PowerShot SX170 IS (trong đó IS là viết tắt của “Image Stabilised” – ổn định hình ảnh) là sản phẩm “đàn em” của SX510HS. PowerShot SX170 IS có hình dạng giống như một chiếc DSLR thu nhỏ. Máy sở hữu một chiếc ống kính zoom quang học 16X (zoom số 32X) song lại có thể dễ dàng nằm vừa vặn trong túi quần của bạn.
Máy có 2 phiên bản, một phiên bản màu đỏ đun bắt mắt và một phiên bản màu đen truyền thống. Mức giá gốc mà Canon đưa ra là 180 USD (giá tại Mỹ, tương đương 3,8 triệu đồng). Độ phân giải tối đa của máy là 16MP với cảm biến 1/2,3 inch dạng CCD thay cho cảm biến CMOS truyền thống.
Sau đây là những đánh giá về máy ảnh PowerShot SX170 IS của Photography Blog:
Trải nghiệm sử dụng
Ống kính của SX170 IS có khẩu độ chuyển đổi khi chụp rộng là 28 mm, khẩu độ tối đa khi chụp tele là 448 mm. Bạn sẽ phải mở đèn flash ở phía trên ống kính bằng tay trước khi chụp. Phía trên thân máy là bánh xe chọn chế độ với các chế độ P/A/S/M quen thuộc và một số chế độ hoàn toàn tự động. Trong số đó là chế độ Smart Auto có khả năng tự động lựa chọn 1 trong số 32 loại cảnh. Nút cò được bao quanh bởi cần gạt để điều khiển flash, ngay phía sau là nút bật/tắt.
Thời gian khởi động của SX170 IS là 2 – 3 giây, tương đương với thời gian ống kính chuyển từ tiêu cự rộng tới tiêu cự tele. Thật may mắn bạn có thể zoom ngay cả khi đã bắt đầu quay video, tuy vậy thời gian chuyển đổi từ tiêu cự rộng tới tiêu cự tele sẽ lên tới 9 – 10 giây. Mặc dù microphone vẫn thu âm thanh của ống kính khi zoom, tiếng động không quá lớn và do đó có thể bị át bởi âm thanh từ môi trường xung quanh.
Sự khác biệt của SX170 IS so với các máy phổ thông khác không chỉ bao gồm ống kính mà còn cả bộ microphone stereo (2 kênh) nằm ở 2 bên của ống kính và một bộ loa nằm ở 2 bên mặt trên của máy. Phía sau là màn hình LCD 3 inch thông thưởng, tỉ lệ 4:3 với độ phân giải 230k “chấm”. Các nút bấm nằm phía bên phải màn hình. Nếu bạn đã sử dụng các dòng sản phẩm PowerShot hay IXUS, bạn sẽ nhanh chóng làm quen với SX170 IS.
Ở phía trên lưng máy là chỗ để tay và một nút quay phim HD. Bạn chỉ có thể quay video độ phân giải 1280 x 720 pixel thay vì Full HD 1920 x 1080 pixel như các model khác của Canon. Ngay bên dưới nút này là nút Play để xem ảnh và clip. Ở giữa nút xoay điều hướng là nút Function/Set.
Bên phải nút điều hướng là nút chỉnh phơi sáng (+-2EV), và ngay bên dưới là nút Display và Menu quen thuộc. Tất cả các nút điều có kích cỡ lớn, được sắp đặt phù hợp để bạn có thể dễ dàng điều khiển bằng ngón cái.
2 bên máy có mắt để lắp dây đeo, mặt bên phải của máy có khe đậy kết nối AV/USB. SX170 IS không được trang bị tính năng chia sẻ ảnh qua Wi-fi.
Trong khi thế hệ cũ SX160 IS sử dụng pin tiểu, Canon đã cung cấp cho PowerShot SX170 IS pin li-ion sạc. Khe cắm pin cũng là nơi bạn lắp thẻ SD. Canon cũng đã sạc và dây cắm. Phía dưới của SX170 IS là chân ốc để bạn cắm vào tripod.
Khi nhấn nút bật/tắt, SX170 IS sẽ được khởi động: ống kính mở ra khỏi thân máy với khẩu độ rộng nhất và màn hình được bật. Màn hình LCD với độ phân giải 230.000 chấm là phương tiện duy nhất để bạn phối cảnh. Việc không có ống ngắm là một điểm trừ, do SX170 IS rõ ràng đang cố “ăn theo” các loại máy bán chuyên và chuyên nghiệp. Điểm cộng của màn hình LCD là màn hình này có thể hiển thị 100% trường nhìn.
Nút cò hơi nhô lên khỏi mặt trên của máy có cảm giác bấm khá “đã tay”. Khi bấm nhẹ, bạn có thể lấy nét cho bức ảnh trước khi nhấn hết cỡ để chụp ảnh. Trên PowerShot SX170 IS có 10 chế độ chụp, trong đó chế độ tự động (Auto) được đánh dấu bằng màu xanh lá cây. Bạn vẫn có các chế độ P/A/S/M quen thuộc.
Chế độ Live View cho phép bạn có thể điều chỉnh độ sáng và màu sắc một cách dễ dàng: ví dụ, trên màn hình sẽ có thanh trượt (kích hoạt bằng nút Function/Set) để chọn độ sáng hoặc chọn màu ấm hay lạnh. Các mức ISO chỉ có từ 100 đến 1600. Khẩu độ tối đa là f/3.5, do đó bạn khó có thể chụp thiếu sáng, ngay cả khi Canon đã trang bị thêm chế độ chụp thiếu sáng với độ phân giải thấp (4MP) để giảm nhiễu.
Các chế độ tiếp theo khá đơn giản: Portrait (chụp chân dung), Face Self Timer (Đếm giờ sau khi nhận diện khuôn mặt), chụp trời tuyết và chụp pháo hoa.
Trên nút xoay chọn chế độ bạn cũng có thể chọn các hiệu ứng cho ảnh, ví dụ như hiệu ứng mắt cá, hiệu ứng poster, hiệu ứng đơn sắc… Bạn có thể lựa chọn các tỉ lệ ảnh khác nhau như 4:3, 16:9, 3:2 và cả 1:1.
Tiếp đến là một chế độ chụp “bí mật”: chế độ này sẽ tắt tất cả âm thanh báo và tiếng cò để tạo ra trải nghiệm chụp “yên tĩnh” hơn. Cuối cùng là chế độ quay video có hỗ trợ các cài đặt My Colours của Canon, cân bằng trắng, khả năng chuyển từ quay HD sang 640 x 480 và ngược lại.
PowerShot SX170 IS đủ nhẹ để bạn có thể sử dụng thoải mái bằng một tay, song nếu chụp tele bạn nên sử dụng cả 2 tay. Kích cỡ của máy là 108 x 71 x 43 mm; trọng lượng 251 gram. Máy có thân hình chắc chắn song lại không quá to và nặng.
Pin li-ion đi kèm theo máy đủ cho bạn chụp 300 bức ảnh (theo chuẩn CIPA).
Chất lượng ảnh chụp
Mặc dù PowerShot SX170 IS đã học theo thiết kế của các máy DSLR nhưng chất lượng ảnh chụp của nó vẫn chưa thể sánh bằng các dòng máy ảnh chuyên nghiệp hiện nay. Có thể nói PowerShot SX170 IS chỉ là một chiếc máy ảnh phổ thông bình thường, với zoom cao cấp hơn một chút.
Trong khi ảnh chụp ở tiêu cự 28 mm là đủ sắc nét (nhưng vẫn không tránh khỏi các lỗi phổ biến của máy ảnh compact như pixel tím), các bức ảnh chụp từ cùng một vị trí tại khẩu độ tele tối đa sẽ bị mịn một cách đáng ngạc nhiên, ngay cả khi đã sử dụng tính năng ổn định hình ảnh quang học để tránh hiện tượng ảnh mờ.
Tính năng đo sáng của PowerShot SX170 IS hơi kém: Nếu bạn muốn nhấn mạnh vào các chi tiết trên nền phía trước thì nền trời sẽ rất nhợt nhạt, ngược lại nếu bạn muốn thu được các chi tiết đám mây trong bức ảnh thì nền phía dưới trông sẽ rất tối. Thật may mắn, đôi lúc bạn vẫn có thể chụp được những bức ảnh có màu sắc rực rỡ.
Khi Photography Blog thử nghiệm chế độ chụp ảnh pháo hoa tại một festival địa phương, kết quả thu được là các bức ảnh ít bị mờ hơn chế độ Smart Auto.
Do chỉ có ISO tối đa 1600, PowerShot SX170 IS không phải là một chiếc máy ảnh chụp thiếu sáng tốt. Thậm chí, hiện tượng nhiễu đã bắt đầu xuất hiện từ ISO 400 trên các vùng bóng tối. Trên ISO 800, nhiễu xuất hiện trên cả khung hình (dù không quá trầm trọng). Ở ISO 1600, bạn có thể nhìn thấy nhiễu rõ ràng ngay cả khi chưa phóng to ảnh. Có lẽ đây là lý do vì sao Canon không trang bị cho SX170 IS mức ISO 3200.
Độ nhiễu
Sau đây là crop 100% cho thấy mức nhiễu trên các ISO khác nhau.
Tiêu cự
Ống kính 16X của PowerShot SX170 IS có tiêu cự chụp góc rộng 28 mm; chụp tele 448 mm.
Làm nét
2 bức ảnh sau đã được Save as Web – Quality 50 trong PhotoShop. Ảnh bên phải đã được làm nét trong PhotoShop.
Nhiễu màu
PowerShot SX170 IS xử lý nhiễu màu tương đối tốt, mặc dù vẫn có viền tím trong các bức ảnh chụp có độ tương phản cao.
Macro
PowerShot SX170 IS có chế độ Macro cho phép bạn lấy nét trên các vật thể chỉ cách máy 1 cm khi chụp góc rộng. Bức ảnh đầu tiên cho thấy bạn có thể tới gần vật mẫu tới mức nào.
Chụp flash
Có 3 tùy chọn flash trên PowerShot SX170 IS: Auto (Tự động), Manual (On/Off – bật bằng tay), Slow Synchro (Đồng bộ chậm) và Red-Eye Reduction (Giảm mắt đỏ). Các bức ảnh sau đây chụp cách tường 1,5 m.
Trong 2 bức ảnh sau đây, có thể thấy cả chế độ flash thường và giảm mắt đỏ đều không gây mắt đỏ.
Chụp đêm
PowerShot SX170 IS có tốc độ cửa trập tối đa lên tới 15 giây, cho phép bạn chụp đêm khá tốt. Bức ảnh sau đây được chụp ở ISO 400 với tốc độ 1 giây.
Một số ảnh khác được chụp từ Canon PowerShot SX170:
Kết luận
Dù ngoại hình của SX170 IS “học hỏi” rất nhiều từ các máy DSLR cao cấp nhưng chất lượng ảnh chụp của SX170 IS vẫn thua kém các model máy ảnh chuyên nghiệp. Nếu bạn muốn một chiếc máy ảnh phổ thông có chất lượng vượt trội hơn hẳn so với những chiếc smartphone như iPhone 5s hoặc Lumia 1020, bạn nên tìm kiếm một sản phẩm khác.
Tuy nhiên chất lượng phần cứng và hiệu năng của PowerShot SX170 IS vẫn là khá ổn nếu xét tới mức giá 180 USD (3,8 triệu đồng) của máy. Dù chất lượng ảnh chụp không quá cao, PowerShot SX170 IS đem lại cảm giác cầm khá “sướng tay” và máy cũng khá đẹp – một điểm cộng cực kỳ quan trọng trên thị trường máy ảnh phổ thông hiện nay.
Theo Vnreview