Thời trang luôn xoay vòng. Mỗi năm, ít nhất hai mùa, các nhà thiết kế đưa ra những xu thế mới. Chạy theo xu thế nhưng đôi khi mỗi sáng, bạn băn khoăn không biết phối đồ như thế nào. Nói một cách khác, bạn luôn cảm thấy mình không có đủ trang phục để mặc. Tủ đồ cơ bản hay tủ đồ con nhộng (capsule wardrobe) sẽ là trợ thủ đắc lực cho bạn.
Tủ đồ con nhộng, tiếng Anh gọi là capsule wardrobe hay capsule collection là tổng hợp những bộ quần áo và phụ kiện thiết yếu nhất nhưng có thể tạo nên những trang phục cơ bản cho tất cả các mùa. Tổng số lượng áo, quần và phụ kiện có thể chỉ khoảng 24 đến hơn 30 món nhưng bạn có thể kết phối đa dạng nhiều loại trang phục với nhau.
VÌ SAO BẠN CẦN XÂY DỰNG TỦ ĐỒ CON NHỘNG?
Xây dựng tủ đồ trang phục cơ bản giúp bạn tiết kiệm thời gian. Khi giảm bớt thời gian quyết định thứ mình sẽ mặc hàng ngày, bạn sẽ dành quyết định cho những hoạt động mình yêu thích. Bên cạnh đó, việc đánh giá và giữ lại những thứ thiết yếu giúp bạn nhận ra điều gì quan trọng với bản thân. Việc hạn chế tích trữ giúp giải phóng thời gian và không gian để định hình bạn thật sự yêu thích điều gì.
BA BƯỚC ĐƠN GIẢN ĐỂ XÂY DỰNG TỦ ĐỒ CƠ BẢN
Xây dựng tủ đồ cơ bản hay tủ đồ con nhộng gồm có 3 bước: nhìn lại, phân loại và lựa chọn.
Bước 1: Nhìn lại
Bước đầu tiên là nhìn lại tất cả trang phục bạn đang sở hữu. Bày tất cả quần áo, phụ kiện, nữ trang, giày lên giường và kiểm kê giúp bạn có được cái nhìn tổng quan. Việc mỗi ngày bày và lọc một ít không giúp tiết kiệm thời gian. Tập trung kiểm kê tất cả một lần là bước đầu xây dựng tủ đồ con nhộng nhanh chóng.
Bước 2: Phân loại
Sau khi đã nhìn lại tất cả trang phục mình sở hữu, bạn sẽ phân loại chúng theo trang phục yêu thích, trang phục băn khoăn và trang phục không phù hợp. Theo Marie Kondo, tác giả cuốn sách nổi tiếng về dọn dẹp không gian sống, bí quyết đơn giản cho phân loại là đừng suy nghĩ quá nhiều mà theo cảm nhận đầu tiên.
Bạn hãy tự hỏi trái tim: “Món đồ này có đem lại niềm vui cho không?”. Mục yêu thích mang cho bạn năng lượng tích cực ngay khi cầm lên và bạn thấy mình thường xuyên vận chúng. Mục băn khoăn dành cho những bộ trang phục bạn muốn giữ lại nhưng không rõ lý do. Cuối cùng, mục không phù hợp là chẳng mấy khi bạn diện, là kết quả những lần mua sắm vội vã thiếu tính toán.
Bước 3: Lựa chọn
Bước cuối cùng khó khăn nhất là lựa chọn. Dựa vào đặc điểm mùa, tính chất công việc và sinh hoạt thường ngày, bạn lập danh mục khoảng 33 món đồ thiết yếu. Một danh sách thông thường bao gồm quần áo: quần jeans, váy dài, váy ngắn, áo thun ngắn tay hoặc cổ chữ V đơn giản, áo sơ mi và áo blazer, tổng cộng 6 món. Trang sức gồm vòng tay và phụ kiện gồm kính mắt, ví và khăn, tổng cộng 4 món. Kết hợp cùng 3 món trong tủ giày cơ bản: giày đế bằng, giày cao gót, giày đi bộ, bạn đã có khoảng 13 món đồ cơ bản trong tổng số 33 món đồ.
Sau đó, bạn tăng số lượng những sản phẩm bạn thấy phù hợp với bản thân như váy nếu bạn theo đuổi phong cách nữ tính hoặc áo vest trong môi trường công sở chuyên nghiệp. Một tủ đồ cơ bản 33 món đồ ngoài quần áo nên có 2 bộ trang sức, 5 món phụ kiện và 4 đôi giày, không tính đồ mặc trong, đồ ngủ hoặc đồ tập.
Những trang phục trái mùa bạn chưa sử dụng ngay có thể gấp gọn và cất vào hộp cho lần xây dựng tủ đồ mùa tiếp theo.
NHỮNG LƯU Ý VỀ XÂY DỰNG TỦ ĐỒ CON NHỘNG
Tủ đồ cơ bản không đồng nghĩa với những trang phục giản dị thiếu tính cách. Nhiều thiết kế đơn giản nhưng chất lượng và tinh tế có giá thành không nhỏ nhưng là khoản đầu tư xứng đáng. Rất nhiều thương hiệu thời trang cao cấp đã cho ra đời tủ đồ con nhộng.
Phong cách thời trang Pháp tinh tế theo chủ nghĩa “càng ít càng nhiều” (less is more) chú trọng vào những món đồ cơ bản gồm 5 món đồ nhưng vẫn thanh lịch và dễ phối hợp trong nhiều hoàn cảnh
Ngoài ra, 80/20 là một gợi ý hay, với 80% trang phục cơ bản và 20% là những trang phục phá cách. Điều quan trọng, sau khi thử nghiệm, bạn sẽ xác định vào phong cách cá nhân và tập trung vào những món đồ nói lên tính cách bản thân.