Tìm hiểu về các chế độ chụp phổ biến trên máy ảnh

Chuyển tới nội dung chính trong bài[xem]
Sử dụng máy ảnh chuyên nghiệp không đơn giản như máy ảnh trên điện thoại, có nhiều thứ mà người dùng cần tìm hiểu và nắm rõ, trong đó bao gồm các chế độ chụp. Vậy trên máy ảnh sẽ có những chế độ chụp nào bạn cần biết, ưu nhược của từng chế độ ra sao?

Chế độ chụp trên máy ảnh nói một cách dễ hiểu là những chương trình cho pháp bạn thao tác cài đặt các thông số ảnh hưởng đến quá trình phơi sáng, cụ thể là 3 yếu tố khẩu độ, ISO và tốc độ màn trập. Có những chế độ cho phép bạn kiểm soát 1, 2 hoặc cả 3 thông số này trong khi có những chế độ tự động hoàn toàn.

Cái thời mà máy ảnh kỹ thuật số chưa xuất hiện, các nhiếp ảnh gia thường tự phải tính toán tốc độ màn trập, khẩu độ và chọn loại phim phù hợp một cách hoàn toàn thủ công. Để đánh giá được cường độ và lượng ánh sáng, họ phải sử dụng một thiết bị đo sáng đặc biệt để tìm được thông tin phơi sáng. Sau đó mới cài đặt cho máy ảnh. Đến năm 1962, một công ty máy ảnh tại Nhật Bản đã giới thiệu chiếc máy ảnh SLR đầu tiên có khả năng đo lượng ánh sáng chiếu qua ống kính máy ảnh. Kể từ đó, khái niệm ‘đo sáng tự động’ mới bắt đầu xuất hiện!

Cho đến nay, hầu hết máy ảnh đều được trang bị nhiều chế độ chụp khác nhau. Trong khi máy ảnh điện thoại đều hoàn toàn tự động thì máy ảnh chuyên nghiệp lại cho phép bạn sử dụng cả chế độ tự động lẫn thủ công.

Các chế độ chụp phổ biến trên máy ảnh

Như đã nói, máy ảnh hiện nay được trang bị rất nhiều chế độ chụp, tuy nhiên, có 4 chế độ phổ biến nhất mà máy ảnh nào cũng phải có. Đó là:

  • Program (Dịch một cách đơn giản là Chương trình), ký hiệu là: P
  • Aperture ( Ưu tiên khẩu độ), ký hiệu là: Av hoặc A
  • Shutter Speed (Ưu tiên tốc độ màn trập), ký hiệu là: Tv hoặc S
  • Manual (Thủ công), ký hiệu là: M

Sau đây chúng ta sẽ tìm hiểu một cách chi tiết từng chế độ, để xem chúng hoạt động ra sao và phù hợp với những nhu cầu nào?

1. Chế độ Program

Ở chế độ này máy ảnh sẽ dựa vào lượng ánh sáng đi qua ống kính để tự động chọn cả tốc độ màn trập lẫn khẩu độ cho bạn. Máy ảnh sẽ cố gắng giữ cân bằng cả hai yếu tố này để giúp bức ảnh có đủ lượng ánh sáng cần thiết.

Cụ thể như sau:

  • Nếu bạn đưa ống kính vào vùng có nhiều ánh sáng, khẩu độ sẽ tăng lên trong khi vẫn giữ tốc độ màn trập ở mức khá nhanh
  • Khi bạn đưa ống kính vào vùng tối, khẩu độ sẽ giảm đi đồng thời duy trì tốc độ màn trập ở một mức nhanh hợp lý
  • Nếu ánh sáng không đủ, khẩu độ sẽ ở mức tối đa mà ống kính của bạn cho phép

Chế độ này phù hợp với nhu cầu cần chụp nhanh ảnh. Gọi nó là một chế độ “Bán tự động” chắc cũng không quá sai! Thông thường mình ít khi sử dụng máy ở chế độ này vì nó không cho phép mình kiểm soát nhiều thông số phơi sáng. Tất nhiên máy ảnh cũng cho phép bạn ghi đè tốc độ màn trập và khẩu độ bằng các nút điều khiển khi ở trong chế độ P.

Có thể nhiều bạn sẽ thắc mắc chế độ P này với chế độ Auto (Thường có ký hiệu chữ A với màu xanh lá) khác nhau ở chỗ nào? Chế độ P chỉ tự động chọn tốc độ màn trập, khẩu độ cho bạn trong khi chế độ Auto sẽ chọn cho bạn cả ISO, tốc độ màn trập, khẩu độ lẫn cân bằng trắng.

2. Chế độ Ưu tiên tốc độ màn trập

Trong chế độ này bạn sẽ đặt tốc độ màn trập còn máy ảnh sẽ tự động lựa chọn khẩu độ cho bạn dựa vào lượng ánh sáng đi qua ống kính. Cụ thể như sau:

  • Nếu có nhiều ánh sáng, máy ảnh sẽ tăng khẩu độ lên để hạn chế ánh sáng đi vào cảm biến
  • Nếu có ít ánh sáng, máy ảnh sẽ giảm khẩu độ xuống để tăng lượng ánh sáng đi vào cảm biến
  • Trong trường hợp không có đủ ánh sáng máy ảnh sẽ giảm khẩu độ xuống mức thấp nhất mà ống kính cho phép
  • Trong tất cả những trường hợp trên, tốc độ màn trập luôn là một số cố định mà bạn đã đặt vào trước đó!
  • Chế độ này được sử dụng khi bạn muốn chụp đứng một đối tượng đang chuyển động nhanh hoặc tạo hiệu ứng “chuyển động mờ”.

Chế độ Ưu tiên tốc độ màn trập rất dễ làm cho bức ảnh bị thiếu sáng hoặc thừa sáng. Tại sao ư? Vì nếu trong trường hợp lượng ánh sáng xung quanh không đủ bạn lại đặt tốc độ màn trập thành một con số rất nhanh, phơi sáng của bạn lúc này sẽ bị giới hạn bởi khẩu độ tối thiểu của ống kính. Ví dụ: Nếu khẩu độ tối thiểu của ống kính là f/4.0, máy ảnh sẽ không thể sử dụng khẩu độ nhỏ hơn và nó sẽ vẫn chụp ở tốc độ màn trập nhanh mà bạn đã cài. Kết quả ảnh sẽ bị thiếu sáng. Ngược lại khi bạn đặt tốc độ màn trập quá lâu, ảnh sẽ dễ bị dư sáng do phơi sáng quá mức.

3. Chế độ Ưu tiên khẩu độ

Trong chế độ này bạn sẽ đặt khẩu độ thủ công, máy sẽ dựa vào lượng ánh sáng đi qua ống kính để tính toán tốc độ màn trập phù hợp. Cụ thể như sau:

  • Nếu có nhiều ánh sáng, máy ảnh sẽ làm tốc độ màn trập nhanh hơn lên
  • Nếu thiếu ánh sáng, máy ảnh sẽ làm tốc độ màn trập lâu hơn để cảm biến ảnh thu nhận được nhiều ánh sáng hơn
  • Trong cả hai trường hợp máy ảnh đều giữ nguyên khẩu độ mà bạn đã cài vào trước đó

Chế độ này phù hợp cho chụp ảnh chân dung, phong cảnh hay hầu hết mọi cảnh trong cuộc sống hàng ngày. Khi sử dụng chế độ này bạn có quyền kiểm soát độ sâu trường ảnh theo mong muốn và ảnh ít khi bị thiếu sáng hay thừa sáng. Vì giới hạn tốc độ màn trập của máy ảnh rất rộng, nhanh thì 1/4000 giây – 1/8000 giây còn chậm thì lên đến 30 giây hoặc hơn. Với khoảng giới hạn rộng như này, nó đáp ứng tốt hầu hết mọi nhu cầu sử dụng hàng ngày!

4. Chế độ thủ công

Chế độ này cho phép bạn cài đặt cả tốc độ màn trập lẫn khẩu độ một cách thủ công. Chế độ này thường được sử dụng trong những tình huống máy ảnh gặp khó khăn khi đo sáng vì ánh sáng quá khắc nghiệt. Ví dụ cường độ ánh sáng quá mạnh làm máy đoán sai và phơi sáng quá mức hoặc quá ít. Lúc này bạn cần cài máy ở chế độ thủ công rồi đưa ra các thông số phù hợp.

Chế độ thủ công cũng rất hữu ích khi bạn muốn chụp nhiều bức ảnh có tốc độ màn trập và khẩu độ giống nhau. Ví dụ: Khi bạn muốn ghép nhiều ảnh vào để tạo một bức ảnh toàn cảnh, lúc này chỉ chế độ thủ công mới giúp được bạn

Chế độ này thường được sử dụng trong những tình huống ánh sáng khắc nghiệt, khi chụp toàn cảnh hoặc khi sử dụng đèn flash. Nói chung đây là một chế độ khá khó để nắm bắt!

Thiết lập chế độ chụp như thế nào?

Hầu hết mọi máy ảnh đều có một bánh xe giúp bạn chọn chế độ chụp, đó là một bánh xe lớn có các chế độ được liệt kê bên trên. Đối với máy ảnh Canon sẽ là: “P”, “Tv”, “Av” và “M” còn với máy ảnh Nikon sẽ là: “P”, “S”, “A” và “M”

Trên một số máy ảnh chuyên nghiệp, bạn sẽ thấy bánh xe sẽ không dùng để chuyển chế độ chụp. Thay vào đó nó sẽ là một cái nút nhỏ nằm ở trên đỉnh máy.

ISO 

Trong hầu hết các máy ảnh DSLR, khi bạn sử dụng những chế độ trên ISO sẽ không tự động thay đổi.

  • Nếu máy ảnh của bạn có chế độ ISO tự động hãy bật nó lên, sau đó đặt ISO tối đa khoảng 800-1600 (con số này tùy thuộc vào máy ảnh bạn đang sử dụng) đặt tốc độ màn trập tối thiểu thành 1/200 giây. Khi chụp thử mà bạn thấy ảnh quá nhiễu hãy đặt ISO tối đa thành một con số thấp hơn
  • Nếu máy ảnh của bạn không có chế độ ISO tự động, hãy cài ISO của bạn thành số thấp nhất có thể và tăng dần nó lên trong điều kiện ánh sáng yếu

Các chế độ chụp ảnh khác thì sao?

Rất nhiều máy ảnh dành cho người mới hoặc bán chuyên nghiệp có những chế độ khác như: Chụp cận cảnh, chụp thể thao, chụp phong cảnh, chụp chân dung, chụp đêm (máy ảnh chuyên nghiệp không có những chế độ này). Tuy nhiên mình sẽ không đề cập đến chúng vì:

  • Những chế độ tự động này không giúp bạn hiểu cách máy ảnh phơi sáng như nào, không giúp bạn hiểu được bản chất vấn đề. Vì vậy tốt nhất đừng nên sử dụng chúng, hãy tập trung vào 4 chế độ mình giới thiệu bên trên!
  • Mấy chế độ này đơn giản chỉ là sự kết hợp của 4 chế độ bên trên cùng với một số cài đặt nhất định từ nhà sản xuất
  • Các máy ảnh khác nhau sẽ có những chế độ tùy chỉnh khác nhau và điều này sẽ làm cản trở bạn khi muốn nâng cấp lên máy ảnh chuyên nghiệp hoặc thay đổi thương hiệu. Đặc biệt là khi bạn sử dụng chúng quá nhiều!

Trên đây là những chia sẻ của mình về các chế độ chụp trên máy ảnh, mong rằng những chia sẻ này có ích với bạn. Chúc bạn chụp được những bức ảnh đẹp!

Tin tức về Máy ảnh

Đánh giá camera Huawei P40 Pro. Có phải là camera khủng nhất?

Đánh giá camera Huawei P40 Pro. Có phải là camera khủng nhất?

Huawei P40 Pro là điện thoại thông minh hàng đầu của Huawei. Xây dựng dựa trên những thành công của thế hệ P20 Pro và P30 Pro trước đó, P40 Pro được nhắm mục tiêu cụ thể đến các nhiếp ảnh gia. Cùng khám phá xem chiếc camera của Huawei P40 Pro đem đến những gì.
Những ấn tượng đầu tiên về chiếc máy ảnh Pentax K-3 Mark III

Những ấn tượng đầu tiên về chiếc máy ảnh Pentax K-3 Mark III

Bây giờ khi mọi người nói về máy ảnh không gương lật, nhiều người cũng nghĩ đến sự tuyệt chủng của DSLR. Nhưng Pentax không nghĩ vậy, hãng vẫn tin tưởng vào DSLR và tiếp tục công việc của mình. Pentax K3 III ra đời tiếp nối dòng Pentax quen thuộc và được xem như trụ cột của dòng cảm biến DSLR APSC.
Đăng nhập
Chào mừng bạn quay lại với Websosanh!