Cho những ai chưa nắm rõ thế giới bàn phím cơ thì Vortex là một trong những nhà sản xuất có tiếng hàng đầu thế giới, các sản phẩm của hãng tung ra thị trường đều ghi điểm bởi thiết kế giản lược, độ hoàn thiện cực cao. Chiếc Vortex Tab 90 mà Websosanh sẽ đánh giá dưới đây là mẫu bàn phím cơ nằm trong series Vortex Tab, một series chỉ bao gồm các sản phẩm với ngôn ngữ thiết kế riêng của hãng. Nếu bạn đang nhắm tới mẫu bàn phím cơ dày dặn, chắc chắn, kết nối tùy biến cao thì series này có thể là gợi ý không tồi dành cho bạn.
Vortex Tab Series có nhiều layout khác nhau tùy sở thích người dùng (60, 75, 90), switch thì gồm Red/Blue/Borwn, 3 loại switch phổ biến nhất.
Rồi, không vòng vo tam quốc nữa, chúng ta sẽ trở lại với nhân vật chính của bài viết – Vortex Tab 90.
Đầu tiên về thiết kế thì như mình đã nói Vortex Tab 90 có thiết kế giản lược: khoảng cách giữa các phím được rút gọn tối đa, các phím chức năng được sắp xếp lại để không có một chỗ trống nào, tận dụng tối đa diện tích. Nhờ đó mà khi nhìn vào chiếc bàn phím này có cảm giác ‘trọn vẹn’ hơn nhiều. Tuy vậy cách sắp xếp này cũng có thể gây bất lợi cho những người dùng quen thiết kế cũ.
Vỏ case được làm dày dặn, bề mặt hoàn thiện nhám và chống vân tay tương đối tốt. Bên dưới case là 4 chân đế cao su chống trượt, công tắc on/off và khay pin. Chiếc bàn phím này không có đế nâng độ cao nhưng vốn dĩ nó đã được thiết kế có độ dốc rồi nên cũng không cần thiết.
Tấm plate chắc chắn, được làm từ một tấm thép cán dày khoảng 1,5 mm, cho cảm giác gõ chạm đáy rất chắc và đanh.
Switch của Vortex Tab 90 sử dụng Cherry MX, có lẽ không cần phải bàn nhiều về loại switch này bởi chất lượng của nó đã được người dùng toàn thế giới đánh giá là tốt nhất, cho trải nghiệm gõ phím vượt trội mà tất cả các dòng ‘clone’ không thể làm được.
Keycap được đúc bằng chất liệu nhựa PBT cho cảm giác gõ dày và chắc. Bề mặt keycap được làm lõm và trông có vẻ thuôn dẹt chứ không góc cạnh và cao để dù các phím sát nhau vẫn không có tình trạng gõ nhầm phím. Ký tự trên keycap được xử lý bằng phương pháp in nhiệt, giúp mực thấm sâu vào bề mặt , sắc nét và khó phai màu. Bạn cũng có thể độ keycap cho chiếc bàn phím này để màu sắc của nó bớt khô khan hơn.
Điểm mình khoái nhất ở chiếc bàn phím cơ này là cơ chế stabilizer của nó được làm rất tốt. Các phím dài cân bằng một cách hoàn hảo, cảm giác gõ êm ái và gần như không có hiện tượng ‘sạn’.
Trải nghiệm với chiếc bàn phím này một thời gian, mình thực sự cảm nhận được sự cao cấp của nó mỗi lần nhấn phím, gõ văn bản rất trơn và mượt, tốc độ phản hồi khi chơi game cũng rất nhanh. Tuy nhiên vì không có LED nên gõ trong tối hơi khó khăn, đây có lẽ là điểm trừ duy nhất của chiếc bàn phím này.
Với giá bán 3.550.000, Vortex Tab 90 là một lựa chọn tương đối tuyệt vời. Đáng tiếc là dòng sản phẩm này không được tích hợp đèn LED, tuy nhiên về mặt cấu tạo và chất lượng thì mình không có gì phải phàn nàn về nó cả, trên cả tuyệt vời. Nếu bạn không ưa thích sự màu mè thì Vortex Tab 90 với thiết kế giản lược này sẽ là một lựa chọn rất đáng tiền.