Dù được định hình là smartphone tầm trung nhưng Xperia T3 vẫn thu hút sự quan tâm lớn của người dùng bởi Sony đã tự hào tuyên bố sản phẩm này là chiếc điện thoại mỏng nhất thế giới trong cùng phân khúc màn hình 5,3 inch.
Được công bố hồi đầu tháng 7, hiện tại Xperia T3 đã được bán rộng rãi tại Việt Nam và phần lớn phiên bản nhập về là hàng xuất cho thị trường Đài Loan. Máy có 3 màu sắc chủ đạo là đen, trắng và tím.
Thiết kế
Sony vẫn giữ thiết kế Omni Balance trên Xperia T3, máy có nhiều nét tương đồng với chiếc Xperia T2 Ultra. Sở hữu màn hình 5,3 inch nhưng do viền màn hình dày khiến kích thước máy tăng lên đáng kể, đồng thời ở phiên bản màu trắng sẽ lộ rõ khung viền này cho cảm giác khá thô so với thiết kế chung. Đây cũng là phiên bản thứ hai sau chiếc Xperia M2 sử dụng mặt kính đồng màu trên phiên bản màu trắng.
Phía trên mặt trước chúng ta có loa thoại, camera trước chỉ 1,1 mpx cùng cảm biến. Điều khiến tôi không hài lòng nhất ở thiết kế của Xperia T3 là viền phía dưới màn hình. Tuy có phần viền dưới rộng nhưng Sony không hề tận dụng chúng để đặt ba nút cảm ứng mà đưa ba nút này vào phía trong màn hình khiến diện tích sử dụng thực tế bị giảm.
Mặt sau của Xperia T3 được làm bằng nhựa nhám và bắt tay khi cầm, không có cảm giác dễ trơn trượt dù máy có thiết kế mỏng chỉ 7 mm. Camera sau độ phân giải 8 “chấm” cùng đèn flash được đặt ở góc trái, chính giữa máy là logo NFC, logo nhà sản xuất và dòng chữ XPERIA.
Điểm trừ trong thiết kế mặt sau đó là vị trí của loa ngoài. Đã có rất nhiều smartphone trên thị trường bị “ném đá” vì cách bố trí loa nằm ở mặt sau, khi người dùng nghe nhạc bằng loa này và đặt máy trên mặt bàn, chất lượng âm thanh sẽ bị giảm rất nhiều.
Điểm cộng lớn nhất của Xperia T3 là phần viền màn hình được bao bọc bởi lớp thép sáng bóng. Sử dụng vật liệu bằng thép cũng giúp khung viền này chắc chắn, hạn chế bị xước hơn so với khung kim loại trên chiếc Xperia Z2.
Màn hình
Xperia T3 sử dụng màn hình LCD TFT 5,3″, tấm nền IPS độ phân giải dừng lại ở HD (720 x 1.280 pixel) mật độ điểm ảnh 277 ppi nhưng vẫn cho hình ảnh hiển thị tốt vì sử dụng công nghệ Triluminos và BRAVIA Engine 2. Đây cũng là công nghệ được hãng áp dụng trên những sản phẩm TV Bravia.
Thử nghiệm thực tế cho thấy hình ảnh hiển thị trên màn hình Xperia T3 bắt mắt, phông chữ và icon không có hiện tượng bị rỗ và độ sáng ở mức khá. Bạn có thể thoải mái xem phim trên màn hình của máy mà không cần lo ngại vấn đề chất lượng hiển thị.
Do trang bị tấm nền IPS nên trên thực tế, góc nhìn của Xperia T3 tốt hơn hẳn so với chiếc Xperia M2. Tuy nhiên khi bạn nghiêng máy khoảng một góc >30 độ, màu sắc có hiện tượng ám vàng.
Hiệu năng và camera
Là một smartphone tầm trung, cấu hình của Xperia T3 khá khiêm tốn. Máy sử dụng chip xử lý Snapdragon 400 lõi tứ tốc độ 1,4 GHz (tương tự Xperia T2 Ultra), RAM 1GB, camera sau 8 megapixel, camera trước 1,1 megapixel, bộ nhớ trong 8GB và pin 2.500 mAh.
Máy sử dụng hệ điều hành Android KitKat 4.4 cùng bộ giao diện riêng như trên các máy Xperia khác của Sony. Giao diện này đã được đơn giản hóa hơn trong phần Personalization, một số tính năng bị lược bớt như nháy 2 lần nút Home để kéo thanh thông báo (notification).
Xperia T3 không dành cho những người thích “selfie” vì Sony chỉ trang bị camera trước độ phân giải 1,1 megapixel trên smartphone này. Còn với camera sau, chúng ta có một chiếc máy chụp hình độ phân giải 8 megapixel sử dụng công nghệ Exmor CS và cảm biến CMOS của Sony.
Dùng thử camera chính của Xperia T3, tôi nhận thấy trong điều kiện ánh sáng tốt, máy cho chúng ta ảnh chụp màu sắc tươi, chi tiết. Tuy nhiên khi chụp ngoài trời nắng màu sắc có phần nhợt nhạt. Chụp thiếu sáng cũng là điểm yếu của T3, màu sắc không thật và nhiều “sạn”, bắt nét khó.
Nhìn chung Xperia T3 phù hợp với người dùng thích sử dụng smartphone màn hình lớn, thiết kế mỏng tinh tế, thời trang và sang trọng, đồng thời trọng lượng nhẹ chỉ 148g.
Theo Genk