Từ nhiều thập kỷ qua ngành công nghiệp laptop vẫn đang không ngừng đổi mới để ngày càng hoàn thiện, mạnh mẽ hơn và có ích với người dùng hơn. Nhưng nếu bạn để ý một chút, thì hầu như mỗi giai đoạn thăng tiến của ngành đều có sự góp mặt của một yếu tố mang tính bản lề. Chẳng hạn giai đoạn hiện tại nếu so với cách đây 10 năm thì chúng ta có khung máy kim loại bền hơn, đẹp hơn, nhẹ hơn, rồi thì tỷ lệ màn hình 16:10 rộng rãi hơn.
Hiện tại, Dell lại mang đến cho chúng ta một khái niệm mới: bàn phím tràn viền và touchpad vô hình trên chiếc XPS 13 Plus 9320. Thiết kế này phá vỡ khuôn khổ vốn có của một chiếc laptop và cũng đang nhận phải nhiều luồng ý kiến trái chiều. Một bên cho rằng thiết kế này đẹp, hiện đại, rất có tính tương lai nhưng một bên thì cho rằng touchpad vô hình là không cần thiết, mang đến nhiều bất tiện khi sử dụng.
Tóm lại thì mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau về chiếc laptop này, nhưng có hai thứ mà không ai có thể phủ nhận: nó đẹp, và rất mạnh mẽ. Với chip xử lý Intel Core thế hệ thứ 12 dòng P, chiếc laptop công suất 28W này có tốc độ xử lý cực kỳ nhanh chóng. Dù vẫn còn một số nhược điểm về nhiệt hay pin, nhưng nếu là fan của dòng hoặc quá ‘u mê’ vẻ đẹp ngoại hình của XPS 13 Plus thì đây sẽ là mẫu laptop bạn không muốn bỏ qua.
Đánh giá laptop Dell XPS 13 Plus 9320 2022
Touchpad vô hình
Chúng ta sẽ bất đầu từ thứ bắt mắt nhất của XPS 13 Plus, touchpad ‘invisible’. Đúng vậy, nó không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Thay vì mô-tuýp hình chữ nhật truyền thống đã ghi ấn vào bộ não chúng ta qua nhiều thập kỷ sử dụng, Dell đã mang đến một phần chiếu nghỉ tay dài, liền mạch, kết hợp với touchpad xúc giác được đặt ở vị trí trung tâm.
Thiết kế này mang đến cái nhìn tổng thể thực sự đẹp mắt, làm chiếc laptop Dell 13 inch nhỏ bé này nổi bần bật giữa đám đông. Tuy touchpad xúc giác không phải khái niệm gì mới (Force Touch trên Macbook của Apple) nhưng Dell đã kết hợp nó với ý tưởng liều lĩnh và mang đến một thứ mới mẻ hơn. Tóm lại, nó mới, nhưng vẫn rất quen thuộc!
Tuy nhiên, để làm quen với touchpad này thì người sở hữu sẽ cần mất một thời gian. Cho đến khi quen rồi thì hẳn bạn sẽ thích thú với trải nghiệm ‘vô cực’ của nó.
Bàn phím Edge-to-edge
Dell đã đặt ra một tiêu chuẩn mới cho bàn phím laptop khi tối đa hoá không gian có sẵn bằng cách kéo dài bàn phím ra sát mép của mặt C. Và kết quả ta nhận được là gì? Một bàn phím không chỉ đẹp mà còn thoải mái khi sử dụng.
Do kích thước kéo dài nên các phím bắt buộc phải tăng kích thước lên, nó to hơn kích thước ngón tay nên sẽ rất khó để gõ nhầm. Các phím Shift, Ctrl và Enter thường bị thu nhỏ diện tích trên laptop 13 inch giờ cũng được làm full-size để tạo nên sự khác biệt. Nhưng cũng giống touchpad, bạn sẽ cần làm quen với bàn phím này khá nhiều thì mới vận hành trôi chảy được.
Một thứ mới mẻ khác trên bàn phím này là dãy phím chức năng cảm ứng ở phía trên cùng bàn phím. Nó có khá nhiều điểm tương đồng với TouchBar của Apple và hiện tại TouchBar đã bị khai tử rồi, còn của Dell thì chưa biết thế nào. Để hoán đổi giữa các phím F (F1 – F12) và phím chức năng, bạn hãy dùng tổ hợp Fn + Esc, còn muốn khoá các phím F thì bạn hãy nhấn Alt + Esc khi đang ở chế độ F-keys nhé.
Cổng kết nối
Trong khi 2 đột phá ở khía cạnh bàn phím và touchpad nhận được nhiều lời khen, thì việc Dell loại bỏ phần lớn số cổng kết nối, chỉ giữ lại 2 cổng USB-C lại gây nhiều tranh cãi do số đông đã quen với việc dùng đủ cổng trên các dòng laptop Dell mỏng nhẹ rồi. Dù cho cả 2 cổng có được hỗ trợ Thunderbolt 4, cộng thêm việc Dell cung cấp một vài đầu nối Type-C sang 3.5 mm, Type-C sang Type-A đi chăng nữa thì cũng không bù đắp được sự hụt hẫng này.
Từ việc loại bỏ có mục đích này, có thể cho rằng Dell đang hướng đến nhóm đối tượng người dùng đã và đang có thói quen sử dụng tai nghe không dây. Song, thực tế thì tai nghe không dây chỉ được sử dụng nhiều trong việc luyện tập thể thao, hay những ai thường xuyên đàm thoại, còn với người làm văn phòng, thường xuyên ngồi một chỗ thì tai nghe có dây vẫn được dùng nhiều hơn cả.
Phải biết rằng phiên bản Dell XPS 13 tiêu chuẩn lẫn Macbook Air hiện nay dù mỏng thì kiểu gì cũng phải giữ lại cổng 3.5 mm. Dù Dell đã cung cấp cáp chuyển Type-C sang 3.5 mm nhưng nó lại chiếm mất một cổng trong khi cổng còn lại dùng để sạc, nếu muốn kết nối thiết bị khác người dùng bắt buộc phải mua thêm một hub chia khác.
Màn hình – Webcam – Loa
Một phần thiết kế đỉnh cao của XPS 13 là màn hình tràn viền được gọi là InfinityEdge theo cách nói của Dell vẫn được duy trì trên XPS 13 Plus 9320. Thành thật mà nói nếu thiếu điều này thì giao diện tinh gọn của máy sẽ giảm đi đáng kể.
Viền màn hình được làm rất mỏng để màn hình 13,4 inch này trông lớn nhất có thể. Nó có tất cả 4 tuỳ chọn màn hình để người dùng tuỳ chọn theo từng nhu cầu, lần lượt là:
- Màn Full HD 1920 x 1200 pixel, 60Hz, Anti-Glare, 500 nit
- Màn cảm ứng Full HD 1920 x 1200 pixel, 60H, Anti-Glare, 500 nit
- Màn OLED cảm ứng 3,5K 3456 x 2160 pixel, 60H, 400 nit
- Màn OLED cảm ứng 4K 3840 x 2400 pixel, Anti-Reflect, 500 nit
Nhiều người có thể thắc mắc tại sao Dell XPS 13 Plus lại không được trang bị webcam 1080p mà chỉ có 720p. Thành thật mà nói, camera 720p cũng có ‘loại this’, ‘loại that’, không phải chiếc nào cũng cho chất lượng giống nhau.
Trong trường hợp của XPS 13 Plus, chất lượng thu được từ webcam không hề thua kém camera 1080p phổ thông, độ sắc nét của hình ảnh và sự chi tiết vẫn ổn. Nhược điểm duy nhất của webcam này là bị nhiễu hạt ở môi trường ánh sáng yếu, màu sắc cũng không còn chân thực.
Hệ thống âm thanh của chiếc laptop này gồm 4 loa đặt bên trong, chất lượng âm thanh khá tốt so với mặt bằng chung. Âm lượng mà nó tạo ra có biên độ tối đa 75dB – dưới mức trung bình một chút nhưng vẫn đủ lớn với hầu hết người dùng. Đặc biệt là chất lượng âm cao và âm trung rất tốt, có thể dùng để giải trí mà không cần tai nghe cũng được. Âm trầm cũng không đến nỗi tệ, độ sâu thấp nhất mà nó có thể đạt là 60Hz, khá ấn tượng.
Cấu hình – Hiệu suất – Tản nhiệt – Pin
Nếu không quan tâm đến những cải cách thiết kế của Dell XPS 13 Plus 9320 2022, thì bạn vẫn không nên bỏ qua chiếc laptop này, bởi vì nó sử dụng bộ xử lý Intel Core thế hệ thứ 12 với công suất 28W, tăng 13W so với mẫu XPS 13 trước đó. Công suất mạnh hơn kéo theo hiệu suất tốt hơn, đặc biệt là đối với khối lượng công việc chuyên sâu.
Với các tác vụ phổ thông, chiếc laptop này vận hành phải nói là mượt như sunsilk, chuyển đổi giữa các ứng dụng không có độ trễ và bạn có thể bật hàng chục tab Chrome mà máy vẫn ‘vâm’ như thường. Để bạn đọc dễ hình dung hơn về tốc độ xử lý của nó, dưới đây là một so sánh nhỏ:
- Ở trong bài kiểm tra điểm chuẩn Geekbench 5.4 chạy CPU với nhiều khối lượng công việc khác nhau, kết quả đa nhân mà XPS 13 Plus đạt được là 10.621 điểm, đây là mức khá cao đối với một chiếc laptop di động mỏng nhẹ. Đối thủ của nó là Macbook Air M2 đạt 8.919 điểm.
- Dell XPS 13 Plus đật tốc độ ghi và đọc lần lượt là 4.879 và 3.638, nó nhanh hơn đáng kể các mẫu laptop 13 inch khác.
Khi mua máy, bạn có thể tuỳ chọn cấu hình cho XPS 13 Plus. Bắt đầu từ Core i5-1240P, Core i7-1260P Core i7-1270P và Core i7-1280P. Về bộ nhớ, model cơ bản có 8GB RAM nhưng bạn có thể nâng lên 16GB hoặc 32GB tuỳ thích. Các tuỳ chọn lưu trữ bao gồm SSD PCIe 256GB, 512GB, 1TB và 2TB. Tất cả các mẫu XPS 13 Plus đều sử dụng card đồ hoạ tích hợp Intel Iris Xe.
Vậy hệ thống làm mát của Dell XPS 13 Plus sẽ có hình dạng như thế nào khi mà nó nhỏ gọn như vậy? Về cơ bản thì mô-dun làm mát trên chiếc laptop này bao gồm 2 quạt, 2 bộ tản và một ống dẫn nhiệt ở giữa. Tuy nhiên, do thiết kế thiếu lỗ thông gió nên hiệu quả tản nhiệt của máy không thực sự tốt, kể cả dùng máy ở chế độ ‘Cool’ thì mặt bàn phím vẫn ấm lên một cách nhanh chóng, còn dùng ở chế độ Ultra-Performance thì nhiệt độ ở ngưỡng 95 – 100 độ C.
Pin của XPS 13 Plus có dung lượng 55Wh, lớn hơn viên pin 52Wh của Dell XPS 13 nhưng dung lượng lớn hơn không có nghĩa là nó có thời gian sử dụng lâu hơn, vì CPU của XPS 13 Plus ngốn điện hơn. Nếu vận hành máy ở chế độ Quiet (setting thấp nhất) thì nó có thể trụ được hơn 10 giờ nhưng kiềm hãm sức mạnh của máy như vậy thì không có gì thú vị. Còn bung hết sức mạnh thì pin của nó hơi đáng lo ngại, bật nhiều tab Chrome ở chế độ Ultra-Performance (độ sáng 50%) nó chỉ trụ được khoảng 3 giờ, chơi game thì được hơn 1 giờ. Với một chiếc laptop siêu di động như XPS 13 Plus, lượng pin như vậy phải nói là tương đối gây thất vọng.
Lời kết
XPS 13 Plus có rất nhiều ưu điểm đánh thẳng vào nhãn quan người dùng: ngoại hình đẹp, chất lượng hoàn thiện cao cấp màn hình OLED tuyệt đẹp, bàn phím tràn viền và trackpad vô hình. Nếu bạn là người chỉ mua sắm vì ngoại hình máy thì đây chắc chắn là một trong những chiếc laptop đáng mua nhất hiện nay. Tất cả những ưu điểm đó đi kèm với chip Intel thế hệ thứ 12 khiến mức giá của nó trở nên hợp lý, dưới đây là những mẫu đang có mặt tại thị trường Việt Nam:
- Core i5-1240P, 8GB RAM, SSD 256GB giá 36,7 triệu đồng
- Core i5-1240P, 8GB RAM, SSD 512GB giá 39,9 triệu đồng
- Core i7-1270P, 16GB RAM, SSD 256GB giá 50,0 triệu đồng
- Core i7-1270P, 16GB RAM, SSD 512GB giá 52,8 triệu đồng
- Core i7-1270P, 16GB RAM, SSD 1TB giá 55 triệu đồng
Tuy nhiên, nó không hoàn hảo. Như đã nói ở phần đầu thì trackpad vô hình của chiếc laptop này bị rất nhiều người cho là không cần thiết, thậm chí có phần cản trở trải nghiệm sử dụng, nhất là với những người dùng chuyên nghiệp. Thêm nữa là việc nó thiếu jack 3.5 mm cũng làm mất lòng khá nhiều đối tượng người dùng văn phòng. Và hiệu suất máy mặc dù cũng ấn tượng thật nhưng nhiệt độ và pin cũng lại là 2 yếu tố vẫn còn yếu kém, khiến chiếc laptop này dù có tính di động cao nhưng lúc nào cũng phải có sạc pin đi kèm.
Trên đây là những đánh giá của Websosanh về chiếc laptop Dell XPS 13 Plus 9320 2022 này. Hy vọng những chia sẻ này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về sản phẩm để có quyết định mua sắm hợp lý.