Bảo quản sữa mẹ trong ngăn đá tủ lạnh để lưu trữ sữa trong thời gian vài tháng hay bảo quản trong ngăn mát để duy trì chất lượng sữa trong 3 – 5 ngày là cách làm được các mẹ sữa áp dụng khi nuôi con trong thời gian đi làm không cho con ti mẹ trực tiếp được.
Đối với sữa mẹ trữ trong tủ mát thì việc cho bé uống sẽ đơn giản hơn bằng cách cho bình sữa ra bên ngoài nhiệt độ phòng và dùng máy hâm sữa để bình và sữa đạt được nhiệt độ sử dụng phù hợp với bé. Tuy nhiên, khi trữ đông sữa mẹ cần tuân theo những quy trình rã đông sữa phức tạp hơn để đảm bảo chất lượng sữa sau rã đông tốt nhất cho con tu ti.
Khi đã bảo quản tốt các túi sữa trữ đông thì cách thức rã đông cũng rất quan trọng để chất lượng sữa được đảm bảo tối ưu, dưới đây là những điều cần tránh khi rã đông sữa để sử dụng sữa mẹ trữ đông an toàn cho con :
Không nên làm tan sữa mẹ đông lạnh ở nhiệt độ phòng
Khi làm tan sữa mẹ ở nhiệt độ phòng rất có thể bị vi khuẩn xâm nhập, nên để rã đông sữa ở ngăn mát tủ lạnh.
Không rã đông bằng cách đun sữa mẹ hay rã đông sữa bằng lò vi sóng
Vì sóng microwave, sóng điện từ sẽ phá huỷ vitamin và kháng thể thiết yếu trong sữa, khiến sữa mẹ mất một phần chất đạm cũng như các dinh dưỡng quý báu khác, hơn nữa sữa nóng không kiểm soát được có thể làm bỏng con. Sữa sau khi rã đông, nếu bé bú không hết thì phải bỏ đi, không được dùng hay trữ lại. Không pha sữa đông thừa với sữa mới vắt.
Không nên sử dụng bếp để rã đông sữa mẹ
Khi cần rã đông sữa mẹ nhanh chóng thường thì các mẹ sẽ nghĩ đến việc để túi sữa vào nồi nước sôi trên bếp, tuy nhiên cách này lại khiến sữa quá nóng phá hủy chất dinh dưỡng và gây bỏng cho con. Đun nóng sữa khiến sữa nóng không đều tạo những điểm nóng gây bỏng cho trẻ. Mẹ có thể áp dụng cách khác như đặt bình sữa hoặc túi sữa vào bát nước ấm và không để ngập bình sữa.
Không lắc bình sữa rã đông hay thay đổi nhiệt độ đột ngột
Các loại kháng thể Lysozyme, Lactoferrin… sẽ phát huy tính năng kháng viêm nhiễm, hay chống hiện tượng sưng tấy niêm mạc của ruột chỉ khi chúng có đúng dạng cấu trúc ban đầu của phân tử. Để bảo quản tốt những thành phần này trong sữa mẹ, mẹ cần tác động nhẹ nhàng tránh rung lắc mạnh lượng sữa đó như vậy sẽ tránh đứt gãy các đoạn phân tử phức tạp này. Khi muốn hòa tan lượng váng sữa đóng trên bề mặt với sữa mẹ cần lắc nhẹ bình hoặc dùng hai lòng bàn tay nóng ấm cầm thân bình sữa và xoay tròn.
Sữa mẹ sau rã đông đã hâm nóng chỉ để ở nhiệt độ phòng trong tối đa 4 giờ hoặc đặt trong tủ lạnh tối đa 24 giờ.
Không đun sôi sữa mẹ sau rã đông
Một số enzyme dồi dào có trong sữa mẹ có lợi cho sức khỏe của bé có thể gây nên những hiện tượng thay đổi mùi vị của sữa, sữa có thể bị chua và có mùi không dễ chịu với con, ví dụ như enzyme Lipase sẽ phá vỡ chất béo của sữa khi bảo quản, mặc dù vẫn an toàn cho con nhưng có thể khiến bé nhạy cảm không uống sữa vì không thích mùi vị đó. Cách xử lý là các mẹ có thể đun nóng sữa, tuy nhiên tuyệt đối không đun sôi, chỉ đun khi sữa nổi bong bóng nhỏ là tắt bếp.
Ngoài ra, mẹ nên lưu ý khi có hiện tượng sữa rã đông kết tủa thành đám mây trắng đục thì là đã hỏng không sử dụng được cần bỏ đi để tránh những nguy cơ làm hại đến vi sinh vật khỏe mạnh trong đường ruột bé, thậm chí khiến cho bé bị đi ngoài, tiêu chảy hay ngộ độc. Túi trữ sữa của mẹ cần ghi rõ ngày tháng trữ sữa, không cấp đông trở lại khi đã rã đông và tuyệt đối không trữ sữa ở cánh tủ lạnh để đảm bảo nhiệt độ lạnh đạt mức yêu cầu.
Hi vọng với những lưu ý về các vấn đề không nên làm cho con dưới đây các mẹ có thể thực hiện tốt hơn và tự tin hơn trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ trữ đông khi bắt đầu đi làm.