Màn trập là gì?
Màn trập, hay còn gọi là cửa trập, là lớp màn bằng kim loại được đặt trước cảm biến. Trong những máy ảnh mirrorless, màn trập luôn mở cho đến khi bạn bấm nút chụp.
Cách để thấy màn trập: tháo lens, bấm nút chụp, bạn sẽ thấy 1 tấm kim loại xuất hiện che cảm biến lại.
Còn trong những chiếc máy ảnh dslr, bạn sẽ khó nhìn thấy màn trập hơn, do cảm biến của máy nằm phía trên của gương lật.
Tốc độ màn trập là gì?
Tốc độ màn trập (shutter speed) là khoảng thời gian màn trập mở để ánh sáng đi vào cảm biến máy ảnh, hay nói cách khác, là khoảng thời gian cần thiết để máy ảnh “chụp” một bức ảnh. Thay đổi tốc độ màn trập sẽ tạo ra những hiệu ứng quan trọng trong nhiếp ảnh.
Những hiệu ứng khi thay đổi tốc độ màn trập
Tốc độ màn trập thấp
Khi bạn để tốc độ màn trập thấp (chậm), máy ảnh cần nhiều thời gian hơn để tạo ra một bức ảnh. Điều này tạo ra hiệu ứng làm mờ chuyển động(motion blur).
Hiệu ứng này thường được dùng để mang lại cảm giác chuyển động cho bức ảnh. Rất thường thấy trong các bức ảnh quảng cáo ôtô!
Ngoài ra, tốc độ màn trập thấp còn được các nhiếp ảnh gia phong cảnh sử dụng để chụp ảnh dòng sông, thác nước nhằm đem chuyển động của nước vào ảnh mà vẫn giữ được độ chi tiết của bức ảnh.
Tốc độ màn trập cao
Ngược lại, khi bạn sử dụng tốc độ màn trập cao (nhanh) sẽ tạo hiệu ứng đóng băng chuyển động (freeze motion).
Như tên gọi của nó, hiệu ứng này giúp bạn chụp được những chủ thể di chuyển nhanh một cách rõ nét, không bị mờ. Thậm chí bạn có thể chụp rõ nét một ly nước đang đổ – điều mà mắt thường không thể làm.
Tóm lại, tốc độ màn trập thấp sẽ làm tạo ra hiệu hứng bóng mờ, tạo cảm giác chuyển động cho bức ảnh. Trong khi, tốc độ màn trập cao sẽ làm đóng băng chuyển động, giúp chụp rõ nét những chủ thể di chuyển nhanh.
Cách tính tốc độ màn trập
Tốc độ màn trập thường được đo bằng một phần của giây, tức là thể hiện dưới dạng phân số. Ví dụ: 1/60 giây, 1/250 giây,… Mẫu số càng lớn thì tốc độ càng cao. Thông thường, bạn nên để tốc độ màn trập lớn hơn 1/125 giây để đảm bảo rằng ảnh không bị rung khi bạn cầm máy bằng tay.
Mối tương quan giữa tốc độ màn trập và độ phơi sáng
Một hiệu ứng cực kì quan trọng khác của tốc độ màn trập là độ phơi sáng – quyết định độ sáng của bức ảnh!
Khi bạn set tốc độ màn trập thấp, thời gian cảm biến tiếp xúc với ánh sáng sẽ nhiều, làm tăng độ sáng của ảnh. Và ngược lại, khi bạn set tốc độ màn trập cao, cảm biến của máy sẽ có ít thời gian tiếp xúc với ánh sáng, làm ảnh tối hơn
Với nhiều người, lý do chính để thay đổi tốc độ màn trập là chỉnh độ sáng phù hợp. Bạn phải cẩn thận khi để tốc độ quá thấp có làm ảnh mờ không mong muốn.
Tuy nhiên, tốc độ màn trập không phải yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến độ sáng của một bức ảnh.
Còn có các yếu tố khác như khẩu độ, ISO nên bạn có thể linh hoạt chỉnh tốc độ màn trập để đạt hiệu ứng mong muốn. Nhưng đừng quên chỉnh các yếu tố khác một cách cẩn thận!
Tốc Độ Màn Trập Nhanh, Chậm
Tốc độ màn trập nhanh là yếu tố cần thiết để đóng băng chuyển động. Khi bạn chụp ảnh những chủ thể chuyển động nhanh ví dụ như chim bay, hay chụp ảnh thể thao. Bạn phải set tốc độ màn trập rất cao, vào khoảng 1/1000s thậm chí là nhanh hơn.
Tốc độ màn trập chậm thường có giá trị từ 1s trở lên. Và ở giá trị này, bạn chắc chắn cần có tripod để giữ độ nét cho bức ảnh. Tốc độ màn trập chậm (thấp) thường được dùng khi bạn chụp trong môi trường thiếu sáng, chụp ảnh ban đêm hoặc khi bạn muốn tạo hiệu ứng mờ chuyển động.
Cách chỉnh tốc độ màn trập
Khi bạn sử dụng chế độ Auto, máy ảnh sẽ tự động chọn tốc độ màn trập và bạn không được quyền điều chỉnh (tương tự với khẩu độ và iso).
Để tự làm chủ tốc độ màn trập, bạn phải chỉnh máy sang 1 trong 2 chế độ sau:
- Chế độ ưu tiên tốc độ màn trập (shutter priority): bạn sẽ được quyền chọn tốc độ màn trập, máy ảnh sẽ chỉnh khẩu độ một cách tự động cho bạn.
- Chế độ M: bạn phải tự chỉnh tốc độ và khẩu độ.
Trong cả hai chế độ trên, bạn được quyền set ISO auto hoặc tự chỉnh ISO.
Kết Luận
Tốc độ màn trập là một yếu tố quan trọng trong nhiếp ảnh. Nó tạo ra hiệu ứng đóng băng chuyển động, làm mờ chuyển động và còn có tác động trực tiếp lên độ sáng của một bức ảnh.
Hi vọng sau khi đọc bài viết này, bạn có thể tự mình làm chủ được tốc độ màn trập trong nhiếp ảnh.