Websosanh – Mặc dù đã đi máy bay nhiều lần, nhưng không ít người vẫn mắc một số lỗi trong chuyến bay, khiến họ phải gặp rắc rối trong việc làm thủ tục và có thể bị phạt. Và với những người lần đầu đi máy bay thì sự bỡ ngỡ này còn tăng thêm rất nhiều. Vậy phải chuẩn bị những thủ tục gì trong chuyến bay đầu tiên? Trình tự đi máy bay như thế nào? Cần có những giấy tờ nào cho chuyến bay?…Dưới đây là thủ tục hoàn chỉnh cho một chuyến bay với một hành khách thông thường, nếu bạn sắp sửa có chuyến bay đầu tiên thì đây sẽ là kinh nghiệm quý báu cho lần bay đầu tiên của bạn.
Những thứ cần chuẩn bị trước chuyến bay
Hộ chiếu là giấy tờ bắt buộc nếu bạn muốn ra nước ngoài
Để được đi máy bay, không như đi ô tô, tàu hỏa, bạn chỉ cần có vé là lên tàu đi được, với việc đi máy bay, bạn còn có nhiều thủ tục khắt khe, trước hết là về thủ tục hành chính, bạn cần phải có đủ các loại giấy tờ sau:
– Điều hiển nhiên là trước khi đi máy bay các bạn phải có trong tay những tấm vé máy bay, nhưng hiện nay có nhiều hình thức đặt vé máy bay gián tiếp, bạn có thể gọi điện cho nhân viên phòng vé và nhờ đặt vé máy bay trực tuyến, việc thanh toán và thủ tục sẽ rút ngắn đi rất nhiều thời gian của bạn.
Sẽ có nhiều hãng hàng không tung ra những đợt vé máy bay khuyến mãi giá chỉ từ 0 đồng hay giá 99.000 VNĐ,… nhưng đổi lại sẽ có một số hạn chế tương đương như việc hạn chế số kg gửi thấp, thời gian hợp lệ của vé ngắn, không được trả lại vé một khi đã mua hoặc số tiền trả lại sẽ thấp so với vé không khuyến mại.
Những thông tin hữu ích liên quan đến vé máy bay:
– Hạng vé (Class): Các hãng sẽ có sự phân loại khác nhau và có nhiều hạng, phổ biến nhất là Economy, Bussiness và First class, trong đó hạng Economy là rẻ nhất.
– Tình trạng vé (status):
+ OK/Confirmed: Ngày giờ bay là chính thức.
+ Wai Listed: Là khi giờ bay bạn đã đăng kí chưa được chắc chắn do đã hết chỗ và bạn bị chuyển vào danh sách đợi. Nếu có người bỏ chỗ mà bạn đứng đầu danh sách đợi thì bạn sẽ tình trạng vé của bạn sẽ chuyển sang OK.
+ Open Dated: Đây là thông báo khi bạn chưa đăng kí ngày, giờ bay. Bạn có thể đăng kí bất cứ lúc nào miễn là trước khi vé hết hạn sử dụng.
– Chuyến bay (flight): Ký hiệu chuyến bay, ví dụ AB1234, bạn có thể tìm thông tin về chuyến bay trên các bảng điện tử qua ký hiệu này.
– Ngày giờ bay (date/time): Ngày/giờ máy bay cất cánh và thời gian đi, thời gian đến, giờ địa phương.
– Bay thẳng (non-top) hay quá cảnh (transit): Bay thẳng là chuyến bay đi thẳng từ địa điểm bạn cần đi đến nơi mà bạn cần đến, trasit là chuyến bay sẽ có những điểm trung gian dừng một vài nơi khác trước khi đến điểm bạn cần đến.
– Nếu đi trong nước thì bạn cần chuẩn bị CMT, đi nước ngoài thì cần hộ chiếu.
– Việc chuẩn bị Visa hiện nay không được áp dụng với tất cả các nước vì hiện nay một số nước và Việt Nam đã ký hiệp định miễn Visa đối với công dân của cả hai nước mang hộ chiếu nếu ở lại trong vòng 30 ngày.
Ví dụ như các nước trong khu vực Đông Nam Á như: Thái Lan, Indo, Singapore,…, khi các bạn đến những nước này trong vòng 30 ngày sẽ không cần Visa.
– Một số nước có yêu cầu là phải có Visa Transit nếu tuyến bay của bạn transit qua sân bay tại nước đó, ví dụ bạn bay từ Hà Nội đến Amsterdam (Hà Lan) transit tại sân bay ở London (Anh), khi đó bạn cần phải có thêm Visa transit tại Anh bên cạnh Visa vào Hà Lan. Đối với những người chưa đi máy bay bao giờ, thì việc phải tìm hiểu thêm những thuật ngữ, những thủ tục đăng kí Visa, hộ chiếu là rất cần thiết. Những vấn đề này tôi sẽ nói trong các bài viết tiếp theo.
– Ở nhiều nước việc thuế sân bay sẽ gộp luôn vào giá vé máy bay, nhưng ở sân bay Nội Bài Việt Nam bạn sẽ cần chuẩn bị tiền mặt để đóng thuế sân bay khi đi. Vì thế, đối với những nước thu lệ phí sân bay riêng bạn cần chuẩn bị một số tiền nhỏ đơn vị tiền của nước sở tại, vì nước nào sẽ thu tiền lệ phí bằng đơn vị tiền của nước đó. Bạn cũng cần chuẩn bị một số tiền của nước sắp đến để có thể tiêu ngay mà không cần phải đổi tiền ở sân bay, thủ tục sẽ khá rắc rối và mất thời gian.
Hành lí mang theo người bạn cần chia làm 2 loại sau
– Đồ xách tay là đồ bạn sẽ mang theo bên mình khi lên máy bay, bạn sẽ để đồ này bên mình, hoặc để vào những kệ để đồ bên trên hoặc bên dưới. Do vấn đề về an ninh, hành lý dạng này bên trong sẽ được kiểm duyệt rất kỹ càng, bạn sẽ không được mang theo các vật dụng có ý sát thương như dao, kéo,…Và hành lý sẽ bị giới hạn về kích thước, cân nặng, số lượng được mang theo…tùy theo quy định của từng hàng Hàng không.
– Thứ hai là đồ gửi, thường là đồ nặng, cồng kềnh mà bạn gửi khi làm thủ tục, đồ này vẫn đi cùng chuyến bay với bạn nhưng được để ở khoang riêng, bạn sẽ chỉ được lấy đồ khi đến nơi. Sẽ có những danh mục những đồ bạn không được phép mang theo, bạn phải hết sức tuân thủ những quy định này. Chỉ một chút không hiểu biết hay cố tình vi phạm bạn sẽ gặp những vấn đề đáng tiếc về tiền bạc cũng như thời gian của mình.
Với những chuyến đi xa, mang theo nhiều đồ đạc thì nên cho vào trong một chiếc va li và ghi rõ họ tên bên ngoài
Các điều kiện ràng buộc đối với hành khách
– Trọng lượng hành lý gửi: Tùy theo loại vé, hãng hàng không mà số kg hành lý có giới hạn khác nhau. Thông thường đi đường dài gửi được 30kg/người. Nếu bạn muốn gửi quá mức quy định thì sẽ phải đóng thêm tiền, lệ phí cao.
– Thời gian hợp lệ của vé: Sẽ tính từ lúc mua hoặc từ lúc bay, sẽ có thời gian là loại 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng, 1 năm,…tùy theo từng hãng. Hạn vé càng lâu thì giá càng cao.
– Hoàn lại vé: Thủ tục này sẽ theo quy định của từng hãng, tùy theo quy định mà bạn được trả lại một phần tiền hoặc không khi bạn không thể tiếp tục chuyến bay.
Làm thủ tục Check-in
Đi hãng hàng không nào, bạn đến quầy của hãng hàng không đó để làm thủ tục check – in
Ở khu đi của sân bay, bạn tìm đến các quầy của hãng hàng không mà bạn đi. Đến giờ check-in, các quầy sẽ có nhân viên phục vụ. Nếu vé của bạn chưa ghi chỗ ngồi mà bạn muốn chọn chỗ thì nên đến sớm để xếp hàng. Tùy theo các hạng vé đã đặt trước mà sẽ có những quầy tương ứng.
Trước khi đi vào các quầy để làm thủ tục, bạn cần đi qua trạm kiểm soát đồ, bạn phải đưa hành lý gửi lên để scan, đồ xách tay sẽ kiểm tra lại ở bước sau.
Bạn cần phải đưa vé máy bay, chứng minh thư hoặc hộ chiếu/Visa cho nhân viên tại quầy kiểm tra, nếu có đồ gửi bạn đưa lên bàn cân, nhân viên có thể kiểm tra luôn hành lý xách tay của bạn có hợp lệ không.
Sau khi làm xong thủ tục, bạn sẽ nhận lại được vé máy bay, giấy tờ đưa lúc trước và thẻ lên máy bay và cuống vé tương ứng với hành lý gửi. Bạn phải giữ cuống vé cho đến khi ra khỏi sân bay, số cuống vé vé sẽ tương đương với số kiện hành lý.
Sau khi làm xong các thủ tục, bạn sẽ dùng thẻ lên máy bay thay thế cho vé máy bay. Trên thẻ này ghi địa chỉ phòng đợi, thời gian phòng đợi, số ghế trên máy bay của bạn.
Trong trường hợp bạn đi nhiều chặng (transit), nhân viên có thể làm luôn thẻ lên máy bay cho các chặng tiếp theo của bạn. Tùy từng trường hợp họ sẽ thông báo cho bạn biết hành lý gửi của bạn sẽ được tự động chuyển giữa các chuyến bay và bạn sẽ lấy đồ ở đích cuối cùng hay phải tự lo ở từng điểm.
Làm thủ tục xuất cảnh
Những lao động xuất khẩu đang làm thủ tục xuất cảnh
Tùy theo sân bay, bước kiểm tra an ninh có thể diễn ra trước hoặc sau bước làm thủ tục xuất cảnh.
Nếu bạn đi ra nước ngoài, bạn sẽ phải làm thủ tục xuất cảnh. Tại đây, bạn đưa ra hộ chiếu/visa, nhân viên hải quan xem xét và có thể đóng dấu vào hộ chiếu của bạn hay gỡ bỏ visa/giấy tờ liên quan khỏi hộ chiếu của bạn nếu đã hết giá trị.
Kiểm tra an ninh
Kiểm tra an ninh là thủ tục bắt buộc tại sân bay
Đồ xách tay của bạn sẽ được đưa qua các máy quét và bạn sẽ đi qua một công từ, chìa khóa hay các đồ kim loại bạn nên cho ra khay để qua đường máy quét.
Khi đã trải qua tất cả các thủ tục trên, bạn sẽ được vào ngồi lên chuyến bay của mình, và đi đến nơi cần đến. Với những trường hợp đặc biệt, bạn nên hỏi thẳng tại quầy phục vụ của sân bay để có những hướng dẫn cụ thể và chính xác nhất
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
O.N
Nguồn: Tham khảo tại Vietjet Air