Mùa đông miền bắc điển hình với kiểu thời tiết lạnh, khô khiến cho mọi người rất dễ mắc các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ. Chính vì vậy, việc chăm sóc các bé trong những ngày lạnh cũng cần hết sức cẩn thận, đặc biệt là khi tắm. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn các mẹ cụ thể cách tắm cho bé trong mùa đông để con luôn khỏe mạnh:
Tắm cho bé từ 2 đến 3 lần/ 1 tuần
Trong mùa đông, nên tắm 2 đến 3 lần/ 1 tuần
Trong những ngày mùa đông giá rét, bạn không cần thiết phải tắm cho bé hàng ngày. Đối với những trẻ sơ sinh thông thường, tắm từ 2 – 3 lần/ tuần là phù hợp với sức khỏe của bé. Đối với những bé đã bắt đầu bước vào độ tuổi ăn dặm có thể tắm nhiều lần hơn bởi lúc này thức ăn có thể dính vào người làm bẩn một số bộ phận, thậm chí là toàn cơ thể. Tuy nhiên, việc rửa tay, chân, mặt và vệ sinh bộ phận sinh dục cho bé thì cần được thực hiện hàng ngày.
Dùng đèn sưởi nhà tắm hoặc quạt sưởi khi tắm cho bé
Dùng quạt sưởi khi tắm cho bé
Khi tắm cho bé, bố mẹ cần đóng kín cửa sổ và cửa ra vào để tránh gió lùa, bật đèn sưởi nhà tắm để làm ấm không khí. Nếu nhà tắm không có đèn sưởi, bạn có thể sử dụng quạt sưởi. Khi bé tắm xong, bố mẹ cũng nên dùng quạt sưởi làm ấm phòng trong khi lâu khô, mặc quần áo cho bé. Đối với những bé có mái tóc quá dày và lâu khô, bạn nên dùng máy sấy tóc để sấy khô tóc cho con, tránh để bé bị lạnh lâu có thể dẫn đến cảm lạnh.
Các bước tắm cho bé
Không nên tắm cho bé quá lâu
Khi tắm cho trẻ nhỏ trong mùa đông, các mẹ có thể hòa vào nước tắm một chút tinh dầu tràm hoặc tinh dầu khuynh diệp để phòng cảm lạnh cho con. Lưu ý khi tắm cho bé trong mùa lạnh thì thời gian tắm chỉ nên dài khoảng 5 phút, tắm quá lâu có thể làm bé bị nhiễm lạnh. Nếu bạn chưa từng tắm cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh nên cảm thấy lúng túng thì hãy tham khảo các bước dưới đây:
– Rửa mặt: cần rửa mặt cho bé trước tiên bằng khăn riêng để đảm bảo đôi mắt của bé được rửa bằng khăn và nước sạch.
– Gội đầu: khi gội đầu cần lưu ý không để nước vào tai bé, dùng khăn khô lau đầu sau khi gội xong.
– Tắm thân người: thao tác nhanh để tránh mất nhiệt, đặc biệt chú ý những vùng nếp gấp như cổ, nách, háng phải dùng khăn lau rửa cẩn thận hơn. Với trẻ sơ sinh, nên đặt trẻ ở tư thế úp sẽ làm trẻ bớt sợ hãi và khóc.
– Sau khi tắm xong: đặt bé vào khăn quấn kín từ đầu xuống chân rồi bế bé vào lòng. Lúc này mẹ cũng cần ủ ấm cho bé, nếu để ý mẹ sẽ nhận thấy môi bé bị tái đi lúc mới cho ra khỏi chậu và quá trình được mẹ ủ ấm, môi bé sẽ hồng trở lại. Khi thấy môi bé hồng trở lại từ từ mở khăn, mở đến đâu mặc quần áo cho bé đến đấy. Nếu trời quá lạnh, các mẹ nên để quạt sưởi ấm khi mặc quần áo cho con để tránh bé bị nhiễm lạnh.
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam