Năm 2024 là năm bùng nổ của các dòng laptop AI, đối với các nhà sản xuất mà nói, đây là cơ hội để họ thúc đẩy gia tăng doanh số bằng việc thay thế các sản phẩm cũ bằng sản phẩm AI, dù cho thế hệ cũ vẫn còn hoạt động rất tốt.
Câu hỏi đặt ra là, hiện tại chúng ta có cần đến laptop AI không? Câu trả lời có lẽ là không. Nhưng AI có đóng vai trò quan trọng trong tương lai hay không? Chắn chắn là có. Đây cũng là một trong những lý do để Acer Swift 14 AI (2024) phiên bản Snapdragon ra đời.
1. Đánh giá thiết kế Acer Swift 14 AI
Ấn tượng ban đầu đối với Acer Swift 14 AI khá tốt, nó có ngoại hình không thay đổi nhiều so với các thế hệ trước đây với khung nhôm được gia công cẩn thận cùng với lớp phủ gun-metal bắt mắt. Các đường nối giữa mặt C và mặt đáy được ẩn bên dưới tạo nên một tổng thể nguyên khối đẹp mắt. Tuy rằng mặt A có độ flex khá nhiều không như mong đợi nhưng cảm giác chắc chắn vẫn có.
Trong phân khúc Ultrabook, máy không quá nhẹ ở mức 1,32kg và cũng không quá mỏng với độ dày 1,49cm để phù hợp với những người làm việc với cường độ di chuyển cao, nhưng cũng không gây quá nhiều áp lực.
Nói về điểm nhấn trong thiết kế thì có lẽ biểu tượng trên touchpad là đáng chú ý nhất. Đây là một ký hiệu khá độc đáo sẽ sáng lên khi máy sử dụng đến trí tuệ nhân tạo, nó giúp ta thực sự xác định được loại ứng dụng nào cần đến hiệu suất NPU.
Ngoài điểm đáng chú ý đó ra thì touchpad cũng không có gì đặc sắc. Kích thước bàn di khá lớn, mượt, nhưng lực nhấn ‘click’ hơi mạnh.
Bàn phím chiclet thì không được tích cực lắm. Dù các phím hoạt động ổn định nhưng lực nhấn không tốt và không cho cảm giác phản hồi rõ ràng. Đặc biệt là phím Space hầu như không có ‘khấc’ kích hoạt và không cho cảm giác thỏa mãn khi sử dụng. Tuy nhiên, đây vẫn là kiểu bàn phím cổ điển mà người dùng có thể tiếp cận nhanh chóng.
Ở cạnh trái, chúng ta có một cổng USB-A 3.2 Và hai cổng USB-C 4.0. Phía bên phải là một cổng USB-A 3.2 khác và một jack 3.5mm cổ điển. So với những gì mà Ultrabook hiện nay có thể cung cấp (chẳng hạn có thêm đầu đọc thẻ SD hoặc cổng HDMI) thì Acer Swift 14 AI có số lượng cổng tương đối khiêm tốn, nhưng nó đủ dùng. Đặc biệt là có tới hai cổng USB-C 4.0 có thể bù đắp sự thiếu hụt về tính đa dụng.
Acer Swift 14 AI (2024) có webcam 1440P được hỗ trợ bởi bộ xử lý ảnh tích hợp (ISP) của Qualcomm trên SoC. Chất lượng webcam khá tốt, hình ảnh sắc nét hơn mong đợi nhưng như thường lệ thì khả năng phân tích ánh sáng của nó vẫn hơi yếu kém, cho nên gần như chỉ đem lại hiệu quả tốt nhất vào ban ngày hoặc khi đủ sáng.
Ngoài ra, webcam này cũng hỗ trợ tính năng nhận dạng khuôn mặt Windows Hello. Tuy nhiên, hơi buồn là nó không có màn trập vật lý trong khi hầu hết laptop hiện nay đều có để gia tăng mức độ bảo mật cá nhân.
Phương diện âm thanh thì vẫn là điểm yếu chung của hầu hết laptop. Loa của Acer Swift 14 AI thậm chí còn tệ hơn. Âm thanh của nó gần như chỉ là âm cao, không có chút bass nào và âm trung cũng rất yếu kém. Có vẻ Acer không quá tập trung vào khía cạnh này để dồn tài nguyên cho các yếu tố quan trọng hơn như màn hình, phần cứng.
2. Màn hình và chất lượng hiển thị của Acer Swift 14 AI
Laptop AI Acer Swift 14 (2024) sử dụng màn hình IPS LCD 14,5 inch độ phân giải 2560 x 1600 pixel, tỷ lệ 16:10, tần số quét tối đa 120Hz. Kích thước và độ phân giải này thực sự rất hợp lý, mang lại cho chúng ta nhiều không gian trên màn hình hơn để thực hiện nhiều tác vụ so với màn hình 14 inch tiêu chuẩn, nhưng không cồng kềnh như màn hình 15,6 inch và 16 inch.
Qua đo đạc, màn hình này có độ sáng cực đại 381 nits, có thể tái tạo 98,6% gam màu sRGB và 75,8% DCI-P3. Độ chính xác màu sắc khá tốt với Delta E trung bình chỉ là 1,43. Đối với công việc thiết kế hoặc đồ họa chuyên nghiệp, bạn sẽ muốn có thông số kỹ thuật mạnh hơn, chưa kể đến màu đen sâu hơn – màu đen của màn hình này trông giống màu xám đen hơn – nhưng nó rất tuyệt cho các ứng dụng năng suất, giải trí và sử dụng sáng tạo nhẹ.
3. Cấu hình phần cứng và hiệu năng của Acer Swift 14 AI (2024)
Phiên bản laptop Acer AI Swift 14 này được cung cấp sức mạnh bởi con chip Qualcomm Snapdragon X Plus X1P-64-100. Đây là một SoC 10 nhân Oryon với tốc độ xung nhịp tối đa 3,4GHz, không có turbo. Nó đi kèm với nhân xử lý đồ họa Adreno và bộ xử lý NPU 45TOPS không thay đổi so với X Elite. Kết hợp với CPU là bộ nhớ RAM 16GB LPDDR5X 8484 MHz và ổ cứng SSD 1TB PCIe 4.0.
Trong các bài kiểm tra hiệu suất lõi đơn của Geekbench 6, Swift 14 AI cho thấy tốc độ xử lý còn nhanh hơn cả Microsoft Surface Pro 11 và HP Omnibook X đều sử dụng Snapdragon X Elite, với số điểm lần lượt là 2432 so với 2289 và 2315.
Thậm chí ngay cả khi nó chỉ có 10 nhân nhưng so với 12 nhân của X Elite thì hiệu suất đa luồng cũng ‘tám lạng, nửa cân’. Cụ thể, Swift 14 AI đạt 13.029 điểm trong bài kiểm tra đa nhân Geekbench 6, so với 13.134 điểm của Surface Pro 11 và 12585 của Omnibook X. Tuy nhiên, sở dĩ 3 chiếc laptop AI này có số điểm đa luồng sàn sàn như vậy có một phần ảnh hưởng từ khả năng tản nhiệt. Nếu so sánh Acer Swift 14 AI với ASUS Vivobook S15 (S5507) có hệ thống tản nhiệt tốt hơn (14.337 điểm) ta mới thấy được tầm quan trọng của việc làm mát là như thế nào.
Nhìn chung, về cơ bản thì dù bạn bạn Acer Swift 14 AI hay laptop có Snapdragon X Elite thì cũng không bị mất mát quá nhiều hiệu suất. Nó vẫn cho cảm giác nhanh khi xử lý các tác vụ thông thường và chạy một vài ứng dụng đòi hỏi tài nguyên cao, thậm chí mở nhiều tab Chrome cùng lúc cũng không có dấu hiệu chậm đi.
Về hiệu suất 3D, Swift 14 AI hơi khiêm tốn. Trong bài test 3DMark Timespy nó chi đạt được 1851 điểm, nhưng thực tế thì Snapdragon X Elite cũng không tốt hơn ở khía cạnh này vì cả hai phiên bản đều sử dụng chung nhân đồ họa Adreno. Một điểm chung nữa là bộ xử lý thần kinh 45TOPS của Snapdragon X Plus không hề kém hơn NPU 45TOPS của X Elite. Khi các ứng dụng hỗ trợ xử lý AI cục bộ, Swift 14 AI (2024) có thể chạy các thành phần liên quan ở mức khá.
4. Thời lượng pin
Nếu các mẫu laptop Snapdragon X Elite đều có điểm cộng lớn về thời lượng pin, thì Swift 14 AI với Snapdragon X Plus cũng vậy, thậm chí nó còn làm tốt hơn.
Test máy với nhiệm vụ chạy video HD ở độ sáng 170 nits, laptop 14 inch Acer này có thể chạy liên tục trong 19 giờ 36 phút rồi mới cần sạc lại. Con số này vượt mặt hoàn toàn Surface Pro 11 (16 giờ 28 phút) và HP Omnibook X (19 giờ 27 phút).
Tóm lại, nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc laptop AI có thể sử dụng trong vài ngày mà không cần sạc lại, thì ngay lúc này Swift AI 14 (2024) là lựa chọn lý tưởng.
5. Tạm kết
Laptop Acer Swift 14 AI (2024) là một thiết bị ấn tượng với sự cân bằng hoàn hảo giữa hiệu suất, thời gian sử dụng pin và thiết kế. Dù vẫn tồn tại một số thiếu sót như âm thanh, bàn phím, webcam, nhưng màn hình đẹp, tốc độ xử lý nhanh và thời lượng pin dài vẫn giúp nó ghi điểm trong mắt những người đang cần một chiếc laptop 14 thực dụng.
Tóm lại, nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc laptop 14 inch đáp ứng được công việc và việc học một cách linh hoạt, thì Acer Swift 14 AI (2024) chắc chắn rất đáng để cân nhắc. Giá tham khảo của chiếc laptop Acer 14 inch này khoảng 28 triệu đồng.