Kể từ lúc bước vào thị trường âm thanh, hãng loa Anker đã trình làng khá nhiều mẫu loa bluetooth giá rẻ đáng chú ý, trở thành một thế lực đáng gờm ở phân khúc giá rẻ. Model tiêu biểu nhất, được xem là biểu tượng của hãng là mẫu Anker Soundcore 2. Tuy chất âm của nó chưa thể nói là tốt nhất, nhưng ở trong tầm giá 1 triệu đồng nó hoàn toàn xứng đáng đứng ở vị trí đầu bảng.
Vậy thì sẽ thế nào nếu chúng ta đầu tư thêm một chút để sở hữu Anker Soundcore Flare? Liệu nó có thể trở thành đối trọng của một số cái tên nổi bật ở phân khúc dưới 2 triệu đồng như JBL Flip 3, Sony SRS-XB10, Tronsmart T6 hoặc UltimateEars UE Wonderboom hay không?
Thiết kế
Tổng quan thiết kế của Flare có thể nói là một sự pha trộn của nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nói đúng hơn là nó hấp thu những ưu điểm của các đối thủ và tụ tập vào trong thân hình của mình. Cụ thể hình dáng của nó giống Bose SoundLink Revolve, lớp vải bọc ngoài giống UE Wonderboom và kiểu chơi led RGB của JBL Pulse 3.
Kích thước loa ngắn hơn Revolve và cao hơn UE Wonderboom, khiến nó đủ di động nhưng chưa hẳn là mẫu loa thích hợp đem theo bên mình. Hình thể của nó vẫn còn khá to nên đặt vào ba lô sẽ hơi cồng kềnh. Được cái là chất lượng build rất tốt, có chống nước IPX7 để chơi nhạc ngoài trời bất kể thời tiết, điều kiện môi trường.
Ở trên đỉnh loa là một màng cao su lớn có bố trí cụm nút điều khiển. Bao gồm các nút thao tác với bản nhạc và đèn led RGB, cộng thêm nút tăng bass. Khi nhấn nút đèn thì dải led ở đáy sẽ chuyển đổi hiệu ứng khác nhau, nếu giữ nút thì sẽ tắt đèn.
Ở mặt sau của loa bạn sẽ tìm thấy nút nguồn và nút ghép đôi cùng một nắp cao su bảo vệ jack 3.5mm và cổng sạc micro USB bên trong.
Điểm nhấn ấn tượng nhất của loa là dải đèn LED ở dưới đáy loa. Dải LED này có thể nhún nhảy theo mọi giai điệu nhạc mà bạn chơi, bắt nhịp rất nhịp nhàng. Ngoài cách tùy chỉnh hiệu ứng bằng nút đèn ở trên đỉnh loa, bạn có thể sử dụng phần mềm Soundcore để làm điều đó. Ứng dụng này cũng cho phép bạn tùy biến EQ và tăng bass chỉ với vài thao tác đơn giản.
Hiệu suất
Chất lượng âm thanh của Anker Soundcore Flare về tổng thể là cân bằng nhưng âm treble có thể hơi khó nghe một chút khi set EQ ở chế độ flat. Kích hoạt Bass Up, bass được tăng thêm khá nhiều đem lại hiệu quả rất tinh tế. Sau khi đã thử một loạt EQ của Flare, mình rất ngạc nhiên khi thấy EQ nào cũng hay và ngọt ngào, sự cân bằng ban đầu bị phá vỡ nhưng bù lại chất âm biến hóa đa dạng, rất phong phú và lạ tai.
Tuy vậy nó vẫn có một vài thiếu sót. Cụ thể khi bật Bass Up mình thấy bass của nó nhiều về lượng, có chiều sâu hơn UE Wonderboom nhưng chưa đủ impact. Ở dải treble thì âm cao bị với, kiểm soát không tốt nên hơi chói và gắt. Ngoài ra khi chơi ở mức volume cao thì sẽ có hiện tượng méo tiếng.
Thời lượng pin
Pin của loa bluetooth Anker Soundcore Flare là 12 giờ và tùy thuộc âm lượng, độ sáng của LED sẽ còn thấp hơn. Sau khi test đèn LED với cường độ sáng trung bình, chơi nhạc ở âm lượng 50% thì mình thấy Flare trụ được khoảng 8 giờ.
Có nên mua Anker Soundcore Flare hay không?
Xét một cách công bằng nhất, Anker Soundcore Flare rất đáng đồng tiền bát gạo: chất âm cân bằng, tính năng cao ấp, tùy biến đa dạng, giá bán lại rẻ. So với Wonderboom thì Flare thua kém ở khoản di động, giá cũng cao hơn loa của UltimateEars một chút nhưng chất âm tổng thể vượt trội hơn hẳn.
Nếu bạn muốn loa có chất âm tốt hơn thì bạn nên bỏ qua Flare và tìm kiếm các mẫu giá cao hơn như JBL Charge 4 chẳng hạn. Còn nếu bạn đang tìm kiếm một mẫu loa hoàn hảo về mọi mặt với mức giá phải chăng thì Soundcore Flare sẽ thích hợp với bạn.