Lược sử thương hiệu máy ảnh Leica
Leica là hãng sản xuất máy ảnh cũng như ống kính nổi tiếng đến từ vùng Solms, Đức. Thương hiệu này ra đời năm 1914, luôn đi đầu về chất lượng cũng như kiểu dáng của các dòng máy ảnh hay ống kính.
Leica không chạy theo các nhà sản xuất phổ thông khác trong việc tự động hóa để giảm đi thời gian sản xuất. Các kỹ sư, chuyên gia của Leica luôn cho ra đời những kiệt tác máy ảnh hoàn hảo, chất lượng cao bởi bản thân họ cũng là những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, sử dụng dòng sản phẩm do chính mình làm ra rất lâu nên họ có những trải nghiệm sử dụng vô cùng chính xác.
Về dòng máy ảnh điện tử, năm 1920 khi mà các loại máy ảnh vẫn còn cồng kềnh, nặng nề và không có nhiều tính năng chuyên dụng, kỹ sư trưởng của Leica là ông Oscar Barnack lúc đó đã nghiên cứu và sáng chế ra loại máy chụp ảnh nhỏ và phim nhỏ đầu tiên trên thế giới.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thực sự điều mà Oscar Barnack làm đã thay đổi hoàn toàn diện mạo nền công nghệ nhiếp ảnh. Việc chụp ảnh không còn là chuyện gì ghê gớm mà trở thành bình thường. Gọn nhẹ, dễ sử dụng, giá thành lại không đắt đến mức chỉ những người nhiều tiền mới sắm nổi, có thể nói Leica đã khai sinh ra thế giới nhiếp ảnh nghiệp dư.
Máy ảnh Leica có tốt không?
Hầu như sản phẩm nào của Leica được tung ra thị trường đều ghi điểm về chất lượng cũng như kiểu dáng, vậy nên đối với câu hỏi này bạn có thể hoàn toàn yên tâm là TỐT. Máy ảnh Leica sử dụng cảm biến CCD của Kodak, cảm biến này được lắp gọn trong máy và được bảo vệ bởi khung ngoài của máy. Khung máy được thiết kế để đảm bảo chắc chắn, bảo vệ tốt các thiết bị bên trong khỏi va đập, điều kiện bất lợi bên ngoài.
Sau khi được lắp ráp thành một chiếc máy hoàn chỉnh, máy ảnh Leica được kiểm tra kỹ càng tất cả các lỗi với 1800 bộ phận riêng biệt. Sau đó máy tiếp tục được kiểm tra kỹ thuật như về các nút bấm, độ chính xác của hệ thống lấy nét hay độ nhạy, độ ổn định của cảm biến rồi mới chính thức đưa ra thị trường.
Ngay từ khi ra đời chiếc Ur-Leica năm 1914, thương hiệu này đã nhanh chóng gặt hái thành công ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, vì gián đoạn bởi chiến tranh nên đến 1924 và 1925, những chiếc máy ảnh Leica mới lần lượt được đưa vào sản xuất và giới thiệu đến công chúng.
Sau Thế chiến thứ II, máy ảnh Leica lan rộng ra khắp thế giới nhờ chất lượng hình ảnh không thể chê với chuẩn phim 35mm.
Kể từ năm 1954, máy ảnh Leica dòng M ra đời với chất lượng hình ảnh hàng đầu, không thể thiếu cho các phóng viễn cũng như nhiếp ảnh gia.
Năm 2006, trào lưu máy số hiện đại Leica M8 xuất hiện đã khiến giới nhiếp ảnh và giới phóng viên choáng ngợp vì sự kết hợp hoàn mỹ giữa tính bảo thủ của người Đức và sự hiện đại của người Nhật. Phiên bản này cũng đánh dấu sự chuyển giao thời kỳ kỹ thuật số của dòng máy ảnh Leica M.
Năm 2009, Leica M9 ra đời, đặt dấu ấn mới trong thời đại ảnh số với máy Rangerfinder đầu tiên trên thế giới dùng cảm biến full frame 24×26 mm.
Tại sao máy ảnh Leica lại đắt đến thế?
Nhìn vào giá bán của máy ảnh Leica, hẳn nhiều người sẽ cảm thấy rất sốc vì có rất ít mẫu giá rẻ, rẻ nhất cũng khoảng 15 triệu còn đâu đều có giá vài chục cho đến vài trăm triệu. Tuy nhiên nếu bạn biết được những nguyên nhân sau đây thì sẽ không còn ngỡ ngàng vì mức giá đó nữa.
Máy ảnh Leica đắt bởi độ bền, độ chuẩn xác cao, kỹ thuật và sự tinh tế đã được cả thế giới công nhận. Mỗi thành phẩm được xuất xưởng đều được chế tác thủ công, máy móc chỉ đóng vai trò phụ trợ trong các tác vụ như kiểm tra kính, mài kính, kiểm tra thông số kỹ thuật… Nhưng nếu chỉ có thế vẫn chưa đủ để thuyết phục bạn, phải không nào? Vậy thì hãy tiếp tục đến với lý do sau.
Bạn có biết, cùng một thông số nhưng ống kính máy ảnh của Leica chưa bao giờ bán ra với con số dưới 5000 USD? Thực tế là vậy. Nếu ở Canon, để sản xuất một ống kính trung bình thì thời gian hạ nhiệt (giai đoạn quan trọng quyết định đến độ bền và độ trong của ống kính) chỉ khoảng vài ngày đến 1 năm là lâu nhất. Nhưng với ống kính Leica, trung bình thời gian hạ nhiệt khoảng từ 2 năm trở lên, cá biệt một số loại như ống kính Leica Noctilux 50 mm f/0.95 có thời gian hạ nhiệt tận 10 năm. Hãy thử tưởng tượng xem trong ngần ấy thời gian sẽ phát sinh ra biết bao chi phí liên quan như giá thành về năng lượng, giá thành nhân công quản lý cũng như xác suất hư hỏng xảy ra trong quá trình gia công sản phẩm. Vì vậy, đừng quá kinh ngạc cho câu trả lời vì sao máy ảnh Leica vẫn trụ lại trên thị trường bất chấp thời gian dù nó có là đắt nhất thế giới.
Và điều cuối cùng khiến máy ảnh Leica khác biệt, cũng như quyết định giá thành của nó là sự khác biệt: khác biệt về đẳng cấp, khác biệt về chất lượng.
Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, Leica không hề theo chân các đối thủ cạnh tranh trong việc cải tiến giảm thời gian sản xuất sản phẩm và mặc dù là nhà phát triển nguyên lý lấy nét tự động nhưng hãng không bao giờ áp dụng chúng cho các sản phẩm của mình. Bởi lẽ, Leica tin rằng lấy nét thủ công sẽ giúp bức ảnh có hồn hơn, mỗi lần chụp đều là nghệ thuật và nghệ thuật thì không nên có sự can thiệp của quá nhiều kỹ thuật. Có thể nói đây là niềm tự hào và cũng là sự bảo thủ của nhà sản xuất thiết bị quang học huyền thoại này.
Tóm lại, đối với máy ảnh Leica, câu thành ngữ “Tiền nào của nấy” là vô cùng chính xác. Hy vọng bài viết này đã phần nào giúp bạn tháo gỡ những khúc mắc về thương hiệu này đồng thời mang đến cho bạn cái nhìn mới về thương hiệu máy ảnh đắt tiền này.