Về hiệu năng hoạt động
Do sử dụng công nghệ lưu trữ và đọc/ghi dữ liệu trực tiếp trên các con chip flash thay vì trên các phiến đĩa nên ổ SSD cho hiệu suất sử dụng cao và ổn định hơn HDD nhiều. Một máy tính dùng ổ SSD chỉ mất khoảng vài giây để khởi động, trong khi máy dùng ổ HDD cho thời gian khởi động lâu hơn, lên đến vài phút, ngoài ra các tác vụ truy suất dữ liệu trên ổ SSD cũng mượt mà hơn, người dùng không phải chờ lâu khi muốn tìm kiếm hay mở bất kỳ ứng dụng nào.
SSD cũng cho phép bạn sử dụng hết băng thông của USB 2.0/3.0. Do bị hạn chế về mặt tốc độ xử lý thông tin, nên khi bạn dùng một USB có băng thông cao như USB 3.0 (5Gb/s – khoảng 625MB/s) để sao chép dữ liệu từ một ổ HDD thì tốc độ đọc/ghi chỉ đạt được ở mức 20 – 30MB/s cho dù máy bạn có trang bị khe cắm USB 3.0 đi chăng nữa. Nếu thay bằng một chiếc SSD, tốc độ sao chép dữ liệu qua USB sẽ được cải thiện hơn nhiều.
Ổ cứng SSD chỉ hoạt động thông qua các tín hiệu điện, nên phần điện năng cung cấp cho SSD chủ yếu tập trung vào việc giải mã các tín hiệu điện tử trên chip flash, trong khi ở ổ HDD, điện năng phải cung cấp cho cả guồng động cơ quay để đảm bảo tốc độ quay cần thiết và đầu đọc từ cũng cần có năng lượng để vận hành, tìm kiếm, đọc/ghi dữ liệu trên các phiến đĩa. Lượng điện năng hao phí trên HDD sẽ nhiều hơn trên SSD, do đó SSD là sự lựa chọn tối ưu nếu bạn muốn tiết kiệm điện năng hoặc cải thiện thời gian sử dụng pin cho laptop.
Sự phân mảnh dữ liệu
Với cấu trúc mặt đĩa hình tròn, đầu đọc/ghi và động cơ quay nên ổ HDD chỉ thực sự làm việc hiệu quả với các tập tin lớn được lưu trữ liền kề nhau, các dữ liệu nhỏ sẽ dễ bị phân mảnh (bị phân bố rải rác trên phiễn đĩa), do đó việc truy suất các dữ liệu này sẽ tốn nhiều thời gian hơn. Hiện tượng này lại không xuất hiện trên ổ SSD do có cấu trúc chip nhớ rời và dữ liệu được phân vùng ngay trên đó.
Độ bền và tuổi thọ
SSD có độ bền cao hơn hẳn HDD nhờ có cấu tạo vật lý cố định không chứa thành phần cơ học nào, ngược lại, ổ HDD có cấu tạo chủ yếu là các thành phần cơ học nên dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của ngoại lực như va chạm, giằng sốc, rơi, v.v… và do hoạt động cơ học nên ổ HDD cũng dễ sinh ra nhiệt năng, ảnh hưởng đến tuổi thọ của không chỉ chính nó và còn cho các linh kiện đặt gần nó.
Tuy nhiên ổ SSD cũng bị giới hạn bởi số lần đọc/ghi nhất định được gọi là “tỷ lệ chịu ghi” (Write Endurance Rating). Mặc dù vậy thì tuổi thọ trung bình của một ổ SSD cũng vẫn cao hơn so với ổ HDD (tuổi thọ trung bình của ổ SSD là 2 triệu giờ sử dụng, trong khi của ổ HDD là 1.5 triệu giờ). Ngoài ra ổ SDD còn có khả năng hoạt động trong môi trường khắc nghiệt với nhiệt độ từ – 60 đến 95 độ C và cho khả năng chống sốc vô cùng hiệu quả.
Tiếng ồn
Đây là điều tuyệt nhiên sẽ không xuất hiện đối với ổ SSD. Ngược lại, ổ HDD lại phát ra tiếng ồn khi hoạt động, đôi khi âm thanh này lại khiến người dùng cảm thấy khó chịu.
Giá cả
Về giá thành thì ổ HDD lại có ưu thế hơn hẳn SSD vì ở cùng một mức dung lượng, một ổ SSD có thể có giá gấp 6 7 lần một ổ HDD.
Những trường hợp nên sử dụng ổ SSD
Do có giá thành khá cao nên không phải ai cũng có thể trang bị cho mình một ổ SSD. Nếu bạn có nhu cầu di chuyển nhiều trong khi làm việc hoặc cần tốc độ xử lý dữ liệu cao thì một ổ SSD sẽ là lựa chọn tối ưu cho bạn.
Những trường hợp nên sử dụng ổ HDD
Nếu bạn có nhu cầu download nhiều và thích lưu trữ các dữ liệu dung lượng lớn thì ổ HDD sẽ là sự lựa chọn tối ưu. Hoặc nếu bạn là người dùng phổ thông, không phải dùng máy tính khi di chuyển, không cần tốc độ đọc/ghi khủng thì cũng không cần phải bỏ ra qua nhiều tiền cho một ổ SSD.
Kết hợp ổ SSD và HDD
Đây có lẽ là cách tốt nhất để tối ưu hóa khả năng lưu trữ cho máy tính của bạn. Bạn vừa có thể truy cập dữ liệu nhanh chóng, vừa đảm bảo các tập tin quan trọng được lưu giữ an toàn và vừa có thể trang bị cho mình một kho chứa dữ liệu khổng lồ. Nếu bạn làm việc trong lĩnh vực đồ họa thì đây có thể là cách làm hiệu quả nhất cho vấn đề lưu trữ, đọc/ghi dữ liệu của bạn, một ổ HDD để lưu trữ các dữ liệu cần thiết cho công việc, và một ổ SSD để làm ổ chính chứa các tập tin thực thi.