HTC One M8
Ưu điểm:
– Kích thước màn hình lớn, cùng khả năng hiển thị tốt
– Nhiều tính năng độc đáo với cặp camera kép
– Vỏ kim loại cao cấp, sang trọng
– Nhiều cải tiến thông minh với giao diện Sense 6 UI
Nhược điểm:
– Ảnh chụp đôi khi bị noise và chưa thực sự hoàn hảo
– Giá thành còn khá đắt
So sánh về màn hình và khả năng hiển thị
Thời điểm trước khi HTC One M8 và Samsung Galaxy S5 ra mắt, đã có rất nhiều tin đồn rằng 2 siêu phẩm này sẽ sở hữu màn hình độ phân giải Quad-HD 2k, thế nhưng cuối cùng thì chúng chỉ được trang bị có màn hình fullHD mà thôi. Tuy nhiên kích thước màn hình của HTC One M8 cũng lớn hơn so với người tiền nhiệm của nó là 5 inch so với 4.7 inch.
Do sự tăng kích thước này nên số điểm ảnh của M8 cũng thấp hơn so với M7 của năm 2013 là 441 ppi so với 469 ppi. Tuy nhiên, người dùng về cơ bản sẽ không thể thấy được sự khác biệt này, trừ khi so sánh nó với một màn hình AMOLED hay Super AMOLED của Samsung Galaxy.
So sánh màn hình của HTC One M8 với các siêu phẩm hiện nay như LG G2, Sony Xperia Z2, chúng ta có thể thấy rằng chúng đều thuộc một đẳng cấp hiển thị cao hơn hẳn phầm còn lại. Tuy nhiên chúng vẫn có điểm khác biệt khi mà Sony và Samsung chú trọng vào độ sống động của màu sắc, còn HTC One M8 thì nổi bật ở độ chính xác màu sắc.
So sánh với các người tiền nhiệm M7, chiếc One M8 rõ ràng đã cải thiện khả năng hiển thị cùng độ cân bằng trắng. Hình ảnh trên M8 tỏ ra rất trong và rõ nét, đồng thời cũng không bị ám vàng như trên mẫu M7. Độ phản ứng của màn hình trên mẫu smartphone này cũng được đánh giá cao, cho khả năng đọc và vuốt cảm ứng nhanh, mượt.
Độ sáng tối đa của chiếc One M8 cũng tỏ ra rất tốt, cho khả năng hiển thị ngoài trời vô cùng ấn tượng. Thế nhưng đôi lúc nó vẫn bị phản sáng ở một số điều kiện nhất định.
Được trang bị màn hình SLCD, cùng tấm nền IPS có chất lượng tốt nhất hiện nay, bên cạnh những màn hình AMOLED của dòng Samsung Galaxy. Đặc trưng đầu tiên của màn hình SLCD đó là có một góc nhìn rất rộng mà không bị giảm độ sáng cũng như độ sắc nét.
Lumia 930 nối tiếp cho xu thế smartphone màn hình lớn với việc thay đổi kích thước từ 4.5 inch trên chiếc 925 lên màn hình 5 inch độ phân giải Full HD AMOLED. Nó cũng sở hữu số điểm ảnh ấn tượng là 441ppi, và được đi kèm với một kính cường lực Corning Gorilla Glass 3.
Có thể thấy Lumia 930 ngay lập tức phát huy được những đặc trưng của màn hình AMOLED đó là có màu sắc và hình ảnh có chiều sâu ấn tượng, qua các dải màu icon ở màn hình chính giao diện của máy. Siêu phẩm của Nokia còn được nhắc đến như là một trong những thiết bị có độ sáng ấn tượng, với khả năng nhìn cực rõ trong điều kiện trời nắng.
Thêm vào đó, Nokia cũng không quên hỗ trợ người dùng bởi hàng loạt tùy chọn giúp người dùng điều chỉnh màu sắc màn hình, cân bằng màu sắc, chuyển gam màu, hoặc chỉnh lại độ sáng màn hình khi ở chế độ tiết kiệm pin. Đối với một thiết bị dùng Windows Phone, vốn được đánh giá không cao ở ứng dụng và khả năng tương thích, thì trái lại Lumia 930 đang làm rất tốt.
Tuy vậy, nếu như kén chọn một chút, thì màn hình của Lumia 930 chưa thể sánh ngang với các siêu phẩm Android như LG G3 hay Samsung Galaxy S5, nhưng có phần nhỉnh hơn so với đối thủ HTC One M8 trong bài so sánh này.
So sánh về hiệu năng
HTC One M8 sử dụng bộ vi xử lý Snapdragon 801, con chip đã quá quen thuộc với dân chơi công nghệ khi xuất hiện hàng loạt trên các siêu phẩm smartphone cũng như tablet của năm 2014 như Samsung Galaxy S5 hay Sony Xperia Z2. Tuy nhiên trên chiếc One M8, con chip này phát huy nhiều hơn, chủ yếu là ở các tính năng của bộ lõi xử lý.
Xét về hiệu năng thực, chiếc M8 sử dụng chip Snapdragon 801 tốc độ 2.3GHz, thấp hơn một chút so với Samsung Galaxy S5 với 2.5GHz. Chiếc M8 cũng thấp hơn so với Xperia Z2 về lượng RAM, khi nó chỉ có 2GB RAM như đa số các mẫu smartphone cao cấp khác.
Ở bài thử nghiệm benchmark, HTC One M8 cũng cho một số điểm khá cao với 2840 điểm trên trình Geekbench 3, và 20556 trên trình 3DMark Gaming, cao hơn khoảng 15% so với các mẫu smartphone cũng như máy tính bảng sử dụng chip xử lý Snapdragon 800 như LG G2, hay chiếc HTC One phiên bản trước.
Về phần mình, Lumia 930 sở hữu một cấu hình mạnh mẽ cùng bộ xử lý lõi quad-core Snapdragon 800 tốc độ 2.2GHz, 2GB RAM, và chip đồ họa GPU Adreno 330. Phần cứng này giúp cho chiếc 930 có được một hiệu năng hoàn hảo khi sử dụng dù là các ứng dụng nặng như chơi games, xem phim HD,.. Tuy kém một đời chip so với Xperia Z2 hay HTC One M8 với Snapdragon 801, nhưng do chạy trên nền tảng Windows Phone vốn yêu cầu phần cứng thấp hơn Android, nên bạn sẽ không cảm thấy sự khác biệt nào khi xử lý các chương trình.
Máy chạy các trò chơi rất mượt, thậm chí là các games nặng như Asphalt 8:Airborne, và không bị quá nóng khi sử dụng thời gian dài. Lumia 930 cũng cho phép đa nhiệm và ít khi gặp tình trạng chậm, giật lag.
Điểm benchmark của máy rất ấn tượng với 505.48, so với chỉ 225.12 trên Lumia 1020 đủ để chứng minh Lumia 930 không hề e ngại bất cứ đối thủ nào, kể cả những flag-ship của Samsung, HTC,.. về hiệu năng hoạt động.
Tổng kết
Về tổng thể, HTC One M8 là người trội hơn về thiết kế và hiệu năng so với chiếc Nokia Lumia trên mọi phương diện. Tuy nhiên nếu nói về chất lượng hiển thị của màn hình, thì đại diệu của Nokia mới là người được đánh giá cao hơn. Bên cạnh đó, lợi thế về giá thành rẻ cũng khiến cho Lumia 930 lợi thế hơn trong cuộc đua của mình.
Tuy nhiên xét về phương diện hệ điều hành, thì ở thời điểm hiện nay dù đã có cố gắng nhưng Windows Phone khó có thể bắt kịp Android về cả độ đa dạng, các tính năng, và trải nghiệm người dùng. Do đó người dùng đang định mua Lumia 930 cần cân nhắc thêm về tiêu chí này, để có được những trải nghiệm sử dụng tốt nhất.