Sự phát triển của công nghệ thông tin cho ra đời một thị trường hoàn toàn mới – thương mại điện tử – nơi mà người tiêu dùng không cần phải mất thời gian, công sức để tìm cửa hàng để mua đồ, mà chỉ cần gõ, di chuột và đặt hàng, bạn có thể mua bất cứ thứ gì mà không cần phải ra khỏi nhà.
Tuy nhiên, việc mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển, thì như một hệ lụy, những nguy cơ rủi ro tiền ẩn từ mua sắm trực tuyến khiến nhiều người tiêu dùng bị mất tiền oan, với không ít những vụ việc phơi bày trên mạng, khiến nhiều người cảm thấy không an tâm khi mua sắm trực tuyến.
Để tránh tình trạng biến mình trở thành nạn nhân của những rủi ro mua sắm trực tuyến, Websosanh thống kê một số rủi ro phổ biến khi mua sắm trực tuyến, mà bạn nên tham khảo để tránh vấp phải.
Hàng thực tế khác với hình ảnh trên mạng
Một trong những rủi ro phổ biến khi mua hàng trực tuyến
(nguồn: internet)
Đây là một trong những câu chuyện dở khóc dở cười được nhiều dân cư mạng bàn tán. Và nổi bật nhất là trong các mặt hàng như quần áo, đồng hồ, hoặc các đồ gia dụng…
Nhiều người tiêu dùng quan sát hình ảnh trên mạng trông rất lung linh, nhưng thực tế mua về lại “xấu không thể tả”, bao gồm cả thiết kế hàng, chất liệu, tính năng…bị thay đổi.
Đấy là với những đồ dùng quần áo hoặc sinh hoạt, còn với các đồ điện tử, thì điều này còn khó kiểm chứng hơn khá nhiều, khi mà các trải nghiệm tính năng là không có khi mua hàng, khiến nhiều người thất vọng khi mua được “đống sắt vụn” do mua sắm trực tuyến.
Lời khuyên cho bạn: Để tránh việc hình ảnh trên mạng thì quá lung linh còn hàng mua được thì quá “lởm”, bạn nên chú ý những điều sau:
+ Chọn nơi bán uy tín
+ Đến tận nơi test hàng
+ Đọc kỹ thông số kỹ thuật, miêu tả, chất liệu,…
+ Đừng bỏ qua các điều kiện về bảo hành, điều kiện đổi trả hàng.
Và quan trọng nhất, hãy tỉnh táo “người mẫu mặc gì chả đẹp”!
Tài khoản ngân hàng bị xâm phạm khi mua sắm trực tuyến
Bảo mật tài khoản ngân hàng là điều hết sức quan trọng khi mua sắm trực tuyến
Câu chuyện đã lâu những vẫn chưa có hồi kết, khi mà không ít kẻ ngoài kia, chỉ đợi bạn sơ hở một chút là cắp tài khoản ngân hàng và cuỗm sạch tài khoản của bạn. Và không ít những người bỗng dưng nhận được giấy đòi nợ từ ngân hàng trong khi bản thân chẳng chi tiêu gì.
Việc mua sắm trực tuyến với việc cung cấp số tài khoản và thậm chí là mật khẩu của bạn tại các trang mua sắm trực tuyến, chính là điều kiện cho các hacker có được “chìa khóa” lấy tài khoản ngân hàng của bạn.
Chính việc quá dễ dãi, không kiểm tra độ uy tín của trang bán hàng, cũng như thả lỏng của bạn trong việc bảo mật tài khoản sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu xâm nhập vào tài khoản ngân hàng của bạn.
Lời khuyên cho bạn:
– Chọn trang mua hàng uy tín
– Luôn thay đổi mật khẩu tài khoản sau mỗi lần mua sắm tại trang mua sắm lạ
– Nên chọn hình thức giao hàng trả tiền mặt tốt hơn
– Lập riêng một tài khoản cho việc mua sắm, chỉ để đủ tiền mua sắm, còn tiền còn lại trong tài khoản khác, hoặc sổ tiết kiệm.
Giá mua sắm trực tuyến quá đắt
Đừng để những mác giảm giá đánh lừa bạn khi mua sắm trực tuyến
Là một người tiêu dùng, bạn hãy biết rằng mình đang phải đối đầu với hàng loạt các chiêu thức bán hàng của các nhà sản xuất, do đó, cần hết sức tỉnh táo khi mua sắm trực tuyến.
Đợt mua sắm trực tuyến Online Friday là một ví dụ điển hình khi mà nhiều người bán hàng dùng chiêu thức nâng giá lên rồi giảm giá khuyến mãi, trong khi với mức giá khuyến mãi giảm 50%, 60%…đầy hấp dẫn đó còn đắt hơn nhiều nơi khác trên thị trường.
Không chỉ thế, do không đọc kỹ thông tin về phí giao hàng, phí vận chuyển, rồi hàng loạt các phí khác liên quan, mà người tiêu dùng phải mua hàng với mức giá cao hơn khá nhiều so với niêm yết của người bán.
Lời khuyên cho bạn:
– Trước khi mua hàng, cần so sánh giữa những cửa hàng khác nhau để tìm nơi bán rẻ nhất, uy tín nhất, mà một trong đó, Websosanh là một công cụ so sánh giá mà Bộ Công thương khuyên người tiêu dùng nên sử dụng trước khi mua hàng.
– Đọc kỹ các thông tin về giá gốc, giá kèm VAT, giá có thuế chưa, giá có bảo hành chưa, giá vận chuyển….để biết được tổng giá phải trả là bao nhiêu.
– Đừng để cái mác giảm 50%, 60%…lừa mắt bạn. Phải tìm hiểu kỹ các nơi bán hàng trên thị trường để tìm được giá đúng.
Nghiện mua sắm trực tuyến
Nghiện mua sắm trực tuyến là một trong những “bệnh khó chữa”
Cũng như các cô nàng nghiện shoping, việc mua sắm trực tuyến cũng có thể gây nghiện, khi mà cứ thấy cái gì hay hay, rẻ rẻ là mua.
Nhưng, rất nhiều thứ hay hay, rẻ rẻ đó tích tụ lại thành khoản tiền khổng lồ, mà bạn không nghĩ rằng mình đã tiêu nhiều tiền như thế.
Lời khuyên cho bạn:
– Chỉ mua những thứ thật sự cần thiết
– Không nên lướt quá nhiều trên các website bán hàng, vì các hình ảnh giảm giá của những trang này sẽ khiến bạn không ngại ngùng rút hầu bao
– Lập giới hạn tiền mua sắm trực tuyến cho mình.
Trên đây là một số rủi ro chính khi mua sắm trực tuyến, mong rằng với các thông tin này, bạn đã có cho mình cái nhìn tổng quan, để tránh rủi ro khi mua sắm trực tuyến.
Websosanh.vn – Website so sánh giá đầu tiên tại Việt Nam
Tìm kiếm sản phẩm giá rẻ nhất Việt Nam
O.N