Ở Mỹ, ngày sau Lễ Tạ Ơn là sự khởi đầu không chính thức của mùa mua sắm nghỉ lễ Giáng sinh và Tết dương lịch. Khi mùa mua sắm kéo dài, người ta sẽ chi tiêu nhiều hơn và nền kinh tế đang khủng hoảng lúc bấy giờ sẽ nhận được một sự thúc đẩy cần thiết – đó chính là ý tưởng hình thành nên sự ra đời của Black Friday.
Black Friday dịch ra có nghĩa là Thứ Sáu Đen. Black Friday được ấn định vào thứ 6 đầu tiên ngay sau Lễ Tạ ơn ở Mỹ và Canada tức thứ 6 lần thứ 4 trong tháng 11 dương lịch (thời gian cụ thể diễn ra thường dao động trong khoảng từ ngày 23 – 29/11 dương lịch).
Chiếu theo khái niệm này, Black Friday 2021 sẽ rơi vào thứ 6 ngày 26/11/2021.
Những điều bạn đã biết về Black Friday Việt Nam
Ban đầu, Black Friday chỉ nổi tiếng tại Mỹ nhưng vài năm trở lại đây, nó đã trở thành một phong trào được lan rộng sang nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam.
Khi nhắc tới Black Friday người ta nghĩ ngay tới “giảm giá”, “siêu giảm giá” và luôn có ý tưởng sẽ mua món hàng A, B, C trong dịp sale khủng sắp tới mà chẳng ngại giá trị cao.
Black Friday Việt Nam là một dịp mua sắm được Việt Nam áp dụng xu hướng Black Friday giảm giá nhiều sản phẩm giá trị lớn hướng tới nhiều người có nhu cầu mua thực để kích cầu mua sắm cho người dùng trong nước. Vào những ngày này, nhiều doanh nghiệp, cửa hàng từ online tới offline đều tranh thủ sale nhiều, sale đậm đến 70% thậm chí 80% để thu hút sự chú ý của người mua. Từ đồ ăn, đồ dùng gia đình tới thiết bị công nghệ thông minh,… đều giảm giá.
5 sự thật ít ai biết về Black Friday Việt Nam
Thế nhưng, cái gì cũng có mặt trái và Black Friday Việt Nam cũng vậy. Dù đã biết nhiều về ngày siêu giảm giá Black Friday này nhưng có thể ít ai biết 5 sự thật về Black Friday Việt Nam sau:
1. Black Friday Việt Nam không có những đám đông hỗn loạn
Ngoài ý nghĩa “siêu giảm giá” thì khi nhắc tới Black Friday người ta còn hay nghĩ tới “các đám đông hỗn loạn” vì giảm giá mạnh mà chẳng ngại tranh cướp, giật đồ khuyến mãi của nhau để thỏa mãn mong muốn sở hữu cá nhân của bản thân. Có lẽ vì thế mà vào ngày Black Friday bất kể năm nào, người ta cũng ghi nhận hàng trăm người chen lấn, lao vào nhau tại các siêu thị, cửa hàng bán lẻ để giành giật những món đồ giảm giá mạnh.
Ở Việt Nam không vậy, Black Friday Việt Nam vẫn diễn ra, thậm chí diễn ra không cần đúng ngày, thường sẽ sớm hơn cả tuần lễ trước đó, diễn ra trong lặng lẽ, nếu có rầm rộ lên một chút thì cũng sẽ “hạ” ngay và “không có những đám đông hỗn loạn” tại các siêu thị hay cửa hàng bán lẻ như ở nước ngoài. Điều này thực sự rất đáng mừng vì chúng ta có thể trở thành một “tín đồ” săn sale thậm chí “cuồng sale” nhưng không “hung dữ” và “bất chấp”.
2. Ít có công ty ở Việt Nam nào cho nhân viên nghỉ hẳn 1 ngày để đi mua sắm dịp Black Friday
Ở nước ngoài Black Friday sale đậm tới 70% – 80% mà toàn các sản phẩm đồ điện tử, điện gia dụng, thiết bị thông minh, đồ dùng công nghệ, thời trang,… có giá trị nhưng chỉ có số lượng hạn chế và dành cho những người tới sớm. Không ít người có kế hoạch săn sale Black Friday món đồ yêu thích từ trước đã xin nghỉ phép để xếp hàng trước cửa tiệm có món đồ yêu thích được giảm giá họ muốn mua. Nên nhiều doanh nghiệp sẵn sàng cho nhân viên nghỉ hẳn 1 ngày để đi mua sắm Black Friday thỏa thích.
Còn ở Việt Nam, rất ít hoặc hiếm có công ty nào cũng hào phóng cho nhân viên của mình nghỉ làm để đi mua sắm như thế. Nếu so với việc phải ngồi xếp hàng và chen lấn để có món đồ mình thích có lẽ nhiều người Việt thích săn sale online hơn. Tất nhiên cũng dành không ít thời gian rảnh ở nhà, ở công ty chỉ để cắm mặt vào cái điện thoại smartphone hay màn hình máy tính để tranh thủ săn sale món đồ mình muốn sở hữu.
3. Khuyến mãi “ảo” thì nhiều, khuyến mãi thật rất ít
Như một thói quen, các cửa hàng bán lẻ từ online tới offline Việt Nam khá ưu ái người dùng bởi tháng nào cũng sale 3-4 lần, cứ 7 – 10 ngày lại có một chương trình sale, sale nhan nhản thành ra “rất khó để có khuyến mãi thật”. Đa phần món đồ đáng 100 nghìn vnd để có mức sale 50% đều đã được người bán cộng thêm 70 nghìn vnd nữa vào giá trị thực rồi mới sale. Nếu không tỉnh táo hoặc cứ thấy sale đậm là mua thì chắc chắn bạn sẽ rơi vào bẫy “khuyến mãi ảo” để rồi phải tiếc nuối.
Nếu nơi bán có tâm, có khuyến mãi thật thì cũng có lẽ không tới lượt bạn săn được vì “luôn là người tới sau”. Số lượng sản phẩm sale bị giới hạn rất ít từ 5 – 10 sản phẩm nếu có giá trị cao và chỉ sau chưa đầy 1 giây bạn đã không thể đặt được hàng nữa vì hết hàng. Còn giá trị thấp gần như cho không thì người ta có thể để số lượng nhiều hơn từ 1000 – 5000 sản phẩm, ai cũng mua được đồ 1 nghìn vnd nhưng phí ship sẽ đắt gấp mấy lần giá trị thật của món hàng được sale.
4. Những đồ khuyến mãi đa phần là các mặt hàng không thương hiệu
Sự thật mất lòng nhưng chính xác là hầu hết các sản phẩm sale đậm tới 80% đa phần lại là các món đồ chả có thương hiệu gì nổi tiếng hoặc là sản phẩm không thiết yếu kiểu “có cũng được, không có cũng được” nên không kích cầu được người dùng mua sắm thực tế.
5. Trải nghiệm mua hàng Black Friday Việt Nam không thực sự tốt như mong đợi
Không chỉ vướng mắc trong vấn đề các mặt hàng sale đậm tại Black Friday Việt Nam không có thương hiệu hay phí ship cao mà người mua còn gặp phải không ít các tình huống dở khóc dở cười nữa khi săn sale “khủng” dịp Black Friday như:
– Nhận hàng chỉ có vỏ không có ruột
– Nhẹ thì bề mặt trầy xước, nặng thì hàng bị nứt vỡ hoặc thiếu một số bộ phận
– Không giao đúng hàng đã đặt như yêu cầu
– Chất lượng hàng thực tế không được như mong đợi
Với những trải nghiệm này, nhiều khách hàng sẽ có thể chấp nhận được nếu dễ tính và chắc mẩm đây chỉ là một cuộc vui trải nghiệm để cho biết mà thôi. Tuy nhiên với những “tín đồ” săn sale thực thụ hoặc chí ít là họ đặt rất nhiều niềm tin vào sự trung thực của người bán thì sẽ thất vọng vô cùng.
Trên đây là 5 sự thật ít ai biết về Black Friday Việt Nam. Sẽ không khó hiểu nếu người bán thực sự muốn tranh thủ dịp Black Friday này để đẩy hàng hóa đi nhưng nếu phải dành quá nhiều thời gian phí phạm vào những bẫy “sale ảo” thì với bạn liệu có đáng?