1. Quy trình các bước bảo quản sữa mẹ đúng chuẩn
Sữa mẹ là thực phẩm dinh dưỡng hàng đầu được khuyến nghị sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nhờ cung cấp đủ dưỡng chất và kháng thể. Tuy nhiên khi để ở môi trường thông thường, sữa mẹ nhanh dễ lên men tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi, biến đổi. Chính vì vậy, sữa mẹ sau khi vắt nếu không bảo quản ngay sẽ có nguy cơ bị biến chất, hao hụt chất và thậm chí làm bé bị tiêu chảy, nhiễm khuẩn đường ruột.
Dưới đây là chu trình 3 bước cách bảo quản sữa mẹ và sử dụng khoa học:
1.1 Vắt sữa mẹ để lưu trữ
Các mẹ có thể tự vắt sữa bằng tay hoặc bằng máy hút sữa chuyên dùng, và dù theo cách nào các mẹ cũng cần hết sức chú ý tới việc vệ sinh.
Cách vắt sữa mẹ bằng tay đúng cách:
– Bước 1: Dùng chổi và miếng cọ rửa chuyên dụng vệ sinh túi bảo quản sữa bằng nước sạch. Sau đó để ráo tự nhiên và tiệt trùng một lần nữa với nước sôi.
– Bước 2: Rửa tay, núm vú và bầu vú thật sạch
– Bước 3: Đặt một tay vào một bên vú sao cho ngón cái và ngón trỏ đối diện với nhau. Tiếp đó ấn vào thả ra cùng lúc cả ngón cái và ngón trỏ ở vị trí khoang sữa bên dưới quầng vú để sữa được tiết ra. Lưu ý, không nên ép ấn trực tiếp vào núm vú.
– Bước 4: Khi mẹ đã vắt hết sữa một bên vú thì thực hiện các bước tương tự ở bên còn lại. Trung bình thời gian vắt sữa sẽ dao động từ 20-30 phút.
Cách vắt sữa mẹ bằng máy hút sữa:
Với trường hợp mẹ sử dụng các loại máy hút sữa chuyên dụng thì thời gian hút sẽ rút ngắn hơn từ 15 – 20 phút mỗi bên. Mẹ có thể tham khảo chọn các loại máy hút sữa đôi để tiết kiệm thời gian.
– Bước 1: Rửa sạch dụng cụ hút và túi trữ sữa bằng nước sạch, để ráo, tiệt trùng lại bằng nước sôi trước khi sử dụng
– Bước 2: Rửa sạch tay, núm vú và bầu vú
– Bước 3: Đặt phễu hút sữa vào vị trí quầng vú sao cho núm vú nằm ở giữa. Sau đó khởi động máy ở lực hút nhỏ nhất để làm quen dần, sau đó tăng lực hút mạnh hơn để kích thích sữa mẹ tiết ra nhiều hơn.
– Bước 4: Khi đã hút hết sữa một bên thì mẹ sẽ thực hiện các bước tương tự cho bên còn lại
1.2 Cách bảo quản sữa mẹ
Sữa mẹ sau khi vắt nếu bé sử dụng ngay trong vòng 1 vài giờ thì không bắt buộc phải bảo quản trong tủ lạnh.
Ngược lại, nếu mẹ hút sữa để bảo quản sử dụng nhiều ngày thì cần cho ngay vào các loại túi/chai chuyên dụng với dung tích từ 60 – 120ml là hợp lý. Sau đó ghi chú ngày, giờ vắt để nắm rõ thời gian sử dụng. Cuối cùng là cho sữa vào tủ lạnh để đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng của sữa.
Mẹ nên chọn các loại túi trữ sữa, bình trữ sữa chuyên dụng, nếu không có thì có thể sử dụng bình thủy tinh hoặc bình nhựa không chứa BPA.
1.3 Rã đông sữa mẹ trước khi dùng
Nếu sử dụng cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn mát tủ lạnh thì mẹ chỉ cần bỏ ra ngoài ở nhiệt độ phòng hoặc ngâm trong nước ấm là có thể dùng được. Trong trường hợp thấy sữa tách thành các lớp khác nhau thì trước khi uống, mẹ xoay nhẹ chai/túi trữ sữa để trộn đều các lớp, đặc biệt không nên khuấy hoặc lắc mạnh.
Nếu sử dụng cách bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá thì trước tiên mẹ cần cho sữa từ ngăn đá xuống ngăn mát để rã đông. Sau đó mới lấy ra và hâm nóng ở nhiệt độ 40 độ C bằng máy hâm sữa hoặc ngâm trong nước nóng. Lưu ý, không hâm sữa bằng lò vi sóng hoặc đun trực tiếp trên bếp vì nếu làm nóng đột ngột sẽ dẫn đến phá hủy các chất và kháng thể tự nhiên trong sữa.
2. Gợi ý 2 cách bảo quản sữa mẹ khoa học, an toàn
Trước tiên, các mẹ cần nắm rõ rằng nhiệt độ sẽ ảnh hưởng tới thời gian bảo quản sữa mẹ cụ thể như sau:
- Ở nhiệt độ môi trường từ 25 độ C đến 35 độ C giữ được 6 giờ đến 8 giờ
- Ở nhiệt độ 4 độ C (ngăn mát tủ lạnh) giữ được từ 3 đến 5 ngày
- Ở nhiệt độ ngăn đá tủ lạnh thông thường sẽ giữ được 3 tháng
- Bảo quản trong tủ đông lạnh chuyên biệt với mức nhiệt duy trì dưới -18 độ C, có thể bảo quản đến 6 tháng
Do đó, tùy mục đích bảo quản sữa mẹ là để dùng trong ngày hoặc lâu dài mà các mẹ có thể cân nhắc cách bảo quản sữa mẹ cho khoa học.
2.1 Cách bảo quản sữa mẹ trong tủ lạnh hoặc tủ đông chuyên dùng
Bảo quản trong tủ lạnh là phương pháp cách bảo quản sữa mẹ cho trẻ sơ sinh đảm bảo chất lượng nhất nếu muốn thời gian bảo quản lâu. Cách này được sử dụng với các mẹ nhiều sữa, muốn trữ sữa lâu dài cho con hoặc để cho, ngoài ra cũng là cách bảo quản sữa mẹ dành cho những mẹ không có sữa, đi xin sữa các mẹ khác (đây là phong trào khá phổ biến hiện nay).
Nếu có điều kiện, các mẹ có thể sắm các tủ đông chuyên dùng là tối ưu nhất, nếu không thì có thể sử dụng ngăn đá của tủ lạnh gia đình. Các bước bảo quản trong 2 loại tủ này khá giống nhau: Sữa sau khi vắt -> Chia vào túi hoặc bình trữ sữa với dung tích 60 – 120ml -> Dán nhãn ghi ngày, giờ vắt -> Cất ngay vào tủ lạnh.
Điều quan trọng các mẹ cần biết khi bảo quản sữa mẹ tủ lạnh gia đình là không nên đặt các túi sữa ở những vị trí như cánh cửa tủ lạnh, khu vực làm lạnh yếu. Vì những vị trí này không đảm bảo duy trì đúng nhiệt độ cần thiết nên có thể làm cho sữa bị biến chất.
2.2 Cách bảo quản sữa mẹ khi không có tủ lạnh
Trong trường hợp không có tủ lạnh thì sữa mẹ chỉ có thể để tối đa trong vòng 6 – 8 giờ. Với cách này chỉ phù hợp khi các mẹ bỉm sữa đi làm và vắt sữa để ở nhà cho con uống cữ trưa và chiều.
Với phương pháp bảo quản sữa mẹ ở nhiệt độ thường, các mẹ vẫn cần tuân thủ đầy đủ các bước vệ sinh công cụ và tay cũng như núm vú trước khi vắt sữa để tránh việc vi khuẩn xâm nhập. Ngoài ra không bảo quản sữa mẹ ở những khu vực có ánh nắng mặt trời chiếu vào hoặc vị trí gần bếp, vật dụng phát nhiệt. Mẹ cũng có thể cho các túi sữa vào thùng xốp đặt xen kẽ đá viên để tăng hiệu quả bảo quản tốt hơn.
3. Các lưu ý quan trọng khi bảo quản sữa mẹ
- Không hâm sữa bằng cách thay đổi nhiệt độ quá đột ngột bằng lò vi sóng, đun trực tiếp trên bếp
- Sữa sau khi rã đông nên cho trẻ uống hết, nếu còn dư thì đem bỏ chứ không bảo quản lại vào trong tủ lạnh
- Khi hâm sữa cần đậy kín bình sữa và chỉ hâm trong nước ấm. Khi uống thì đảo nhẹ bình chứ không được lắc mạnh
Và quan trọng nhất là việc ghi chú và gián ngày vắt sữa ở túi/bình trữ sữa để đảm bảo không dùng sữa đã hết hạn cho con.