Cấu tạo và cơ chế hoạt động
Ổ cứng SSD (Solid State Drive) là một loại ổ cứng thể rắn, được cấu thành từ nhiều con chip nhớ Non-volatile Memory Chip (chip nhớ không thay đổi). Ở ổ cứng SSD, dữ liệu được lưu trữ trên những con chip nhớ flash liên kết với nhau thay vì trên lớp từ phủ trên mặt đĩa cứng như HDD. Những con chip flash này được lắp đặt cố định trên bo mạch chủ của hệ thống, trên card PCI/PCIe, hoặc trong một chiếc hộp có kích thước và hình dạng như ổ cứng của máy tính. Người ta có thể liên tưởng những con chip flash này với những con chip flash trong USB, nhưng thực tế thì chúng khác nhau về chủng loại cũng như tốc độ ghi, và dĩ nhiên là bộ nhớ flash của ổ SSD nhanh hơn và đáng tin cậy hơn nhiều so với bộ SSnhớ flash của USB, đó cũng là lý do vì sao ổ cứng SSD có giá thành đắt hơn USB nhiều trong cùng một khả năng lưu trữ.
Cấu tạo của ổ SSD
Việc lưu trữ dữ liệu trên các chip flash cho phép việc truy xuất dữ liệu trên ổ SSD gần như diễn ra ngay lập tức và tốc độ đọc/ghi cũng sẽ không bị ảnh hưởng cho dù ổ cứng có bị phân mảnh sau một thời gian sử dụng đi chăng nữa và ngay cả khi không được cung cấp năng lượng, các dữ liệu cũng luôn được lưu trữ lâu dài bên trong các con chip này. Do chip nhớ sẽ chết sau một số lần đọc và ghi nhất định nên bộ điều khiển SSD ngoài nhiệm vụ giải mã dữ liệu nó còn có chức năng điều khiển chip nào sẽ được dùng trong mỗi lần truyền tải dữ liệu.
Điểm nổi bật của SSD
Có thể nói SSD là một bước đột phá của công nghệ lưu trữ, so với ổ cứng HDD thì ở ổ SSD, sức mạnh, tốc độ, nhiệt độ cũng như lượng điện năng tiêu thụ và cả độ an toàn cho dữ liệu đều được cải thiện đáng kể. Do sử dụng công nghệ lưu trữ mới và hiện đại hơn nên SSD cũng có độ bền cao hơn hẳn HDD. Hoạt động theo cơ chế cơ học lên các linh kiện động cơ quay và đầu đọc dữ liệu của HDD thường dễ bị tác động bởi ngoại lực như rung, lắc, rơi, v.v… khiến chúng bị sai lệch và có thể dẫn đến việc ngừng hoạt động hoàn toàn, gây tổn thất không ít cho người dùng. Ngược lại, SDD lại không có bất kỳ thành phần chuyển động cơ học nào nên chiếc ổ cứng này cũng như dữ liệu bên trong nó hoàn toàn có khả năng sống sót sau những tác động vật lý từ bên ngoài trong trường hợp nếu nó không bị biến dạng. Bên cạnh đó, ổ SSD cũng không gây ra bất kỳ tiếng ồn nào vì nó chỉ hoạt động tín hiệu điện và phần điện năng cung cấp cho SSD chỉ tập trung vào việc giải mã các tín hiệu điện tử trên các chip flash thay vì phải vận hành cả một “bộ máy quay” như ổ HDD nên dĩ nhiên lượng điện năng tiêu thụ cũng được tiết kiệm đáng kể.
Ổ HDD và ổ SSD
Về tốc độ đọc/ghi dữ liệu thì SSD vượt trội hơn nhiều so với HDD do cách thức hoạt động của chip nhớ tốt hơn nhiều so với đĩa từ. Đó cũng là lý do vì sao các máy tính dùng ổ SSD chỉ cần mất vài giây để sẵn sàng trong khi ổ HDD phải tốn đến hàng phút, và dĩ nhiên là tốc độ sao chép dữ liệu trên SSD cũng nhanh hơn HDD.
So sánh cấu hình của SSD và HDD
Hạn chế
Tuy nhiên, do các con chip flash được dùng trong SSD thường sẽ chết sau một số lần đọc/ghi nhất định, nên SSD còn bị hạn chế về mặt tuổi thọ, mặc dù vậy thì người ta cũng không thể phủ nhận về sự ưu việt của ổ cứng này so với ổ HDD. Và giá thành cũng là một mặt hạn chế của ổ SSD, hiện nay trên thị trường giá của một ổ SSD có thể mắc hơn gấp vài lần một ổ HDD có cùng dung lượng, do đó mà tuy mạnh mẽ và đáng tin cậy hơn ổ HDD nhưng SSD vẫn chưa phổ biến bằng HDD.