Nội dung nổi bật:
– Quá khứ: Thời kỳ đầu khi chưa trở thành “đại gia” trong làng công nghệ, Samsung nổi tiếng với biệt danh là kẻ nhạy bén và “nhanh chóng nắm bắt”.
– Hiện tại: Samsung như một thực thể phát triển nhanh chóng với hình thể “quá khổ”, từng bước di chuyển đều trở nên khó khăn hơn nhiều so với thời kỳ đầu. Thành tựu và vị trí mà Samsung đạt được hiện nay là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ. Nhất là khi hai, ba năm trở lại đây, công ty này chưa có một lộ trình phát triển cụ thể nào.
– Chiến lược: Samsung đã và đang có những bước đi cho riêng mình để tránh bị tụt lại với các đối thủ đang lên. Họ dành khoảng 25% lực lượng lao động để nghiên cứu và phát triển sản phẩm mỗi năm. Chiến lược kinh doanh được đặt ra là sẽ vẫn sản xuất những sản phẩm giá rẻ để lôi kéo người tiêu dùng vốn có thu nhập trung bình.
Thời kỳ đầu khi chưa trở thành “đại gia” trong làng công nghệ, Samsung nổi tiếng với biệt danh là kẻ nhạy bén và “nhanh chóng nắm bắt” (theo nghĩa đen). Bất cứ sự cải tiến, phát triển nào trong lĩnh vực phần cứng, Samsung đều nắm bắt và sản xuất hàng loạt sản phẩm với giá rẻ đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Giờ đây khi đã đạt được thành tựu ở nhiều lĩnh vực, Samsung đang phải cố gắng xóa đi hình ảnh của một kẻ hay bắt chước và vạch ra hướng đi cho sự cải tiến và đột phá. Năm ngoái, khi xuất hiện những lời đồn về việc Apple đang nghiên cứu sản xuất một loại đồng hồ thông minh thì Samsung đã sẵn sàng cho ra mắt sản phẩm của mình. Chiếc Galaxy Gear không thật sự thành công về mặt thương mại, nhưng bước đi này đã chứng tỏ phần nào nỗ lực cải tiến của tập đoàn.
Tháng 12/2013, trong một cuộc họp gồm 10 lãnh đạo cấp cao nhất của Samsung tại Thượng Hải, Trung Quốc, vấn đề duy nhất được mang ra thảo luận là: Phải đổi mới, phát triển như thế nào để tồn tại trong ngành công nghiệp vốn cạnh tranh khốc liệt như ngày nay?
Những ví dụ điển hình về sự cải tiến thành công
Để nói về những trường hợp từ “nắm bắt nhanh chóng” đến vị trí nhà cách tân phải kể đến đầu tiên là các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản.
Thời kỳ đầu mới khởi nghiệp, Mitsubishi, Nissan hay Toyota phải học tập và thậm chí bắt chước theo phương pháp sản xuất của những công ty như Ford (Mỹ). Tuy nhiên, vài thập kỷ trở lại đây, người ta thấy tình thế hoàn toàn bị đảo ngược. Nhiều hãng ô tô của Mỹ hiện phải gồng mình cạnh tranh nhằm bắt kịp xu hướng sản xuất các mẫu xe đa chức năng, tiết kiệm nhiên liệu của các công ty Nhật Bản.
Một công ty khác đến từ Nhật Bản là Sony, đối thủ đáng gờm một thời của Samsung cũng từng trải qua quá trình chuyển đổi tương tự. Công ty này khởi nghiệp vào thời kỳ Thế chiến II bằng cách sản xuất các phiên bản chất lượng thấp của băng ghi âm và các thiết bị đã được phát minh ở nơi khác.
Phải mất gần một thập kỷ sau đó Sony mới tạo ra máy phát thanh bán dẫn đầu tiên trên thị trường và hàng loạt các đột phá khác như Walkman và PlayStation. Cũng chính những thành tựu này đã giúp”Made in Japan” (sản xuất tại Nhật Bản), cụm từ từng bị chế nhạo trở thành niềm tự hào của đất nước mặt trời mọc.
Nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược
Jay Eum, một nhà đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon đưa ra bình luận thú vị: “Samsung như một thực thể phát triển nhanh chóng với hình thể “quá khổ”, từng bước di chuyển đều trở nên khó khăn hơn nhiều so với thời kỳ đầu. Thành tựu và vị trí mà Samsung đạt được hiện nay là niềm tự hào nhưng đồng thời cũng là thách thức không nhỏ. Nhất là khi hai, ba năm trở lại đây, công ty này chưa có một lộ trình phát triển cụ thể nào”.
Trước tình hình đó, chủ tịch tập đoàn Samsung là Lee Kun Hee tỏ ra hết sức sáng suốt. Trong một bài phát biểu vào năm ngoái, ông kêu gọi toàn thể nhân viên xác định “các lĩnh vực mới mà Samsung sẽ tiếp cận trong tương lai”. Gần đây nhất, chủ tịch Lee lại nhấn mạnh: “Cần phải có một sự đầu tư lớn hơn cho đổi mới, bao gồm cả cơ cấu kinh doanh, đây là con đường duy nhất để chúng ta có thể trở thành hãng dẫn đầu xu hướng trong ngành”.
Trên thực tế, Samsung cho biết họ dành khoảng 25% lực lượng lao động để nghiên cứu và phát triển sản phẩm với hàng ngàn bằng sáng chế mới mỗi năm. Trong một tuyên bố sứ mệnh, hãng này nhấn mạnh: “Samsung luôn là nhà cách tân và dẫn dắt sự phát triển các sản phẩm công nghệ cốt lõi trong nhiều năm qua.Chúng tôi phản đối ý kiến cho rằng Samsung chỉ đơn giản là một người “nắm bắt nhanh chóng”. Thành công của chúng tôi trong ngành công nghiệp vốn đầy tính cạnh tranh này đến từ cam kết R&D (Nghiên cứu và Phát triển)”.
Nhìn nhận lại một cách thực tế, sự nổi lên của thương hiệu toàn cầu mang tên Samsung chỉ mới đến trong vòng hơn một thập kỷ vừa qua.Năm 1993, chủ tịch tập đoàn này là Lee Kun Hee tổ chức một cuộc họp tại Frankfurt, Đức với nội dung thảo luận kế hoạch chuyển đổi công ty điện tửthành một nhà sản xuất phần cứng chất lượng cao.
Chiến lược kinh doanh được đặt ra là sẽ vẫn sản xuất những sản phẩm giá rẻ để lôi kéo người tiêu dùng vốn có thu nhập trung bình, bên cạnh đó bắt đầu sản xuất những thiết bị có đầy đủ tính năng, thậm chí nổi trội hơn hẳn so với đối thủ cạnh tranh.
Cho tới nay, Samsung đang là hãng đứng đầu thế giới trong lĩnh vực sán xuất ti vi và điện thoại thông minh, đứng thứ hai về máy tính bảng và đang nhắm đến mục tiêu vị trí hàng đầu về các ứng dụng trong năm tới.
Thị trường điện thoại thông minh: Thành công và thách thức
Ít ai biết, Samsung là nhà cách tân trong mảng chip sử dụng cho điện thoại thông minh. Họ từng là một trong những nhà cung cấp phần cứng lớn nhất cho Apple và nhiều hãng khác. Nhận thấy được món hời mà mảng kinh doanh này mang lại, Samsung quyết định thực hiện bước nhảy vọt trong năm 2009, hai năm sau khi iPhone được tung ra thị trường, với dòng điện thoại cảm ứng Galaxy.
Tuy nhiên, mọi việc diễn ra không được suôn sẻ khi Apple đâm đơn kiện năm 2011với cáo buộc Samsung sao chép iPhone và vi phạm bằng sáng chế. Kết quả Apple thắng kiện và nhận được khoản đền bù 1 tỷ USD. Việc này không chỉ làm tiêu tốn tiền bạc mà còn ảnh hưởng mạnh mẽ tới danh tiếng của Samsung và ngăn cản nỗ lực thay đổi hình ảnh thương hiệu của hãng này. Ross Rubin, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn Reticla cho rằng: “Việc thua kiện Apple là cái giá mà Samsung phải trả. Người tiêu dùng không đáng phải trả nhiều tiền hơn cho một sản phẩm bị coi là bắt chước”.
Đó không phải là áp lực duy nhất Samsung đang phải đối mặt trong mảng kinh doanh điện thoại thông minh.Thị trường hiện đang tràn ngập các sản phẩm gần như là giống nhau và cách duy nhất và đơn giản nhất để phân biệt chúng có lẽ là hệ điều hành.Vấn đề đặt ra là, điện thoại thông minh, máy tính bảng của Samsung đang sử dụng hệ điều hành Android của Google, thậm chí họ đang sản xuất máy tính xách tay Chromebook và Google TV.
Horace Dediu, đến từ công ty tư vấn Asymco cho biết: “Với thành công như hiện nay, nếu Samsung không thể nỗ lực tự tạo ra các phần mềm, dịch vụ di động, thậm chí là một hệ điều hành riêng cho các sản phẩm của mình thì nó gần như không có tương lai. Những nỗ lực như hiện tại là chưa đủ và chưa thể theo kịp các đối thủ như Apple hay thậm chí là hãng điện thoại Trung Quốc Xiaomi”.
Cạnh tranh khốc liệt ở Trung Quốc
Những công ty công nghệ Trung Quốc nổi tiếng về khả năng “sao chép” mọi thứ.Điển hình là Huawei, phiên bản “nhái” của Cisco Systems. Tới nay, Huawei nhanh chóngvượt ra ngoài thiết bị viễn thông để đến với lĩnh vực điện thoại di động và trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới chỉ sau Samsung và Apple (theo nghiên cứu của IDC). Trong khi đó, vị trí thứ tư thuộc về Lenovo.
Tạm kết
Đứng trước những khó khăn kể trên, Samsung đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ cải tiến. Và đồng hồ đeo tay thông minh đang cho thấy nhiều tín hiệu khả quan.Mặc dù có khởi đầu đáng thất vọng với Samsung Gear, tuy nhiên công ty tiếp tục cho ra mắt thêm ba mẫu khác, trong đó chiếc Gear Fit, sản phẩm đồng hồ đa năng sử dụng trong quá trình tập thể dục nhận được đánh giá cao và phản hồi tích cực từ giới chuyên gia.
Điều đáng nói là tất cả các đồng hồ mới này đều chạy phần mềm “tự chế” của Samsung, trong khi đó Apple vẫn chưa sản xuất ra iWatch. Một số cải tiến khác có thể kể đến là hệ điều hành máy tính bàn hay ti vi kết nối internet, bút cảm ứng…
Và sẽ là thiếu sót nếu không kể đến thành công của những chiếc điện thoại thông minh màn hình lớn và phablets. Samsung là công ty dẫn đầu trong xu hướng này. Họ nắm bắt được đặc điểm chữ viết vốn cồng kềnh của các nước châu Á, chính vì thế một màn hình điện thoại lớn không chỉ giúp việc nhập văn bản dễ dàng hơn mà đôi khi còn có thể thay thế được nhiều chức năng của một chiếc máy tính xách tay.
Trong tất cả các điện thoại và máy tính bảng chạy iOS của Apple hay Android, phablets chiếm 7%, theo một nghiên cứu gần đây của công ty nghiên cứu điện thoại di động Flurry.Phablet mới nhất, chiếc Samsung Note 3 có màn hình 5,5 inch bắt mắt.
Các nhà đầu tư đều tỏ ra quan ngại đối với số phận của Apple. Nếu hãng này không đưa ra được bất cứ sản phẩm mới mang tính cách mạng nào từ nay tới cuối năm đồng nghĩ với việc công nhận chiến thắng trong nỗ lực thay đổi hình ảnh thương hiệu, trở thành hãng công nghệ dẫn đầu xu hướng của Samsung.
TheoCafebiz.vn/Bloomberg