1. Không đọc chỉ dẫn của nhà sản xuất trên bao bì sản phẩm
Khi dọn dẹp nhà cửa chắc chắn các bà nội trợ rất cần đến những dụng cụ như cất tẩy rửa hay găng tay… Trên bao bì sản phẩm thường có những chỉ dẫn, những hướng dẫn sử dụng nhưng hầu như chẳng mấy ai ngồi “ngâm cứu” xem trên nhãn mác, bao bì sản phẩm viết những gì bởi đa số mọi người đều nghĩ rằng “cái này đơn giản, đến trẻ con còn biết dùng”. Tuy vậy, đây là một thói quen vô cùng sai lầm khiến cho hiệu quả của sản phẩm không được phát huy hết, không những thế nó còn có thể gây tốn thời gian, làm chúng ta bực mình và đôi khi còn làm ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đừng bỏ qua hướng dẫn sử dụng!
Vì vậy, trước khi sử dụng các chất tẩy rửa các bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như những thành viên khác trong gia đình.
2. Luôn sử dụng các sản phẩm tẩy rửa cực mạnh
Mọi người luôn nghĩ các vết bẩn trong nhà vệ sinh hoặc nhà bếp luôn cần phải có những sản phẩm tẩy rửa cực mạnh để tẩy rửa. Tuy vậy, đó là một suy nghĩ hoàn toàn sai lầm. Tất cả các vết bẩn nếu có mẹo thì hoàn toàn có thể được loại bỏ rất dễ dàng mà không cần đến những hóa chất cực mạnh như thế. Hiện nay, nhiều người trên thế giới yêu thích các công thức tẩy rửa bằng tự nhiên hơn là bằng hóa chất.
Vì vậy, nếu thấy một vết bẩn trên bồn cầu hay bếp ga, hãy tìm cách “đánh bật” bằng những công thức từ chanh, giấm hay một số công thức được hướng dẫn trên mạng. Nếu như không thể bạn mới nên dùng đến “biện pháp mạnh”, đó là dùng hóa chất. Bởi vì hóa chất không những làm ảnh hưởng đến sức khỏe khi hít phải mà còn làm bào mòn các đồ vật trong nhà. Khi sử dụng hóa chất, nếu lần một không được, bạn có thể thực hiện nó lần hai, lần ba để hiệu quả được như ý, có nghĩa là bạn nên làm sạch vết bẩn một cách từ từ. Ngoài ra, đừng nên mua những loại chất tẩy rửa quá mạnh.
3. Sử dụng quá nhiều chất tẩy rửa một lần
Bạn luôn nghĩ rằng cho càng nhiều nước rửa chén, bát đĩa sẽ sạch hơn, nhiều bột giặt, quần áo sẽ sạch hơn. Tuy vậy, điều đó không hoàn toàn đúng. Bạn hãy đọc thật kỹ hướng dẫn sử dụng và dùng một lượng vừa đủ cho vết bẩn của bạn. Nếu sử dụng quá nhiều, nó chỉ làm bạn phải hít nhiều chất độc hại và cũng làm tốn tiền của bạn hơn mà thôi.
4. Lau tủ bếp làm bằng gỗ sau mỗi lần rửa bát
Không nên lau chùi đồ gỗ thường xuyên
Các đồ nội thất trong nhà bếp có khá nhiều đồ được làm từ gỗ. Tất nhiên không ai là không muốn phòng bếp của gia đình mình sạch sẽ và thơm tho, đó cũng là lý do mà rất nhiều bà nội trợ lau bàn ghế, tủ bếp… sau mỗi lần dọn dẹp bữa ăn. Thực sự việc làm này không phải là không tốt, tuy nhiên, bởi gỗ là chất liệu khá “kị nước” nên nếu bạn lau bằng giẻ khô thì không sao, nhưng nếu lau bằng giẻ ướt, hoặc là giẻ ẩm thôi bề mặt của bàn ăn hay tủ bếp sẽ bị hư hỏng. Điều này làm cho tuổi thọ của các đồ vật bằng gỗ bị giảm xuống. Vì vậy, bạn nên chú ý mỗi khi làm sạch các đồ vật bằng gỗ. Bạn nên “tổng vệ sinh” đinh kỳ thôi, còn hàng ngày bạn chỉ nên lau bằng giấy ăn hoặc giẻ khô mà thôi.
5. Phủi bụi sau khi lau nhà
Nhiều người có thói quen phải lau nhà trước rồi mới “lăn lê bò quàng” để lau chùi bàn ghế hay những vật dụng khác. Một nguyên tắc mà các bạn cần phải nhớ để việc dọn dẹp của mình được hiệu quả hơn đó là luôn dọn từ “trên xuống dưới”, điều này có nghĩa rằng bạn cần phải lau từ tường, rồi đến tủ, kệ, rồi bàn ghế, sau đó mới đến sàn nhà. Hãy để công việc lau nhà là công việc cuối cùng của bạn khi dọn dẹp, bởi chỉ có như thế bạn mới không phải “xử lý” những vết bụi bẩn rơi xuống sàn nhà khi lau chùi bàn ghế và tủ kệ.
6. Cố gắng làm nhiều việc cùng một lúc
Nhiều người nghĩ rằng mất công lau nhà thì hãy dọn dẹp cả nhà luôn. Thực tế cho thấy, nếu bạn “chăm đột xuất” như thế bạn sẽ vừa mất thời gian, vừa rất mệt mỏi. Mỗi lúc bạn chỉ nên tập trung làm một việc đến hai việc mà thôi. Khi đang lau nhà đừng nghĩ đến việc giải trí, hay sắp xếp đồ đạc. Hãy làm hết việc này rồi mới đến việc khác. Ví dụ như bạn có thể nhìn “tổng thể ngôi nhà”, sắp xếp lại một chút rồi hãy lau nhà, như thế vừa hiệu quả lại vừa nhanh chóng.
7. Lau cửa sổ vào ngày nắng
Đừng lau cửa sổ vào ngày nắng!
Nhiều người cho rằng trời càng nắng, lau nhà hay lau cửa sổ sẽ càng nhanh khô. Điều này đúng, tuy vậy nó vẫn chưa hoàn toàn đúng. Cửa sổ và những thứ làm bằng kính khác, nếu lau khi trời nắng thì có thể bạn chưa lau xong chỗ này, chỗ kia đã khô lại rồi, những vết bẩn trắng sẽ lại đọng lại làm bạn cứ phải lau đi lau lại, như thế rất mệt mỏi. Tốt nhất là hãy lau cửa sổ hoặc cửa kính vào thời gian mà mặt trời không còn cao, nhiệt độ xuống và thời tiết râm mát, có như thế khi bạn lau sạch lại những vết bẩn bằng xà phòng thì nó mới sạch và không bị “dính” lại. Ngoài ra, khi lau những vật dụng bằng kính có bản to như thế, bạn cũng nên dùng khăn lau hoặc chổi lau bản to, như thế sẽ tiết kiệm thời gian hơn.
8. Phun trực tiếp chất tẩy rửa lên bề mặt lau chùi
Các chất tẩy rửa luôn có hóa chất cực mạnh, và dù có “sắt đá” đến đâu thì những vật dụng cũng sẽ bị bào mỏng đi. Thêm vào đó, tác dụng của các chất tẩy rửa cũng sẽ để lại vết mờ hằn lên bề mặt của đồ vật. Vì vậy, bạn có thể dùng chất tẩy rửa nhưng hãy thấm nó vào một miếng vải ẩm hay một miếng bọt biển, cách làm này sẽ giúp đánh bật vết bẩn bình thường, lại có thể tiết kiệm được dung dịch tẩy. Bạn nên nhớ chỉ phun, xịt chất tẩy rửa trực tiếp lên bề mặt khi các vết bẩn thực sự cứng đầu.
9. Không lau chùi vết bẩn ngay lập tức
Vết bẩn dù là đơn giản loại bỏ nhưng nếu để lâu ngày cũng sẽ làm bạn vất vả khi lau chùi. Vì vậy, ngay khi vết bẩn dính lên bàn hay bề mặt các đồ vật, hãy lập tức lau rửa nó cho sạch sẽ. Như thế sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức cũng như tiền bạc.
10. Không dùng găng tay khi dọn dẹp
Phải sử dụng găng tay khi lau chùi
Nhiều người cảm thấy đeo găng tay vào đôi tay của mình sẽ không còn được linh hoạt nữa, không thể sử dụng như bình thường nữa. Tuy vậy, khi tiếp xúc với các chất tẩy rửa hoặc cầm nắm nhiều thứ bẩn, da tay của bạn sẽ bị khô ráp, hư tổn. Vì vậy, hãy nhớ đeo găng tay khi dọn dẹp nhà cửa bạn nhé!
Hương Giang
tổng hợp