạn cuối cùng của phương pháp Montessori về ngôn ngữ cho trẻ từ 12 – 24 tháng tuổi là chỉ vào đồ vật và yêu cầu bé nhắc tên món đồ đó, những bé lớn hơn từ 1 tuổi rưỡi đến 2 tuổi có khả năng nói được nhiều từ có thể thực hiện được nhiệm vụ này.
Những đồ chơi phát triển ngôn ngữ tốt nhất cho trẻ
Một trong những bộ đồ chơi được quan sát thấy là được trẻ dùng thường xuyên và chơi được lâu nhất là bộ xếp cốc;điện thoại đồ chơi;trò chơi xếp gỗvới chữ cái hoặc hình đồ vậttrên khối gỗgiúp bé tập nói.
Dưới đây là những lợi ích của loại đồ chơi này đối với ngôn ngữ, nhận thức và các kĩ năng khác mà trẻ có thể học được khi chơi món đồ chơi này.
– Nhận thức ngôn ngữ như: bên trong và bên ngoài khi trẻ xếp những chiếc cốc có kích thước khác nhau.
– Nhận thức ngôn ngữ không gian: như bên trong, phía dưới, bên cạnh, phía trước, đằng sau, phía trên cùng, bên dưới và ở giữa trong hoạt động xếp vào và tách những món đồ ra.
– Nhận biết về các màu sắc khác nhau.
– Khái niệm về kích thước của các vật như lớn; lớn nhất; nhỏ nhất, nhỏ hơn; cỡ trung bình hoặc cỡ lớn.
– Kĩ năng đếm đồ vật
– Kĩ năng giải quyết vấn đề: biết chọn cốc nào xếp khớp vừa vặn nhất với từng chiếc cốc.
– Mối quan hệ nguyên nhân – kết quả.
– Nếu trên thân cốc có ảnh động vật hoặc các chữ cái bạn có thể dạy cho trẻ thêm về từ vựng.
– Khi được chơi cùng với bạn, trẻ sẽ học được cách hợp tác, trao đổi có tính xây dựng để giải quyết vấn đề cùng với người khác và hình thành được kĩ năng xã hội.
– Trẻ được học về quy luật toán học và khoa học như trọng lực và sự cân bằng.
Theo dailymontessori