Những điềm lành và những điều người Việt cần kiêng kỵ trong 3 ngày Tết

Chuyển tới nội dung chính trong bài[xem]
Hoa đào, hoa mai nở 6 cánh... là những điềm lành cho gia chủ vào dịp Tết. Trong khi đó, có người vay mượn đầu năm... sẽ mang lại những điềm gở cho gia chủ trong cả năm.

Những điềm lành ngày Tết

– Hoa mai: Người miền Nam thường lấy hoa Mai là biểu tượng của Tết, của mùa xuân. Người ta cũng cho là gặp điểm may nếu vào đúng giao thừa, loài hoa mai năm cánh sẽ có một vài bông 6 cánh. Người ta cũng quan niệm rằng, người tìm được hoa mai 6 cánh sẽ rất may mắn trong năm đó.

– Hoa đào: Nếu người miền Nam lấy hoa Mai là biểu tượng thì người miền Bắc và miền Trung lại lấy hoa Đào là biểu tượng của Tết, của mùa Xuân. Quan niệm đối với điềm lành từ hoa đào cũng giống như với hoa mai. Nếu loài hoa đào 5 cánh mà có một vài bông 6 cánh thì gia đình sở hữu cành đào đó sẽ may mắn cả năm, càng nhiều bông 6 cánh thì càng may mắn.

Ngoài ra, người ta cũng xem xét đến lộc của cây đào và cây mai. Nếu năm nào, cây đào, cây mai có nhiều lộc non thì năm đó sẽ là năm mà gia chủ có nhiều lộc, làm ăn tấn tới, phát lộc, phát tài.

– Cây quất: Người ta thường quan niệm rằng, những cây quất có đủ “tứ quý”: Quả chín, quả xanh, hoa và lộc thì sẽ mang đến may mắn cho gia chủ cả năm.

– Tục mua muối đầu năm: Nếu đầu năm, vào sáng mùng Một Tết, gia đình có thể mua được cân muối thì cả năm đó sẽ là một năm hạnh phúc, sum vầy của cả gia đình.

Những điều cần kiêng kỵ để tránh điểm gở ngày Tết

– Kiêng chúc Tết người đang nằm ngủ

Tục lệ này có từ xa xưa bởi ông cha cho rằng khi chúc Tết những người đang nằm ngủ không những không phải sẽ đem lại những may mắn và thịnh vượng vào năm mới mà còn được xem như lời trù ẻo chủ nhà nằm trên giường li bì cả năm.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại hơn, vì vậy thường thì người ta sẽ không còn nằm ngủ ở nơi tiếp khách nhưng ngày xưa thường thì phỏng ngủ cũng là phòng khách, vì vậy mới sinh ra tục lệ này. Tuy nhiên, Tết này nếu gặp gia chủ đang nằm ngủ trong phòng khách thì bạn cũng không nên nói lời chúc đầu năm. Vào nói chuyện, chơi Tết một lúc rồi hãy chúc Tết gia đình.

– Kiêng quét nhà

Trong một điển tích Trung Quốc có tên “Sưu thần ký”kể rằng, một người lái buôn tên là Âu Minh khi đi qua hồ Thanh Thảo được thủy thần thương ban cho một người hầu tên là Như Nguyệt. Từ ngày ông này đem Như Nguyệt về nuôi, trong nhà làm ăn phát đạt, trong vài năm gia đình ông đã trở nên giàu có. Một hôm, Âu Minh vì giận Như Nguyệt không làm được việc mà ra tay đánh cậu bé. Sợ hãi, Như Nguyệt chui vào đống rác, không hiểu vì sao từ đó gia đình Âu Minh làm ăn đi xuống và dần dần trở nên khánh kiệt. Sau vụ việc này dân làng mới biệt Như Nguyệt là vị thần mang lại sự giàu có, và cũng kể từ đó mà mọi người không quét rác vào ba ngày Tết để tránh đuổi “thần giàu có” ra khỏi nhà.

Bởi không quét rác vào đầu năm nên thường thì các gia đình phương Đông nói chung và gia đình Việt Nam nói riêng thường dọn nhà cửa cho đến ngày 30 Tết để đảm bảo được khách khứa đến chơi nhà được sạch sẽ và thoáng mát. Nếu 3 ngày Tết có rác, người ta cũng chỉ quét rồi dồn vào góc nhà mà không quét ra sân. Quét xong, người ta sẽ cất hết chổi bởi mất chổi sẽ mang lại điềm xấu rằng năm đó gia đình sẽ bị trộm vào lấy hết của cải.

– Kiêng mặc quần áo màu trắng, đen

Theo quan niệm từ xưa đến nay, màu đen – trắng là màu của tang tóc và chết chóc nên trong 3 ngày Tết người ta sẽ kiêng mặc quần áo màu trắng và đen. Thay vào đó, trong những ngày đầu năm, người dân Việt Nam chuộng những màu sắc sặc sỡ thể hiện sức sống như màu vàng, màu đỏ, màu xanh, màu hồng… Những màu sắc này sẽ giúp cho không khí tết thêm vui vẻ và cũng có ý nghĩa mang lại sự hạnh phúc vui tươi cho gia đình trong suốt cả năm.

– Kiêng khóc lóc, buồn tủi, bực tức

Thường thì người ta quan niệm rằng những gì xẩy ra vào 3 ngày Tết sẽ “vận” vào chúng ta trong suốt cả năm. Vì vậy, trong dịp Tết, những hành động như khóc lóc, buồn tủi, bực tức là những hành động nên kiêng tuyệt đối. Nếu chẳng may trong nhà có chuyện không vui, người thân trong gia đình cũng nên kiềm chế hết mức có thể để có được một năm mới may mắn và hạnh phúc.

– Kỵ mai táng

Tết Nguyên đán thường được ông bà ta gọi là “Tết Cả”, đây là ngày vui nhất của một năm và có ý nghĩa rất thiêng liêng: mở đầu cho một vận hội mới của đất trời, của con người và dân tộc. Vì thế, trong 3 ngày Tết, và đặc biệt là ngày mùng 1 Tết, các gia đình Việt Nam thường kiêng mai táng dù gia đình có chuyện buồn. Nếu gia đình có người chết vào trước ngày 30 tháng 12 âm thì phải cố gắng chôn cất kịp trước khi giao thừa đến. Còn nếu chết vào đúng mùng 1 thì phải đợi qua ngày mùng 2 mới được làm lễ phát tang.

Thêm vào đó, những nhà có tang sẽ không đi chúc Tết bà con láng giềng bởi như thế người ta sẽ cho rằng mình mang vận xui đến cho người khác. Tuy vậy, các bà con hàng xóm vẫn có thể đến chúc Tết những gia đình có tang, nhằm an ủi và chia sẻ nỗi buồn với những người bất hạnh.

– Kiêng đánh thức người khác trong ngày mùng 1 Tết

Ngày đầu năm, nếu bị ai đó (người thân hoặc khách) đánh thức, cả năm bạn sẽ phải chịu sự thúc giục của người khác trong công việc cũng như trong cuộc sống. Vì vậy mà nếu đến mà thấy gia chủ đang ngủ thì một là đi về, hai là đợi, chứ không nên đánh thức họ dậy. Năm mới, các mẹ, các bố cũng không nên gọi con dậy mà chỉ nhắc nhở vào ngày 30 tết.

– Kiêng về nhà ngoại vào ngày mùng 1, 4, 5 Tết

Ngày mùng 1 là ngày mà con dâu bày tỏ sự hiếu kính với nhà họ nội, vì vậy, theo tục lệ thì ngày mùng 1 không phải là ngày mà con rể và con gái về nhà ngoại. Ngày mùng 4 và 5 cũng là những ngày mà con gái và con rể nên chủ động kiêng. Chỉ có vào mùng 2, mùng 3 về chúc Tết nhà ngoại thì mới mang lại vận may cho gia đình bên ngoại.

– Kiêng giặt quần áo vào mùng 1, mùng 2

Hai ngày đầu năm là ngày sinh của thủy thần vì vậy những việc liên quan đến nước, đặc biệt là giặt quần áo mọi người nên kiêng để không mạo phạm đến thủy thần. Ngày nay, hầu như gia đình nào cũng có một chiếc máy giặt, vì vậy mà việc để quần áo hai ngày không giặt cũng là chuyện không có gì to tát. Tuy vậy bạn vẫn nên chú ý, đợi đến mùng 3 rồi hãy giặt quần áo cho cả gia đình.

– Kiêng mở tủ vào mùng 1

Người xưa thường sẽ chuẩn bị từ hôm 30 tết những gì mình sẽ mặc vào ngày mùng 1, bánh kẹo cũng được bày sẵn lên bàn để đón tiếp khách đến chơi bởi họ quan niệm rằng mở tủ vào ngày mùng 1 sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may trong cả năm.

– Kỵ vay mượn, trả nợ ngày đầu năm

Vay mượn hay trả nợ đầu năm là những vấn đề vô cùng nhạy cảm và tế nhị. Người xưa thường quan niệm rằng nếu cho vay vào ngày đầu năm sẽ trở thành “chủ nợ” cả năm, điều đó có nghĩa là họ sẽ phải cho vay cả năm. Còn với những người trả nợ đầu năm, cũng tương tự, họ sẽ phải làm việc và chỉ để trả nợ trong suốt cả năm đó. Ngoài vay mượn tiền bạc, người Việt cũng kiêng không cho mượn và trả đồ vào 3 ngày tết.

– Kiêng cho người khác nước và lửa

Lửa có màu đỏ, thường có ý nghĩa mang lại may mắn cho gia chủ trong năm mới, vì vậy nếu cho đi, tức là gia chủ sẽ tự nguyện cho cái may mắn, giàu có, điều đó cũng đồng nghĩa với việc cả năm gia đình sẽ gặp nhiều xui xẻo, không giữ được tiền của. Người xưa cũng có câu “Tiền vào như nước”, vì vậy mà khi cho người khác nước, tiền bạc và của cải của gia chủ cũng sẽ ra đi nhiều như nước.

– Kiêng làm vỡ các đồ vật

Những đồ vật đổ vỡ thường là điềm báo cho sự chia lìa cho một mối quan hệ nào đó. Vì vậy trong những ngày đầu năm, người ta thường dặn dò nhau phải cẩn thận không được đánh vỡ bát đĩa, ấm chén.

– Kiêng cúng quan đương niên trong nhà

Thường thì người Việt hay cúng tiễn quan quân nhà trời ở ngoài sân bởi chúng ta thường quan niệm rằng cuối năm họ rất bận rộn, không thể ghé qua nhà.

– Kiêng ăn đuôi cá

Cá chép là loài cá được mệnh danh là “vượt vũ môn hóa rồng”, vì vậy người ta quan niệm nếu ăn cá trong 3 ngày Tết sẽ được thông minh và thăng tiến hơn trong học tập và sự nghiệp. Nhưng người ta cũng tránh ăn phần đuôi để thể hiện rằng của cải dư thừa, không cần ăn đến phần đuôi cá, như thế gia đình sẽ có của ăn của để trong cả năm.

– Kiêng trượt chân, vấp ngã

Trượt chân và vấp ngã sẽ làm cho người ta bị “dông” cả năm, xui xẻo, trục trặc trong công việc. Vì vậy trong những ngày đầu năm người ta thường được dặn dò đi đứng cẩn thận.

– Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa

Người ta kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa bởi những hành động như thế không chỉ được coi là vô duyên mà còn làm cho luồng khí tốt lành vào nhà bị chặn lại khiến cho gia chủ bị hao tán tiền của.

– Kiêng vỗ vai, quàng vai người khác

Nhiều người cho rằng những hành động như vỗ vai, quàng vai vào dịp tết sẽ khiến họ gặp xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên, hạnh phúc gia đình. Chính vì vậy mà hành động tưởng chừng thân mật này lại bị kiêng trong những ngày đầu năm.

– Kiêng đi chúc Tết khi đang có thai

Đối với người Việt Nam, không chỉ những người có tang phải kiêng không đi chúc Tết, mà những người có thai cũng không nên đi chúc Tết bởi theo quan niệm dân gian, những người có bầu thường đem lại xui xẻo. Trong những ngày bình thường, khi có việc trọng đại người ta cũng tránh việc “ra ngõ gặp gái chửa”.

– Kiêng quên khăn tay ở nhà người khác

Quan niệm của người xưa cho rằng việc để khăn ở nhà người khác trong những ngày Tết sẽ mang lại xui xẻo, bất trắc cho gia chủ.

Hương Giang

tổng hợp

Websosanh.vn – Website so sánh đầu tiên tại Việt Nam

Tin tức về Cuộc sống

Bia Chimay - lựa chọn bia nhập khẩu cao cấp biếu tặng dịp Tết 2025

Bia Chimay - lựa chọn bia nhập khẩu cao cấp biếu tặng dịp Tết 2025

Bia Chimay là biểu tượng của dòng bia Trappist, một trong những dòng bia cao cấp nhất thế giới, được sản xuất tại tu viện Scourmont, Bỉ. Dịp Tết 2025, bia Chimay trở thành món quà độc đáo và sang trọng, phù hợp để thưởng thức trong gia đình hoặc dành tặng bạn bè, đối tác.
So sánh máy hút sữa Imani và Medela nên mua loại nào?

So sánh máy hút sữa Imani và Medela nên mua loại nào?

Cả Imani và Medela đều là những thương hiệu nổi tiếng đình đám trên toàn thế giới và được nhiều người yêu thích sử dụng. Trong bài viết này,Websosanh.vn sẽ so sánh máy hút sữa Imani và Medela một cách chi tiết để giúp các mẹ hiểu rõ và đưa ra lựa chọn sáng suốt.